Chuyện cô Dung

05/10/2012 03:15 GMT+7

Với những phát ngôn hơi… bụi bặm, mang màu sắc dí dỏm, hài hước của mình (trang Cư dân mạng, Báo Thanh Niên ngày 23.9 đã thông tin), cô giáo dạy sử Lê Thị Mỹ Dung (Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) đang là “Idol” của hàng nghìn học trò. Những cái “còm” yêu mến của các em trên Facebook về lời lẽ không mấy “khuôn phép” của cô Mỹ Dung đều thể hiện sự thích thú. Nhiều em đã dùng từ “phát cuồng” để nói lên niềm say mê trước những phát ngôn táo bạo, rất đời thường và cũng rất mới lạ của cô Dung.

Phải chăng cô Dung đang tìm kiếm những tiếng cười “rẻ tiền” của số đông học trò đang ngán ngẩm môn sử từ lâu nổi tiếng là khô khan này? Phải chăng cô đang nuông chiều học trò nhằm lấp đi những khoảng trống nhàm chán trong giờ học sử? Phải chăng cô đang cười cợt vào bức phù điêu mô phạm với dòng chữ: “thượng bất nghiêm hạ tắc loạn”?

 Không. Những lời nói chơi chơi, tếu táo, “phạm sư” ấy lại rất sư phạm. Nó đã mềm hóa không khí lớp học, mang tiếng cười trong vắt đến cho học trò, nó xóa đi cái barie vô hình ngăn cách thầy - trò, làm người thầy trở nên gần gũi với học trò hơn. Chẳng phải ngành giáo dục đang vào cuộc tìm lại chính mình bằng phong trào “xây dựng trường học thân thiện” đó sao? Nhân tiện xin được rón rén thưa rằng: có lẽ chỉ cần cụm từ “xây dựng trường học thân thiện” là đủ. Không cần vế “học sinh tích cực” phía sau vì điều này là hệ quả/kết quả do “trường học thân thiện” mang lại. Khi người thầy tỏ ra không hề xa lạ, cao vời mà sẵn sàng chìa bàn tay thân thiện ra trước học trò thì thế nào các em cũng hân hoan đón nhận.

Chuyện của cô Dung cho thấy một cô giáo rất cá tính với những lời nói mang dáng vẻ xù xì như cuộc sống vốn vậy. Có soi kính lúp cũng không hề thấy trong lời lẽ của cô có chút dung tục nào, trừ trường hợp phía sau cái kính ấy là đôi mắt dung tục. Và như thế, cô Dung là người chị, người bạn, người mẹ trí thức lắm hài hước, nhiều hóm hỉnh và không thiếu chất dí dỏm của các em.      

 Học trò của cô Dung đã và đang thích “mê man” những câu nói, những ứng xử của cô trong lớp học. Đó là tín hiệu vui. Càng vui hơn khi học trò háo hức với giờ học sử, lắng nghe dòng lịch sử chảy râm ran trong từng lời “giảng mà không rao” của cô.

Từ chuyện cô Dung gợi lên nhiều suy ngẫm. Có lẽ không nên “lôi” các em đi vào rừng kiến thức với khuôn mặt khó đăm đăm, với những lời lẽ sáo mòn, công thức, với những răn đe, mệnh lệnh “các em phải thế này, các em phải thế kia”. Nhẹ nhàng lan tỏa niềm vui đến học trò là một trong những lối đi ngắn nhất dẫn vào thế giới tâm hồn của các em.

 Trần Cao Duyên

>> Phát cuồng vì cô giáo dạy sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.