Cổ tích ở bảo tàng ngoài công lập: Ngoại giao bảo tàng ở làng gốm cổ Kim Lan

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
29/06/2023 07:25 GMT+7

Đã 10 năm kể từ khi nhà khảo cổ học Nhật Bản Nishimura Masanari qua đời. Tháng 9 tới, bảo tàng gốm cổ Kim Lan (H.Gia Lâm, Hà Nội) được mở lại để tưởng nhớ ông, cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản.

TRƯNG BÀY LÀNG XÃ HÚT CHUYÊN GIA QUỐC TẾ

Những ngày này, TS Nguyễn Anh Thư (Khoa Di sản văn hóa, ĐH Văn hóa Hà Nội) đi đi lại lại làng Kim Lan (H.Gia Lâm, Hà Nội) liên tục. Bà Thư và nhóm sinh viên của mình đang sắp xếp lại không gian, chỉnh lý lại hiện vật tại Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan.

Ngoại giao bảo tàng ở làng gốm cổ Kim Lan  - Ảnh 1.

Cố TS Nishimura Masanari (đeo kính), nhà khảo cổ gắn với Kim Lan, trong ngày khai trương bảo tàng cộng đồng tại làng

"Tên vậy nhưng mọi người vẫn gọi và bản chất thì đó là bảo tàng gốm sứ Kim Lan. Bảo tàng đóng cửa trong vòng 10 năm sau khi TS Nishimura Masanari - người sáng lập ra nó - mất. Nhưng từ tháng 5 năm nay, tôi đã cho sinh viên sang đây. Cả vợ anh - TS Nishino Noriko cũng sang để làm lại toàn bộ trưng bày như cũ và thuê một số trưng bày mới. Điều này có ý nghĩa là người dân Kim Lan vẫn mong muốn có được một bảo tàng về làng nghề, cũng là bảo tàng về gốm cổ", TS Thư nói.

Ông Đỗ Trường Giang, Trưởng phòng nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh thành, lại có một nhiệm vụ khác: kết nối để mượn thêm hiện vật trưng bày tại bảo tàng này. Đó là những hiện vật từ tàu đắm ở Quảng Ngãi. "Các cuộc khai quật, nghiên cứu cho thấy nhiều sản phẩm Kim Lan xuất khẩu ra khỏi Đại Việt. Nhiều bằng chứng tìm thấy gốm Kim Lan ở vùng Chăm Pa, tại tàu đắm ở vùng Quảng Nam. Chúng tôi đã đi vớt lên từ tàu đắm những hiện vật gốm y hệt như ở Kim Lan. Quảng Ngãi cũng cho bảo tàng mượn các hiện vật để nói về điều này", ông Trường Giang cho biết.

Cùng chung tay với bảo tàng gốm ở làng Kim Lan còn có nhiều nhà khoa học nữa, gồm bạn bè, học trò, những người luôn nhớ TS Nishimura và muốn giữ lại dấu ấn khảo cổ học của ông. Đó là TS Lê Thị Liên, TS Nguyễn Mai Hương ở Viện Khảo cổ học; TS Hoàng Thanh Mai ở ĐH Văn hóa Hà Nội; TS Lê Hồng Sơn ở ĐH Quốc gia Hà Nội và cả TS Nishino Noriko, vợ TS Nishimura. "Một nhà trưng bày ở cấp rất nhỏ là cấp xã nhưng lại thu hút nhiều nhà khoa học nước ngoài", ông Đỗ Trường Giang nhận xét.

Bảo tàng ở làng Kim Lan, dù có địa điểm do xã cấp, hoàn toàn không phải là một bảo tàng công. Thiết chế này được xây dựng lên nhờ các hiện vật mà người dân cho mượn, bảo tàng bạn bè tại Nhật cho mượn, và tiền cũng là do người dân các nơi quyên góp. "Tiền để xây dựng bảo tàng này, chúng tôi không xin từ nhà nước. Chúng tôi nói chuyện với người dân Việt và Nhật Bản để quyên góp tiền. Tiền đóng góp chủ yếu là từ người Nhật và một số ít người VN", TS Nishino Noriko nhớ lại. Được biết, năm xưa, bảo tàng này được xây dựng có tài trợ từ Quỹ Bảo vệ di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á.

Ông Đỗ Trường Giang cũng cho biết đây đúng hơn là một bảo tàng cộng đồng, có sự chung tay của cộng đồng, thậm chí là nhiều cộng đồng ở VN, Nhật Bản, của nhà nghiên cứu khảo cổ, nhà nghiên cứu bảo tàng, người làm nghề gốm, sinh viên. "Chúng tôi làm việc với tinh thần góp sức góp công. Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cũng cho tôi biết bảo tàng này không thuộc ai quản lý cả, mà của xã hội. Một bảo tàng cộng đồng, mọi người cùng xây dựng", ông Giang nói.

Ngoại giao bảo tàng ở làng gốm cổ Kim Lan  - Ảnh 2.

Các nhà khoa học và người dân cùng ngắm hiện vật, nghe câu chuyện làng gốm

Ngô Vương Anh

Trung tâm gốm quan trọng từ thời Trần

TS Nguyễn Anh Thư cho biết bảo tàng Kim Lan rất quan trọng vì nó gắn liền với sự biến đổi của dòng sông Hồng. "Trước đây Kim Lan là một làng gốm cổ, không phân biệt đâu là Kim Lan, đâu là Bát Tràng. Nhưng khi sông Hồng đột ngột đổi dòng thì một nửa làng cổ ở thế kỷ 11 - 12 ấy bị ra giữa sông Hồng và nó bị chìm. Toàn bộ những dấu tích của làng gốm đó nằm dưới lòng sông và phần còn lại chính là làng Bát Tràng bây giờ. Cho đến khi phát hiện được bao nung, đồ vật… ở bãi Hàm Rồng tại đây, tức là ngay bên bờ sông Hồng, thì bản thân người dân Kim Lan mới biết rằng ở đấy từng làm nghề gốm. Nó mai một 700 năm không ai biết đến nghề đó", TS Thư nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Trường Giang cho biết lý do bảo tàng này thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Đó là vì Kim Lan chính là một địa điểm sản xuất đồ gốm sứ vô cùng quan trọng ở VN, có lịch sử lâu dài, ít nhất là từ thời Trần. "Nó là một trong những địa điểm sản xuất, cung cấp gốm sứ cho cả Hoàng cung Thăng Long. Rất nhiều sản phẩm của Kim Lan tìm thấy trong Hoàng cung Thăng Long. Nhiều sản phẩm Kim Lan xuất khẩu ra khỏi Đại Việt", ông Giang nói.

Cũng theo ông Giang: "Trước đây mọi người chỉ biết về gốm Chu Đậu, Bát Tràng nhưng thực ra trong lịch sử Kim Lan còn quan trọng hơn Bát Tràng nhiều. Chẳng hạn bây giờ Bát Tràng chưa biết thế nào nhưng Kim Lan đã tìm thấy nhiều di tích lò gốm. Đó là bằng chứng xác thực nhất để khẳng định đó là trung tâm sản xuất gốm cho triều đình. Những nghiên cứu về vai trò của Kim Lan này TS Nishimura cũng đã làm trước đây, dù ông đã 10 năm nay không thể nghiên cứu tiếp".

Ngoại giao bảo tàng

Sự hình thành và sắp tới là sự hồi sinh của bảo tàng Kim Lan cũng cho thấy sự kết nối ngoại giao nhân dân, ngoại giao… bảo tàng. Theo ông Giang, nguồn hiện vật của bảo tàng đến từ… đi mượn khá nhiều. "Có hiện vật hồ sơ mượn là 1 năm, nhưng bây giờ đã 10 năm rồi gia đình vẫn cho mượn", ông Giang nói.

Ông Nguyễn Văn Hồng, người làng Kim Lan, chủ nhân của 1/3 số hiện vật bảo tàng này, cho biết: "Tôi cứ nhặt gốm dưới đáy sông lúc nước cạn trong 20 năm. Rồi anh Nishi làm bảo tàng cộng đồng, tôi ký cho anh ấy mượn 1 năm. Nhưng bây giờ tôi đã ký giấy hiến tặng rồi. Tôi chỉ mong mở lại bảo tàng".

Vào thời điểm mới ra đời, Bảo tàng Kim Lan là một "điển hình tiên tiến" mà PGS-TS Nguyễn Giang Hải (lúc đó là Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học) luôn nhắc tới về khảo cổ học cộng đồng. Nghĩa là người dân cũng tham gia làm khảo cổ học, cùng các nhà khoa học nghiên cứu khảo cổ học ở nơi mình sinh sống, rồi có các trưng bày tương ứng. Hai vợ chồng TS Nishimura Masanari đã cùng người dân lựa chọn, lập lý lịch hiện vật, tổ chức trưng bày theo đúng tinh thần đó. Một bảo tàng cộng đồng là kết quả của khảo cổ học cộng đồng. Một mô hình hoạt động bảo tàng đáng ghi nhận ở nơi có di chỉ khảo cổ học.

Giờ đây, ông Nguyễn Văn Hồng lại thấy xốn xang như ngày 20.3.2012, khi bảo tàng làng ông ra đời. "Tôi mong lắm, tôi vui lắm. Đấy là câu chuyện của làng tôi, của tình cảm giữa VN - Nhật Bản, của Nishi (tên thân mật của TS Nishimura Masanari)", ông Hồng nói. Sự gắn bó của văn hóa, của Nishi, của ngoại giao bảo tàng ấy, sau 10 năm vẫn không phai mờ…

 (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.