Danh hiệu nào cho nữ tình nguyện viên 'ngoại' tận hiến với Việt Nam?

27/02/2024 12:22 GMT+7

Nên chăng, chúng ta cần có một lễ tôn vinh những cống hiến phi thường của bà Virginia Mary Lockett như một sự tri ân đến người phụ nữ đặc biệt này.

Trong số những thầy thuốc được tôn vinh tại lễ trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" diễn ra tối 26.2, có một nhân vật khiến tôi vô cùng cảm phục. Đó là bà Virginia Mary Lockett - một tình nguyện viên không lương tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Bà là nhân vật đặc biệt trong tác phẩm Chuyện về người phụ nữ Mỹ kỳ lạ bán nhà đến Việt Nam để chữa lành nỗi đau cho bệnh nhân đột quỵ của tác giả Nguyễn Quỳnh (Báo điện tử Dân việt).

Danh hiệu nào cho nữ tình nguyện viên 'ngoại' tận hiến với Việt Nam?- Ảnh 1.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng và bà Virginia Mary Lockett bên bức chân dung bằng đồng

QP

Có thể nói, TP.Đà Nẵng đã quá may mắn được người phụ nữ Mỹ nhân hậu này lựa chọn là nơi làm việc. Điều khiến tôi kính nể bà, không chỉ là việc bà sẵn sàng làm việc không lương ở Việt Nam, mà hơn thế, bà còn bán ngôi nhà của mình ở Mỹ rồi cùng chồng sang Việt Nam, để 4 năm sau "đầu quân" cho Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

Bán nhà để làm thiện nguyện là việc không phải ai cũng làm được. Nhưng như bà nói với tác giả Nguyễn Quỳnh thì: "vì vợ chồng tôi xác định ý nguyện như vậy thì chỉ một sự lựa chọn duy nhất, không có lựa chọn thứ hai".

Theo các thông tin mà tôi đọc được trên báo chí, thì vào năm 2006, với số tiền bán nhà trong tay, vợ chồng bà Virginia Mary Lockett đã đáp chuyến bay đến Đà Nẵng. Thời gian đầu, bà làm việc trong một số bệnh viện, tập trung vào 2 nhóm bệnh nhân chính là chấn thương sọ não và tai biến mạch máu não.

Đến năm 2010, bà mới quyết định "đầu quân" vào Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Tại đây, bà trực tiếp khám, điều trị cho người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân đột quỵ và chấn thương sọ não, bệnh nhi chậm phát triển vận động, điều trị giảm đau cho các bệnh lý cơ - xương - khớp…

Danh hiệu nào cho nữ tình nguyện viên 'ngoại' tận hiến với Việt Nam?- Ảnh 2.

Bà Virginia Mary Lockett (thứ 2, từ phải sang) tại lễ trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng"

QP

Bác sĩ, Giám đốc Nguyễn Văn Ánh (Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng) từng nhìn nhận, sự hỗ trợ của bà Virginia Mary Lockett đã khiến Khoa Phục hồi chức năng phát triển mạnh mẽ hơn, chia làm các mảng điều trị rõ ràng như vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, điện trị liệu... Đặc biệt, từ thời điểm ban đầu dưới 10 lượt điều trị/ngày (năm 2008), nay đã lên tới 150 - 200 lượt điều trị/ngày.

"Steady Footstep nghĩa là bước chân vững vàng. Tôi muốn những người bệnh đầu tiên phải đi được, và sâu xa hơn là mong mỏi tất cả bệnh nhân chiến thắng bệnh tật để vững vàng hơn trong cuộc sống", bà Virginia giãi bày tên của tổ chức phi chính phủ do hai vợ chồng bà sáng lập như vậy.

Nói về phương pháp chữa trị của nữ tình nguyện viên đặc biệt này, các kỹ thuật viên tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cho biết, phương pháp của bà rất sáng tạo, khác hẳn với những gì họ đã học và làm. Bà tiếp cận bệnh nhân rất kỹ, từ vận động, sinh hoạt tới cảm xúc. Bà chú trọng tới các chi tiết nhỏ trên cơ thể như ngón chân, đầu gối, khuỷu tay…, để kiểm soát tất cả các vận động rồi mới lượng tính và đưa ra lộ trình tập luyện.

Lương y Phan Công Tuấn kể, rất nhiều lần, bệnh viện ngỏ ý hỗ trợ cho bà chi phí để bà trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người, nhưng bà một mực không nhận. Niềm vui của bà là được thấy người bệnh an tâm điều trị, không lo gánh nặng chi phí.

"Đây là môi trường làm việc tốt nhất đối với tôi rồi, nên tôi gắn bó. Ở đây tôi có thể hòa hợp được với mọi người. Mỗi ngày còn ở đây, tôi sẽ còn đến với bệnh viện với các bệnh nhân. Chỉ khi nào không còn sức nữa tôi mới ngừng nghỉ", bà Virginia tâm sự.

Sau lễ trao giải tôi cứ nghĩ mãi về sự tận hiến mà người phụ nữ Mỹ này đã dành cho Việt Nam. Tôi nghĩ, dù giải thưởng chưa hẳn là thước đo, nhưng là sự ghi nhận cần có với tình yêu, nhiệt huyết của bà. Hơn thế, Virginia Mary Lockett, người phụ nữ "kỳ lạ" ấy xứng đáng được Nhà nước Việt Nam xem xét phong tặng một danh hiệu, như là Thầy thuốc Nhân dân; xứng đáng được tặng thưởng Huân chương Lao động, hay thậm chí cao hơn, có thể là phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nên chăng, sau giải thưởng mà bà mới nhận tối qua, chúng ta cần có một lễ tôn vinh những cống hiến phi thường của bà, như một sự tri ân đến người phụ nữ đặc biệt này. Và TP.Đà Nẵng, nên chăng tìm cách vận động các doanh nghiệp có tấm lòng hảo tâm, góp sức xây cho bà một căn nhà nhỏ, để vợ chồng bà yên tâm gắn bó với "thành phố đáng sống" đến cuối đời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.