21 bị cáo trong đường dây lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia lãnh án

20/05/2024 18:12 GMT+7

Từ việc người phụ nữ trình báo bị 'cuỗm' gần 20 tỉ đồng, cơ quan chức năng phát hiện đường dây lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia.

Chiều 20.5, sau gần 1 tuần xét xử và nghị án kéo dài, TAND TP.Hà Nội tuyên án đối với 21 bị cáo liên quan đến đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xuyên quốc gia.

Trong số các bị cáo này có 14 người bị tuyên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, án cao nhất 18 năm tù, thấp nhất 12 năm tù. Nhóm này chủ yếu là người Việt Nam, làm nhân viên hoặc quản lý cấp nhóm cho đường dây tội phạm đặt trụ sở tại Campuchia.

7 bị cáo còn lại bị tuyên phạm tội rửa tiền, án cao nhất 11 năm tù, thấp nhất 6 năm tù.

21 bị cáo trong đường dây lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia lãnh án- Ảnh 1.

Các bị cáo trong vụ án lừa đảo và rửa tiền xuyên quốc gia

PHÚC BÌNH

Về trách nhiệm dân sự, hội đồng xét xử ghi nhận các bị cáo đã nộp hơn 8,3 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Số tiền còn lại hơn 11,5 tỉ đồng, các bị cáo thuộc nhóm lừa đảo phải liên đới bồi thường cho bị hại.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo thuộc nhóm rửa tiền đã vi phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, biến "tiền bẩn" thành "tiền sạch" với các hình thức hết sức tinh vi. Trong khi đó, các bị cáo nhóm lừa đảo làm việc theo hợp đồng lao động và chỉ đạo của người khác, không thuộc trường hợp bị cưỡng ép lao động, vì thế có vai trò đồng phạm.

Theo hồ sơ vụ án, cuối tháng 8.2022, chị N.T.L (39 tuổi, trú tại Hà Nội) theo dõi nhóm Facebook "Tuyển dụng kế toán", thấy một tài khoản đăng tin tuyển dụng nhân viên kế toán online làm công việc nhập số liệu, nên nhắn tin liên hệ.

Người phụ nữ cung cấp thông tin cá nhân (tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại) rồi được một người tự xưng là nhân viên tuyển dụng của Công ty Pharmacity, hướng dẫn truy cập vào website chỉ định, dùng số điện thoại của chị L. để đăng ký tài khoản.

Sau khi đăng ký, chị L. được cấp mã số để làm nhiệm vụ. Công việc chính là nhập số liệu những đơn hàng bị thiếu hoặc nhập sai số tiền của đơn hàng mà công ty cần sửa. Mỗi ngày, cộng tác viên sẽ nhận được từ 3 - 10 đơn hàng theo các khung giờ cố định. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, đối tượng yêu cầu chị L. nạp tiền trên website.

Chỉ trong vòng 6 ngày, từ ngày 25.8 - 30.8.2022, chị L. đã sử dụng 2 tài khoản ngân hàng để 24 lần chuyển tiền đến 15 tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp, với tổng cộng gần 20 tỉ đồng. Lần chuyển ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất đến hơn 4 tỉ đồng.

Dốc cả gia tài với hy vọng kiếm thêm thu nhập, nhưng tiền "một đi không trở lại", người phụ nữ mới biết mình bị lừa nên đến Công an TP.Hà Nội trình báo.

Vào cuộc điều tra, công an phát hiện đứng sau các tài khoản ngân hàng mà chị L. chuyển tiền là một tổ chức chuyên rửa tiền cho các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, mang tên Jinbian.

Công ty này đặt trụ sở tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, chia làm nhiều bộ phận, trong đó có bộ phận 777pay chuyên rửa tiền tại thị trường Việt Nam.

Bộ phận 777pay bao gồm rất nhiều nhân viên, trong đó có nhóm bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở vụ án này. Và để "rửa" số tiền gần 20 tỉ đồng đã chiếm đoạt của chị L., bộ phận 777pay tiếp tục thông qua các công ty trung gian để tìm cách hợp thức, xóa dấu vết dòng tiền, bằng cách mua tiền ảo…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.