Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đừng nhẹ dạ cả tin qua mạng mà mất tiền oan

Thúy Liễu
Thúy Liễu
09/05/2024 19:46 GMT+7

'Chỉ cần 1 tin đồn ăn bưởi gây ung thư là mọi người tin ầm ầm mà không kiểm chứng, khiến người trồng bưởi lao đao, còn nghe điện thoại bên kia xưng công an, kêu gì làm đó rồi mất tiền'.

Đây là ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khi tiếp xúc cử tri Q.Phú Nhuận trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra chiều 9.5. Tham dự tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7 còn có ông Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM.

Nhức nhối lừa đảo qua mạng, quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm

Buổi tiếp xúc cử tri ghi nhận 11 ý kiến cử tri liên quan đến nhiều vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội như lừa đảo qua mạng, trồng thêm cây xanh, quản lý an toàn thực phẩm

Ông Huỳnh Văn Ngọc Thạch (cử tri P.1) phản ánh tình trạng các đơn vị dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ, người nổi tiếng để quảng cáo thực phẩm chức năng, thổi phồng công dụng sản phẩm hơn cả thuốc chữa bệnh. Ông Thạch kiến nghị, nếu không quản lý nghiêm ngặt thực phẩm chức năng kém chất lượng, thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cho người sử dụng.

Còn bà Nguyễn Thị Minh (cử tri P.17) kiến nghị các cấp chính quyền cần quan tâm hơn đến công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Theo bà Minh, mạng xã hội là công cụ cần thiết cho việc học tập, làm việc, người dân cần một môi trường mạng lành mạnh, an toàn và văn minh nhưng những nghi phạm lừa đảo lại lợi dụng để lừa đảo, giả làm công an, bảo hiểm, ngân hàng để hù dọa người dân, cho vay nặng lãi…

Đồng tình với ý kiến này, bà Trần Thị Phương Anh (cử tri P.11) cho biết các nghi can lừa đảo qua mạng thường nhắm vào người cao tuổi, ít biết về công nghệ. Bà Phương Anh mong muốn cần có thêm biện pháp mạnh trong công tác quản lý môi trường mạng, quản lý sim điện thoại, sim rác, tài khoản ảo để hạn chế việc người dân mất tiền cho các nghi can lừa đảo.

Ngăn ngừa lừa đảo qua mạng phụ thuộc vào nhận thức của người dân

Ghi nhận ý kiến của cử tri, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết việc chuyển đổi số trong cuộc sống hiện nay là điều tất yếu và người lớn tuổi sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong quá trình cập nhật.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, khuyến cáo người dân mua hàng qua mạng nên chọn những nơi uy tín

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, khuyến cáo người dân mua hàng qua mạng nên chọn những nơi uy tín

THÚY LIỄU

“Việc ngăn ngừa lừa đảo qua mạng phụ thuộc vào nhận thức qua mạng của người dân và sự tuyên truyền của cơ quan quản lý. Chỉ cần 1 tin đồn ăn bưởi gây ung thư là mọi người tin ầm ầm mà không kiểm chứng, khiến người trồng bưởi lao đao, còn nghe điện thoại bên kia xưng công an, kêu gì làm đó rồi mất tiền. Điều này phản ánh khả năng chọn lọc thông tin của người dân chưa nhất quán, quá dễ tin vào những điều chưa kiểm chứng”, bà Lan nói.

Về vấn đề quản lý thực phẩm buôn bán qua mạng, lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết cũng rất đau đầu trong việc quản lý. Bà Phạm Khánh Phong Lan nhận định, việc mua thực phẩm qua mạng giống như đánh cược 50 - 50, ngày hôm nay website đó bán, ngày mai đóng cửa thì sản phẩm có vấn đề người tiêu dùng cũng không biết kêu ai.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cũng có những bộ phận theo dõi các website bán hàng qua mạng, mua thử về và tiến hành kiểm tra nếu sản phẩm có vấn đề nhưng cũng như “muối bỏ bể”. 

Trong thời gian chờ đợi những giải pháp kiểm soát quản lý chặt chẽ, bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, người dân khi mua hàng trên mạng nên chọn những cửa hàng uy tín, có nhiều lượt khách hàng sử dụng và đánh giá tốt, tránh những website "sớm nở, tối tàn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.