Bác sĩ 24/7: Đang khỏe mạnh có cần khám sức khỏe tổng quát?

08/04/2024 04:07 GMT+7

'Tôi năm nay 26 tuổi, sức khỏe bình thường có cần khám tổng quát không? Cho tôi hỏi, khám sức khỏe thường có những xét nghiệm nào? Tuổi nào nên khám sức khỏe tổng quát?'. (N.Hiểu, ở TP.HCM).

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, giải đáp: Khám sức khỏe tổng quát hay khám định kỳ là việc nên làm cho những người bắt đầu từ lứa tuổi 20. Khám sức khỏe định kỳ là khám toàn diện người chưa có triệu chứng nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh hay nguy cơ bị bệnh nặng thông qua xác định những rủi ro về sức khỏe cũng như phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh để có thể phòng ngừa hay điều trị hiệu quả. 

Khám sức khỏe định kỳ bao gồm: Hỏi tiền sử bản thân/gia đình, khám lâm sàng, chỉ định cận lâm sàng, tham vấn và lên kế hoạch tăng cường hay duy trì sức khỏe.

Bác sĩ 24/7: Đang khỏe mạnh có cần khám sức khỏe tổng quát?- Ảnh 1.

Khám sức khỏe tổng quát hay khám định kỳ là việc nên làm cho những người bắt đầu từ lứa tuổi 20

Minh họa: Pexels

Các mục tiêu của khám sức khỏe định kỳ như sau: Ở người trong lứa tuổi 20, khám sức khỏe tổng quát bao gồm các nội dung như: Cân đo để đánh giá về tình trạng dinh dưỡng, kiểm tra sinh hiệu (mạch, huyết áp, nhịp độ, nhịp thở), khám mắt, đánh giá thính lực, khám da, khám vùng chậu và cơ quan sinh dục (tinh hoàn, phụ khoa). 

Đối với những người có nguy cơ cao ở một số bệnh qua khai thác thông tin về bệnh tật của gia đình, bác sĩ có thể cho một số chỉ định để tầm soát sớm bệnh có nguy cơ cao đó. Tuy nhiên, đối với những người không có nguy cơ cao thì một số xét nghiệm thông thường có thể làm như đường máu, chức năng gan, chức năng thận, viêm gan siêu vi B và C, các tế bào máu (công thức máu). 

Ở Việt Nam nguy cơ bị nhiễm lao cao nên chỉ định chụp X-quang phổi cũng thường được cho ở người thuộc lứa tuổi 20. 

Lợi ích của khám sức khỏe tổng quát

Phát hiện sớm bệnh tiềm ẩn: Qua các xét nghiệm và kiểm tra, bác sĩ có thể phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng của các bệnh tiềm ẩn như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh gan, bệnh thận và các vấn đề về hệ tiêu hóa, hô hấp và tiết niệu. 

Đánh giá chức năng cơ bản của cơ thể: Khám sức khỏe định kỳ cung cấp thông tin về chức năng cơ bản của cơ thể như huyết áp, nhịp tim, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, thị lực, thính lực và chức năng cơ xương. 

Đánh giá tình trạng dinh dưỡng: Khám sức khỏe định kỳ giúp xác định tình trạng dinh dưỡng của bạn, bao gồm cân nặng, chiều cao, chỉ số khối cơ thể (BMI) và các yếu tố khác như mức độ hoạt động, chế độ ăn uống. 

Cung cấp lời khuyên về lối sống lành mạnh: Bác sĩ có thể tư vấn về việc duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống, vận động, hạn chế tiếp xúc với các chất gây nghiện, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng. 

Tóm lại khám sức khỏe định kỳ hay tổng quát là nhằm duy trì và cải thiện sức khỏe tổng thể của một người qua việc kiểm tra định kỳ và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc bất thường. Việc khám sức khỏe định kỳ cũng giúp xác định các yếu tố nguy cơ, cung cấp lời khuyên về lối sống lành mạnh, phòng ngừa bệnh tật, giúp duy trì sự cân bằng sức khỏe nên được thực hiện từ 20 tuổi trở lên. Dưới độ tuổi 20, bạn chưa cần phải tầm soát sức khỏe tổng quát, nên đi khám khi có các dấu hiệu, triệu chứng bất thường với sức khỏe.

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi cho chuyên mục Bác sĩ 24/7 bằng hình thức nhập bình luận bên dưới bài hoặc gửi qua email: suckhoethanhnien247@gmail.com.

Câu hỏi sẽ được chuyển đến các bác sĩ, chuyên gia... để trả lời cho bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.