Dạy môn giáo dục địa phương: Cần nhiều hoạt động thực tế

19/10/2022 08:15 GMT+7

Sau khi Bộ GD-ĐT quy định có thêm nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) dạy học sinh (HS) về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương mình, ngành giáo dục các tỉnh, thành 'nhập cuộc' ngay.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, đến nay, lớp 1, lớp 2, lớp 6 trong toàn tỉnh đã đưa môn GDĐP dạy đại trà. Đối với lớp 7 và lớp 10, tài liệu dạy học đã được gửi ra Bộ GD-ĐT chờ phê duyệt, nhưng địa phương cũng song song dạy thử nghiệm tại nhiều trường.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận trở ngại đầu tiên thuộc về tài liệu. Địa phương triển khai khá sớm, đang theo đúng tiến trình của Bộ GD-ĐT, dù vậy vẫn chậm hơn một chút. “Vì phần ra được tài liệu dạy học là không dễ, bởi phải mời chuyên gia để viết. Quảng Trị phải lập hội đồng, mời tất cả các ngành… để thẩm định”, bà Hương nói.

Giờ học Giáo dục địa phương (chủ đề lịch sử) của học sinh huyện vùng cao Đakrông (Quảng Trị) tại nhà truyền thống của huyện

THANH LỘC

Theo bà Hương, khó khăn cũng đến từ việc phải qua nhiều bước để ra được một bộ tài liệu dạy học, từ biên soạn đến thẩm định địa phương, trình UBND tỉnh phê duyệt rồi mới chuyển lên xin Bộ GD-ĐT.

Tại Quảng Nam, thời gian đầu khi áp dụng chương trình GDĐP vào giảng dạy cũng gặp khá nhiều khó khăn vì thiếu tài liệu. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Lộc, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, ngay sau đó vấn đề này đã được khắc phục khi tài liệu do Sở GD-ĐT tỉnh biên soạn đã được cung cấp giảng dạy cho các em. “Khó khăn nhất vẫn là tìm tư liệu để giảng dạy, nhưng khi có đầy đủ rồi thì mọi chuyện trở nên dễ dàng”, ông Lộc nói.

Tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), khó khăn nảy sinh chủ yếu do hạn chế hoạt động ngoại khóa. Ông Châu Ngọc Vĩnh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nam Giang, cho biết trong chương trình GDĐP, các hình ảnh phong phú đã tạo sự tò mò, muốn khám phá tìm hiểu của HS vùng cao. Ngoài ra, để tránh trường hợp lý thuyết suông, phải tổ chức các hoạt động thực tế cho HS như thăm khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An…

Ở TP.Đà Nẵng, về cơ bản các địa phương đều triển khai chương trình thông suốt, được đánh giá là tạo cơ hội để HS hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử vùng đất mình đang sinh sống, học tập. Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT H.Hòa Vang, điều khiến giáo viên lẫn HS thích thú khi dạy, học môn GDĐP là đề cập nhiều nội dung thực tế đời sống như: Ứng xử trong gia đình, di tích lịch sử, lễ hội, truyền thống văn hóa… Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hòa Vang, để HS tiếp thu hiệu quả, nhà trường cần xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp. “Cụ thể, nhiều kiến thức và những buổi trải nghiệm, tham quan thực tế tổ chức sau giờ học sẽ giúp HS cảm thấy thân quen hơn với di tích lịch sử, có tình yêu quê hương, đất nước”, ông Hoàng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.