Bộ Công thương bảo lưu quan điểm đưa các khoản lỗ vào giá điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/09/2023 11:42 GMT+7

Sau khi gửi hồ sơ để Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công thương vừa trình Thủ tướng dự thảo mới thay thế Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Trong đó, khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh vẫn được bổ sung vào công thức tính giá điện bán lẻ bình quân.

Theo tờ trình, công thức tính giá điện bình quân vẫn bổ sung các khoản chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện. Các số liệu được xác định theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán. 

Bộ Công thương cho hay, công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân được sửa theo ý kiến của Thanh tra Chính phủ, phù hợp với thiết kế thị trường buôn bán điện cạnh tranh và quy định hiện hành, giá bán điện gắn với giá thành sản xuất. EVN sẽ đề xuất phương án phân bổ các chi phí này, Bộ Công thương cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Bộ bảo lưu quan điểm đưa các khoản lỗ vào giá điện  - Ảnh 1.

Dự thảo về cơ chế giá bán lẻ điện quy định, EVN được quyền tăng từ 3 đến dưới 5%

PHẠM HÙNG

Khi thẩm định hồ sơ dự thảo, Bộ Tư pháp cũng đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công thương cần phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo theo luật Giá, luật Điện lực; làm rõ mối liên hệ giữa chi phí khâu phát điện của năm tính toán theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện ảnh hưởng thế nào tới tổng chi phí mua điện.

Về vấn đề này, Bộ Công thương giải trình chi phí phát điện được xác định trên cơ sở giá nhiên liệu (than, dầu, khí) của các loại hình nhà máy điện. Giá của các loại hình nhiên liệu phục vụ sản xuất điện này theo cơ chế thị trường nên khi có biến động lớn đến giá nhiên liệu sẽ ảnh hưởng tới chi phí phát điện. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới tổng chi phí mua điện, giá bán lẻ điện bình quân của EVN.

Ngoài ra, các nội dung khác cũng được giữ nguyên tại dự thảo lần trước. Đó là việc giá điện có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm, tránh giật cục nên đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh 6 tháng xuống 3 tháng.

Về thẩm quyền tăng giá, dự thảo giữ nguyên mức điều chỉnh từ 3% trở lên so với hiện hành thì giá điện được xem xét tăng. EVN được tự quyết định tăng ở mức 3 đến dưới 5%. Ở mức 5 - 10%, Bộ Công thương xem xét, chấp thuận cho EVN tăng. Còn với mức tăng trên 10%, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định. Ngược lại, khi giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm từ 1% trở lên so với giá hiện hành, thì giá điện sẽ giảm và thẩm quyền thuộc EVN. 

Bộ Tư pháp cũng cho rằng, dự thảo quyết định giữ nguyên quy định tại quyết định 24 về thẩm quyền của EVN trong xem xét, điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân trong trường hợp giá điện bình quân tính toán tăng từ 3 đến dưới 5% so với giá hiện hành. Tuy nhiên, cơ chế trên chưa một lần được thực hiện. Bộ này đề nghị Bộ Công thương đánh giá quy định này để đảm bảo tính khả thi.

Xem nhanh 12h: Thời sự toàn cảnh



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.