Chặn mánh khóe, 'lạng lách' khi đấu thầu

25/05/2023 07:07 GMT+7

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói người ta dùng đủ mọi mánh khóe, chiêu trò để "lạng lách" khi đấu thầu. Do đó luật Đấu thầu chỉ có thể "cố gắng cao nhất" chứ không thể chặn toàn bộ tham nhũng, tiêu cực.

ĐẤU THẦU HAY KHÔNG ĐẤU THẦU ?

Phiên thảo luận dự án luật Đấu thầu sửa đổi tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XV sáng 24.5 sôi nổi với cuộc tranh luận về việc các công ty con của doanh nghiệp (DN), tập đoàn nhà nước có buộc phải đấu thầu hay không. Đây cũng là một vấn đề còn ý kiến khác nhau mà Ủy ban Thường vụ QH trong báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự luật đưa ra để các đại biểu (ĐB) QH cho ý kiến.

Chặn mánh khóe, 'lạng lách' khi đấu thầu - Ảnh 1.

Nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu bị đưa ra xét xử. Trong ảnh: Xét xử vụ án sai phạm trong đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội

TTXVN

Chính phủ khi trình dự thảo luật đề xuất chỉ áp dụng luật Đấu thầu với DN nhà nước. Theo quy định, DN nhà nước bao gồm 2 loại: DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Chính phủ cũng đề xuất bãi bỏ, không áp dụng luật Đấu thầu với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của DN nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỉ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.

Chặn mánh khóe, 'lạng lách' khi đấu thầu - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Trong khi đó, loại ý kiến thứ 2 không đồng tình đề xuất của Chính phủ, cho rằng việc thu hẹp đáng kể đối tượng dự án sử dụng vốn nhà nước phải đấu thầu. Điều này dẫn tới toàn bộ các dự án đầu tư của công ty con của các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước khác… sẽ không phải đấu thầu. Từ đó, loại ý kiến này đề nghị quy định cả dự án đầu tư của DN nhà nước và cả DN có trên 50% vốn thuộc sở hữu của DN nhà nước, đều phải thực hiện đấu thầu.

Chiêu trò của một số chủ đầu tư trong thời gian qua, khi muốn nhà thầu quen thân trúng thầu thì có những phương pháp rất cụ thể. Theo tôi biết, một số đơn vị, địa phương, mỗi lần nhà thầu này tham gia đều trúng mà giá trị gói thầu rất thấp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Cuộc tranh luận sau đó cũng diễn ra. Một số ĐB đồng tình với loại ý kiến thứ 2, cho rằng cần có quy định chặt chẽ để tránh việc lạm dụng các cơ chế khác để né tránh các quy định của luật Đấu thầu, bảo toàn các nguồn vốn đầu tư của nhà nước. "Mặc dù quy định này sẽ đưa rất nhiều đối tượng vào diện điều chỉnh của luật nhưng sẽ giúp cho quá trình lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch hơn, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước, phòng, chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu", ĐB Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu.

Người ta dùng đủ mọi mánh khóe, chiêu trò để lạng lách. Mình chỉ đi be đắp và bịt lại thôi, chúng ta không thể một lúc mà nghĩ ra được hết tất cả. Một phía chuyên chống lại và một phía nghĩ ra để lách thì rất khó tìm được điểm cân bằng.


Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Các ĐB Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình), Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)… lại cho rằng việc mở rộng đối tượng, buộc các công ty con của DN nhà nước phải thực hiện đấu thầu là cực đoan, không cần thiết và có thể tác động tiêu cực đến hoạt động DN. ĐB Phan Đức Hiếu nói luật Đấu thầu không phải công cụ quản lý duy nhất để quản lý DN nhà nước.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng nếu áp dụng cứng nhắc phạm vi luật Đấu thầu với công ty con của DN nhà nước có thể làm hoạt động của DN bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng lợi ích của nhà nước, chứ không phải là bảo vệ tốt hơn nguồn vốn nhà nước.

Chặn mánh khóe, 'lạng lách' khi đấu thầu - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Sau các ý kiến nói trên, liên tiếp hai thành viên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH (cơ quan thẩm tra dự án luật - PV) là Ủy viên thường trực Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) và Phó chủ nhiệm Nguyễn Hữu Toàn (đoàn Lai Châu) giơ biển tranh luận. ĐB Nguyễn Hữu Toàn dẫn số liệu khảo sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tại 13 tập đoàn, DN nhà nước năm 2022, cho thấy nếu các công ty con của DN nhà nước không phải đấu thầu thì số dự án phải đấu thầu chỉ còn 17% vì 83% dự án được thực hiện ở công ty con. "Vậy liệu có nên từ bỏ công cụ quản lý này không?", ĐB Toàn nói.

ĐỦ MÁNH KHÓE ĐỂ "LẠNG LÁCH"

Tham gia tranh luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) bày tỏ ủng hộ quan điểm của ĐB Phan Đức Hiếu, Tạ Văn Hạ. "Tôi cho là không nên cực đoan trong việc này. Không phải chúng ta ra luật Đấu thầu để làm một số cái vòng kim cô thì mọi việc sẽ tốt hơn. Yếu tố cuối cùng vẫn là con người", ông Nghĩa nêu. "Còn ai tham nhũng, tiêu cực đã có thanh tra, kiểm tra, điều tra. Chúng ta cứ điều tra các dòng tiền, điều tra bằng những phương tiện khác và chúng ta trị thôi. Không phải luật Đấu thầu ra để khắc phục tất cả tham nhũng, tiêu cực", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vấn đề ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu cũng là vấn đề được nhiều ĐB đề cập. ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm không phải lĩnh vực nào cũng cần đấu thầu và không phải lần đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà nước. Theo ĐB Hòa, thời gian qua có những gói thầu giá trị rất cao, nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp. "Chiêu trò của một số chủ đầu tư trong thời gian qua, khi muốn nhà thầu quen thân trúng thầu thì có những phương pháp rất cụ thể. Theo tôi biết, một số đơn vị, địa phương, mỗi lần nhà thầu này tham gia đều trúng mà giá trị gói thầu rất thấp", ĐB Hòa nói và đề nghị phải xem lại quy trình, thủ tục, việc đăng ký, tổ chức đấu thầu như thế nào cho hiệu quả.

Về chỉ định thầu, ông Hòa cũng chỉ ra thực tế những quy định ràng buộc khiến một số chủ đầu tư không dám chỉ định thầu. Lý do, lúc chỉ định thầu hồ sơ rất tốt nhưng giữa chừng nhà thầu bị "suy dinh dưỡng", công trình không đạt hiệu quả. Chủ đầu tư lại bị quy trách nhiệm thân với DN abc nên mới chỉ định. Còn khi đấu thầu thì DN có "suy dinh dưỡng" cũng không có trách nhiệm của chủ đầu tư. "Tôi nghĩ đối với vấn đề chỉ định thầu thì chúng ta phải xem xét lại những trường hợp đó", ĐB Hòa đề xuất.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan soạn thảo xác định luật Đấu thầu là một trong các luật khó, vừa phải giải quyết được những vấn đề vướng mắc phát sinh, phải tháo gỡ được trong quá trình thực hiện nhưng lại phải tạo được điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, vừa phải nâng cao được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. "Đâu là điểm cân bằng của 2 việc này là vấn đề rất khó. Nếu chúng ta quản lý chặt quá thì lại mất quyền tự chủ và lại gây khó khăn, lại ách tắc, lại sửa như nhiều lần chúng ta đã làm. Nhưng nếu làm lỏng quá lại không đảm bảo được quản lý nhà nước, thành vòng luẩn quẩn", ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng KH-ĐT, đấu thầu muôn hình vạn trạng, không có cách gì có thể kiểm soát được hết tất cả. "Trong khi đó, người ta dùng đủ mọi mánh khóe, chiêu trò để lạng lách. Mình chỉ đi be đắp và bịt lại thôi, chúng ta không thể một lúc mà nghĩ ra được hết tất cả. Một phía chuyên chống lại và một phía nghĩ ra để lách thì rất khó tìm được điểm cân bằng", ông Dũng nói song khẳng định việc sửa luật "vẫn phải trên tinh thần cố gắng cao nhất".

Đối với vấn đề các ĐB tranh luận, Bộ trưởng Dũng nói ông chia sẻ với nhiều ĐB như ĐB Hiếu, ĐB Hạ và các ĐB khác ủng hộ phương án Chính phủ đề xuất. "Phương án của Chính phủ trình không làm thu hẹp phạm vi áp dụng của luật và vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước", ông Dũng khẳng định.

Trình phương án giảm 2% thuế VAT

Chiều 24.5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 43 năm 2022. Theo đó, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ (gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến nhất trí ban hành chính sách giảm VAT từ 1.7 - 31.12.2023. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn về thời điểm áp dụng vào nửa cuối năm 2023 khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng như trong năm 2022. Ước tính việc giảm thuế 2% cho nửa cuối năm 2023 sẽ giảm thu ngân sách nhà nước theo dự kiến khoảng 24.000 tỉ đồng.

Cũng trong chiều 24.5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình xin quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ QL27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận. Dự án sử dụng khoảng 128,9 ha và chuyển mục đích sử dụng rừng 75,5 ha, theo hình thức đầu tư công, tiến độ thực hiện từ 2022 - 2027.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.