Anh kiện em ruột vì tranh chấp góp vốn và lãi trong trường đại học

14/04/2023 17:33 GMT+7

Sau gần 10 năm bị loại tên ra khỏi danh sách hội đồng quản trị và cổ đông của một trường ĐH, ông Dương Quang Đạt đã khởi kiện em trai của mình là ông Dương Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản.

Góp vốn và sáng lập trường nhưng bị "mất trắng"?

Ngày 14.4, TAND cấp cao tại TP.HCM đã hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "tranh chấp giữa thành viên hội đồng quản trị về góp vốn và lãi" giữa nguyên đơn là ông Dương Quang Đạt (61 tuổi) và bị đơn là Trường ĐH Võ Trường Toản. Trước đó, vụ án đã được TAND tỉnh Hậu Giang xử phiên sơ thẩm vào ngày 31.8.2022.

Ông Dương Quang Đạt khởi kiện Trường ĐH Võ Trường Toản ngày 15.3.2021. Theo ông Đạt, ông đã tham gia vào ban sáng lập và góp vốn thành lập Trường ĐH Võ Trường Toản, với số vốn là 2,3 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 7,97%. Tháng 2.2008, Trường ĐH Võ Trường Toản có quyết định thành lập và ông Dương Quang Đạt là thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), đồng thời là cổ đông sáng lập.

Anh kiện em ruột vì tranh chấp về việc góp vốn và lãi trong trường đại học - Ảnh 1.

Trường ĐH Võ Trường Toản được thành lập năm 2008

FACEBOOK TRƯỜNG ĐH VÕ TRƯỜNG TOẢN

Từ khi có quyết định thành lập, ông Đạt tham gia cùng ban sáng lập thực hiện mọi công việc để xây dựng cơ sở vật chất cho trường và lịch thủ tục xin phép tuyển sinh các ngành nghề. Đến năm 2010, trường hoàn thành xây dựng trụ sở và trang bị cơ bản về cơ sở vật chất để phục vụ giảng dạy.

"Đến năm 2012, do bận công tác tại TP.HCM, tôi không còn trực tiếp điều hành công việc nhà trường và giao lại cho ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng nhà trường. Do ông Khoa là em ruột của tôi nên tôi hoàn toàn tin tưởng, trong nhiều năm liền không hề nhắc tới chuyện tiền bạc, cổ đông, cổ tức hoặc HĐQT. Những ngày lễ tết gặp nhau cùng đại gia đình, chúng tôi chỉ nói chuyện về định hướng phát triển nhà trường, tình hình sinh viên và thầy cô…

Vài năm gần đây, tôi có ý nhắc khéo về cổ tức, cổ đông nhưng ông Khoa có ý tránh né, đại ý nói là trường còn đang tái đầu tư, chưa tiện chia cổ tức… Tôi cũng ngại anh em sứt mẻ tình cảm nên cũng không hỏi nhiều. Tháng 1.2019, tôi có gặp trực tiếp hỏi ông Khoa về tư cách cổ đông, chia cổ tức và chức danh HĐQT của tôi thế nào, thì ông Khoa trả lời lạnh lùng: 'hết rồi'. Sau đó, tôi viết nhiều email trao đổi với ông Khoa cùng cô Hoàng Kim Thoa (vợ ông Khoa, đồng thời cũng là thành viên HĐQT), nói rõ quá trình đóng góp của tôi từ những ngày đầu tiên thành lập trường. Nhưng ông Khoa vẫn cương quyết trả lời rằng tôi không còn tư cách cổ đông và HĐQT. Riêng cô Thoa thì im lặng, không trả lời", ông Đạt cho biết trong đơn.

Theo ông Đạt, ngày 16.3.2019, ông Khoa ủy quyền cho HĐQT trả lời bằng văn bản chính thức rằng "ông Đạt đã kết thúc nhiệm kỳ HĐQT vào ngày 19.2.2013. Kể từ khi kết thúc nhiệm kỳ HĐQT khóa I đến nay, ông Đạt không có bất cứ mối quan hệ nào với trường, đồng thời không phải là cổ đông, không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến Trường ĐH Võ Trường Toản". Đến nay ông Đạt nhận thấy việc này sức vô lý vì suốt thời gian từ năm 2012 đến khi ông đã nhận được văn bản này thì ông Đạt không nhận được thông tin hay văn bản giấy mời dự họp hay trao đổi thông tin công việc gì của HĐQT nhà trường.

Sau khi tìm hiểu, ông Đạt được biết ngày 3.1.2013, ông Khoa chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để bầu thành viên và Chủ tịch HĐQT nhà trường khóa 2 (nhiệm kỳ năm 2013 – 2018). "Cuộc họp Đại hội này ông Khoa và nhà trường không hề thông báo cho tôi được biết, mặc dù tại thời điểm này, tôi vẫn còn là đương kim thành viên HĐQT", ông Đạt cho hay.

Do đó, ông Đạt khởi kiện ông Dương Đăng Khoa và Trường ĐH Võ Trường Toản, yêu cầu trả lại giá trị cổ phần cho ông Đạt tương ứng tỷ lệ góp vốn ban đầu là 7,97% tương đương 2,3 tỉ đồng tính theo giá trị hiện thời của Trường ĐH Võ Trường Toản. Đồng thời ông Dương Quang Đạt yêu cầu phải chi trả cổ tức cho ông tương ứng với vốn góp và tỷ lệ cổ phần tại trường như vừa nêu, tạm tính là 200 triệu đồng.

Anh kiện em ruột vì tranh chấp góp vốn và lãi trong trường đại học - Ảnh 2.

Đơn khởi kiện của ông Dương Quang Đạt

CHỤP MÀN HÌNH

Trường ĐH Võ Trường Toản có ý kiến gì?

Tại phiên xử phiên sơ thẩm vào ngày 31.8.2022 do TAND tỉnh Hậu Giang xét xử, đại diện của Trường ĐH Võ Trường Toản đã cung cấp thông tin như sau: Tổng vốn điều lệ của nhà trường tại thời điểm ông Đạt góp vốn là 23,5 tỉ đồng, số vốn của ông Đạt là 2,222 tỉ đồng, tương đương 9,46%.

Căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2008, 2009 và dự kiến kết quả hoạt động kinh doanh năm 2010, nhà trường đã trả chuyển trả phần góp vốn cho ông Đạt với số tiền là 2 tỉ đồng vào ngày 11.5.2010, khi xác định kết quả hoạt động kinh doanh năm 2010 nếu có chênh lệch sẽ tiến hành chi trả thêm hoặc thu hồi lại.

Theo đó, kết quả hoạt động kinh doanh từ năm 2008 đến 2010 của Trường ĐH Võ Trường Toản như sau: lỗ sau thuế năm 2008 là 78.099.597 đồng. Lỗ sau thuế năm 2009 là 590.096.840 đồng. Lỗ sau thuế năm 2010 là 2.663.732.511 đồng. Tổng lỗ từ năm 2008 đến 2010 là 3.331.928.948 đồng.

Do đó, số vốn góp của ông Đạt theo tỷ lệ lỗ từ hoạt động kinh doanh của nhà trường là 9,46 %, tương đương số tiền giảm là 315.044.000 đồng. Vì vậy số tiền góp vốn còn lại của ông Dương Quang Đạt là 1.906.956.000 đồng. Chênh lệch thừa giữa số tiền vốn góp đã chuyển trả với số tiền vốn góp còn lại của ông Đạt là 2.000.000.000 đồng - 1.906.956.000 = 93.044.000 đồng.

Như vậy, nhà trường đã chuyển trả chênh lệch thừa cho ông Đạt số tiền là 93.000.000 đồng. Ông Đạt phải chuyển trả lại cho nhà trường số tiền này khi nhà trường có yêu cầu thu hồi. Điều đó cho thấy ông Đạt vẫn đang thiếu tiền của Trường ĐH Võ Trường Toản.

Kết luận của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, và thực tiễn qua làm việc trực tiếp với nguyên đơn và bị đơn, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang khẳng định số tiền 2,3 tỉ đồng mà ông Đạt nói ông góp vốn vào Trường ĐH Võ Trường Toản là không đúng.

Tại xác nhận của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cho thấy ông Đạt góp vốn 2,222 tỉ đồng nhưng hội đồng xét xử nhận thấy đây không phải là chứng cứ xác nhận vốn của ông Đạt đóng góp mà chỉ là giao dịch của khách nộp vào tài khoản. Ngân hàng không có chức năng xác nhận phần vốn góp cho các cổ đông góp vốn. Hơn nữa, tại biên bản làm việc ngày 18.5.2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang, ông Đạt thừa nhận số tiền 2,222 tỉ đồng trong số dư tài khoản năm 2008 tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam là tiền của ông Khoa.

Đến năm 2012, ông Đạt rút hẳn không còn làm việc tại Trường ĐH Võ Trường Toản và điều hành hoạt động của Trường CĐ dạy nghề Trần Đại Nghĩa. Trong quá trình hoạt động, trường này thua lỗ, ông Đạt đã có gửi thư hỏi vay tiền của ông Khoa qua các thư điện tử các năm 2013, 2014. Đến 2013 kết thúc nhiệm kỳ 1, ông Đạt không tiếp tục tham gia hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2.

Từ đó, hội đồng xét xử không chấp nhận lập luận của phía ông Đạt về việc ông có góp vốn bằng tiền của ông vào Trường ĐH Võ Trường Toản. Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Quan điểm của Viện KSND tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng ông Đạt khởi kiện Trường ĐH Võ Trường Toản đòi tiền góp vốn và cổ tức là không có cơ sở.

Ông Dương Quang Đạt không đồng ý với kết luận của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang nên ngày 5.9.2022 tiếp tục gửi đơn kháng cáo. Ông Đạt viết: “Án dân sự sơ thẩm ngày 31.8.2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang chưa đánh giá đúng các tình tiết khách quan, chứng cứ, chứng minh có trong vụ án trong khi các yêu cầu của ông Dương Quang Đạt đã được cung cấp, thu thập chứng cứ chứng minh, làm rõ và liên quan”. Do đó phiên phúc thẩm sẽ được diễn ra trong thời gian tới.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.