Cần xử nghiêm đơn vị gian lận

26/11/2011 00:37 GMT+7

Sau khi Thanh Niên ngày 25.11 đăng bài Đủ kiểu “móc túi” người tiêu dùng, nhiều bạn đọc đã tỏ ra bức xúc và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh lại tình trạng cân thiếu và không đảm bảo chất lượng hàng hóa.

Sau khi Thanh Niên ngày 25.11 đăng bài Đủ kiểu “móc túi” người tiêu dùng, nhiều bạn đọc đã tỏ ra bức xúc và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh lại tình trạng cân thiếu và không đảm bảo chất lượng hàng hóa. 

Trách nhiệm của cơ quan chức năng

Theo tôi, cơ quan chức năng cần phải thường xuyên kiểm tra về số lượng, chất lượng đối với những hàng hóa đóng gói sẵn. Nhất là các siêu thị, cần phải kiểm tra hàng hóa kỹ trước khi nhập vào. Tình trạng cân thiếu, không đảm bảo chất lượng không những ảnh hưởng đến uy tín của nhà cung cấp mà ngay cả tên tuổi của siêu thị cũng bị ảnh hưởng. Vấn đề này chỉ có cơ quan chức năng mới kiểm tra được, còn người tiêu dùng khi mua hàng đều đặt niềm tin vào nhà sản xuất, nếu nhà sản xuất gian lận thì người tiêu dùng cũng không thể biết được.

         Mỹ Lan (P.5, Q.3, TP.HCM)

Chỉ có người mua mới lầm

Khi đi mua hàng đóng gói sẵn tại siêu thị, người tiêu dùng làm sao có thể biết được hàng thiếu số lượng hay không đảm bảo chất lượng, đâu có ai đem cân vào siêu thị để cân lại đâu. Ngoài ra, các công ty lại thường xuyên tung ra các chiêu khuyến mãi để thu hút người mua thì đồng thời họ cũng giảm số lượng hoặc chất lượng. Người mua lầm chứ người bán có bao giờ lầm.

Nguyễn Ngọc Thanh (Q.8, TP.HCM)             

Phát hiện không khó

Theo tôi, việc cân đong thiếu xảy ra khá phổ biến từ lương thực, thực phẩm đến vải vóc, sắt thép, xi măng, phân bón, giá cước taxi, mà rõ nhất là xăng. Việc các cây xăng đong thiếu cho khách hàng không phải chuyện mới xảy ra, nhưng vì nhiều lý do nên sự việc bị bỏ qua. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng chẳng làm gì được ngoài sự tẩy chay. Các cơ quan chức năng muốn vạch mặt những công ty gian lận không phải là khó, vấn đề là có muốn làm hay không, vì đây là hiện tượng diễn ra công khai, hằng ngày, ở rất nhiều nơi.

Long Thiên(P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) 

Không thể chấp nhận

Trường hợp hàng đông lạnh sau khi rã đông có thể giảm trọng lượng một chút, nhưng nếu giảm đến 20% như báo nêu là điều không thể chấp nhận được. Nhưng người tiêu dùng cũng không thể kiện nhà sản xuất được vì họ chỉ mua lẻ, với số lượng ít. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, xử lý triệt để tình trạng gian lận trong kinh doanh này.

Thanh Hoàng (Q.12, TP.HCM)

Nêu tên nhà sản xuất gian lận

Tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xử phạt và nêu tên những công ty làm ăn gian dối đó trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người tiêu dùng biết để tránh. Có như vậy, những công ty này mới biết sợ mà thực hiện cho đúng. Nếu chỉ xử phạt hành chính vài chục triệu thì sẽ không chấm dứt tình trạng này.

Phạm Văn Long(longphamvan12@yahoo.com.vn)

Đỗ Thị Tĩnh (Trung tâm văn hóa Q.4, TP.HCM): Tôi nghĩ người tiêu dùng khi mua hàng về bao giờ cũng nên cân lại. Nếu phát hiện hàng không đảm bảo số lượng cũng như chất lượng thì hãy tẩy chay hàng của công ty đó.

 

Ngô Quốc Toản (Công ty CP Nhà hàng Hoàng Phố): Khách hàng không thể ngày nào khi mua hàng về cũng kiểm tra hay cân lại. Nhà cung cấp hàng hóa, siêu thị... phải là người có trách nhiệm đối với hàng hóa do mình bán ra.

 

Hoàng Anh Tuấn (P.4, Q.3, TP.HCM): Cần phải có các cơ quan chuyên trách thường xuyên đến các siêu thị, các cửa hàng bán lẻ để kiểm tra định kỳ những mặt hàng đóng gói, kịp thời phát hiện hành vi gian lận và xử lý.

 

Phạm Thị Bích (Q.10, TP.HCM): Mỗi gói sản phẩm, nhà sản xuất chỉ gian lận một chút thôi cũng sẽ đem lại lợi nhuận rất lớn. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xử phạt thật nặng, thậm chí tịch thu hết những mặt hàng không đảm bảo.

 

Hải Nam(ghi)

Hải Nam
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.