Vượt cạn ở bệnh viện 5 sao

19/09/2012 10:25 GMT+7

Có lẽ trong cuộc sống này, không có gì đau đớn bằng lúc người phụ nữ trong cơn chuyển dạ và cũng không có gì thiêng liêng, hạnh phúc như giây phút được đón đứa con chào đời sau bao mồ hôi, nước mắt. Hiểu được điều đó, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh đã trang bị những máy móc hiện đại hàng đầu trong ngành y và một cách phục vụ khác biệt để giảm bớt đau đớn, vất vả cho phụ nữ lúc sinh nở và đứa con của họ ra đời khỏe mạnh hơn.

Khoa Sản phụ của Bệnh viện (BV) đa khoa quốc tế Vũ Anh sang trọng và sạch sẽ đúng tiêu chuẩn của một khách sạn 5 sao. Vì thế, khi bước vào, nếu như không nhìn thấy các bác sĩ (BS) với áo blouse trắng hay những phụ nữ chuẩn bị sinh bình thản đi dạo ngoài hành lang thì không ai nghĩ, đây là một BV.

Vượt cạn ở bệnh viện 5 sao

Trước cửa phòng sinh được cắm những bông vạn thọ vàng rực làm cho mọi người cảm thấy ấm áp và sự vĩnh cửu, trường tồn. Trong phòng sinh treo những bức họa về hình ảnh mẹ tròn con vuông, tranh người thiếu nữ đang độ tuổi xuân thì... khắc họa cho sức sống mãnh liệt của người phụ nữ nhằm xua tan cảm giác căng thẳng trước khi sinh.

Bên trong các phòng bệnh không chỉ được trang bị đường truyền internet, wifi, truyền hình cáp, điều hòa nhiệt độ, TV, tủ lạnh, ôxy âm tường, hệ thống chuông gọi y tá tự động... mà còn được treo các hình điêu khắc, trang trí nội thất độc đáo nhưng rất gần gũi. Mỗi phòng khoa Sản mang một phong cách, một dấu ấn riêng biệt cả về chất lượng khám bệnh cũng như về phương diện thẩm mỹ, kiến trúc tạo được sự an tâm cho bệnh nhân.

Trong phòng VIP 1, chị Trần Thị Kim Dung (SN 1987) đang nựng nịu cậu con trai vừa mới chào đời. Còn chồng chị, anh Nguyễn Hồng Vũ (SN 1979) đang ngắm nghía những tấm hình của chú rồng con vừa đăng lên Facebook.

Chị Dung vừa sinh xong nhưng chẳng có chút gì là mệt mỏi, mặc dù trước đó chị đã trải qua cơn vượt cạn cực kỳ khó khăn. Thai khá lớn nhưng chị vẫn muốn sinh thường. Dù có chương trình sinh không đau nhưng theo BS Đoàn Châu Quỳnh, Trưởng khoa Sản phụ, thì vẫn để cho các bà mẹ cảm nhận một chút đau đớn để biết rằng mình vừa vượt qua cuộc hành trình thiêng liêng như thế nào. Vì thế chị Kim Dung cũng khá đau trong cơn chuyển dạ. Nhưng với phòng sinh gia đình, chị Dung được chồng ở ngay bên cạnh, nắm chặt tay động viên và tiếp thêm sức mạnh để cả hai cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc trong giây phút đón đứa con đầu lòng. Ấy vậy mà chỉ một ngày sau, chị đã trở nên tươi tỉnh.

Hỏi về lúc vượt cạn, chị Dung bảo “không dám nhớ tới nữa” nhưng bây giờ thì “chẳng còn chút đau đớn nào”. Chị cho biết, lấy lại sức khỏe và thần sắc nhanh như vậy là do được chăm sóc y tế và dinh dưỡng chu đáo. Ở phòng này, chị thoải mái như ở nhà mình, tới bữa cơm, thích ăn món gì thì gọi, có người bưng vào tận giường. Nhưng có lẽ điều khiến chị tươi tỉnh nhanh như vậy là khi sinh xong, được xông hơi bằng dung dịch sát khuẩn với công nghệ hiện đại. Sau khi xông, chị được sấy khô, khử trùng bằng tia hồng ngoại giúp giảm đau, phù nề và tụ máu vùng tầng sinh môn.

Vượt cạn ở bệnh viện 5 sao 1
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không phải chỉ có những sản phụ sinh thường mới nhanh hồi phục như vậy, với những người sinh mổ, việc lấy lại sức trong ngày là chuyện bình thường. Hôm chúng tôi ghé, chị Nguyễn Thoại Ái Chi (SN 1977) vừa mổ lấy thai lúc 10 giờ sáng. Vậy mà sau 6 tiếng đồng hồ, chị đã đi lại, ăn uống và cho con bú bình thường.

Chị Ái Chi theo khám tại BV Vũ Anh từ những ngày đầu mang thai. Với thiết bị y tế hiện đại, không gian thoáng đãng, yên tĩnh, cộng với sự nhiệt tình, tận tâm của các y tá, BS, vợ chồng chị an tâm gửi gắm đứa con thứ hai. Căn phòng của vợ chồng chị là phòng VIP đặc biệt, rộng khoảng 36 m2, được trang bị đầy đủ tiện nghi. Trên bàn tiếp khách, một bình hoa vàng rực BV chúc mừng chị mẹ tròn con vuông làm cho căn phòng thêm ấm áp. Chị Ái Chi kể khi sinh xong, vợ chồng, con cái quây quần, chị thấy gần gũi như chính ngôi nhà của mình.

Khi hỏi về bí quyết để phục hồi nhanh sau khi vừa trải qua cuộc phẫu thuật lấy thai thì chị Chi cười bảo, 8 năm trước cũng sinh mổ, nhưng “sinh xong bèo nhèo lắm”, nay nhờ được xông hơ nên mới tươi tỉnh vậy. BS Quỳnh giải thích, BV Vũ Anh được trang bị máy xông hơ hiện đại bằng công nghệ Hàn Quốc, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Sau khi sinh, các chị em chỉ việc ngồi vào bồn xông hơ, hệ thống nước ấm sát trùng sẽ tự động sục lên, massage chỗ vết may trong vòng 10 phút. Sau đó rút đi cho hệ thống tia hồng ngoại tự động bật lên chiếu từ dưới lên, mang lại cảm giác dễ chịu những đau đớn, phù nề sẽ tan biến, đặc biệt bồn xông này còn chữa được bí tiểu - một trong những biến chứng thường gặp sau sinh.

Anh Nguyễn Hoàng Văn (SN 1975), chồng chị Ái Chi, hiện là giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM rất hài lòng về ca sinh của vợ mình. Thấy vợ đã trải qua một lần sinh nở, anh rất thương, vì thế, khi sinh bé thứ 2, anh quyết định tìm một chỗ chu đáo cho chị và BV Vũ Anh là “sự lựa chọn hoàn hảo”. Theo anh, mô hình bệnh viện - khách sạn trên thế giới không ít nhưng ở Việt Nam thì BV Vũ Anh là tiên phong. Anh chọn BV Vũ Anh làm nơi để cậu con trai thứ 2 chào đời không phải chỉ vì nơi đây có chuyên môn cao mà chất lượng dịch vụ cũng không nơi nào có được.

Chị Phạm Thị Thu biết đến BV Vũ Anh qua sự giới thiệu của các đồng nghiệp làm cùng công ty. Chị cho biết, ở công ty chị, hầu hết mọi người đều sinh con ở đây. Không chỉ các chị em rỉ tai nhau mà các ông chồng cũng về rỉ tai vợ để đến sinh tại Vũ Anh. Đến mừng chị Thu mẹ tròn con vuông là đồng nghiệp Nguyễn Thúy Oanh (SN 1986, ở Q.Tân Phú, TP.HCM). Chị Oanh cũng đang mang thai ở tháng thứ 7. Chị đã theo khám tại BV này từ ngày đầu khi mang thai và bây giờ, đã ở vào giai đoạn cuối của thai kỳ, chị quyết định sẽ sinh ở đây cho an toàn. Mẹ chị Thu thì nói, khi con vào phòng sinh, bà không còn cảm giác hồi hộp, lo âu như lần sinh trước. Và khi con gái sinh xong, chỉ ít tiếng đồng hồ sau đã thấy đi lại thoải mái, ăn uống bình thường. Bà còn nói nhỏ với chúng tôi: “Đêm qua thấy ê kíp phẫu thuật tận tâm, chu đáo quá, tôi gặp một nữ y tá và gửi tiền bồi dưỡng cho mọi người nhưng cô không nhận, bảo ở đây BV quy định không được nhận tiền bồi dưỡng của gia đình bệnh nhân”.

Không chỉ những phòng VIP được trang bị đầy đủ, chăm sóc chu đáo mà những phòng thường, bệnh nhân vẫn cảm thấy được mình là thượng đế. Bà Lâm Thị Nghiêm, mẹ của sản phụ Phạm Thị Thu (SN 1980, quê Bình Phước) chân chất chia sẻ: “Lần trước đưa con gái đi sinh, gia đình hai bên tay xách, nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ đồ vậy mà không đủ, rồi phải chia nhau tất bật lo 3 bữa ăn cho người mới sinh nhưng lần này, chỉ cần đưa con gái đến, mọi việc đã có BV lo, đêm con gái còn được ngủ thẳng giấc”.

Vượt cạn ở bệnh viện 5 sao 3
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Giải thích về vấn đề này, BS Quỳnh cho biết, khoa Sản của BV đã sẵn sàng cho các chị, từ quần áo của hai mẹ con, tã lót cho bé và 3 bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các bà mẹ sau sinh. Và quan trọng hơn, việc chăm sóc em bé đã được các nữ hộ sinh nhiều kinh nghiệm đảm nhận ngay khi gia đình yêu cầu.

Biên Thảo

>> Giúp vợ “vượt cạn”
>> Ngưu lang - Chức nữ thời nay - Kỳ 3: Vượt cạn một mình
>> Học cách vượt cạn nhẹ nhàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.