Đẩy nhanh điều tra, xét xử 'đại án' Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/01/2023 04:02 GMT+7

Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 10 “đại án” trọng điểm trong năm 2023 như: Việt Á, AIC, Vạn Thịnh Phát…

Khởi tố 17 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Ngày 12.1, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 23 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2022, chương trình công tác năm 2023; cho ý kiến kết quả chỉ đạo xử lý với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi và một số nội dung khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp 23 của Ban Chỉ đạo

TTXVN

Ban Chỉ đạo đánh giá, trong năm 2022, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều bước tiến mới, hiệu quả hơn; nhất là gắn PCTNTC với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý những phản ánh, tố giác về tham nhũng, tiêu cực; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực xảy ra nhiều sai phạm thời gian qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong năm 2022, cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021). Trong đó, điểm nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng T.Ư đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, đặc biệt nghiêm trọng, rất phức tạp, dư luận xã hội rất quan tâm, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu (lĩnh vực y tế, giáo dục, ngoại giao, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm, buôn lậu…) gây thiệt hại rất lớn về tài sản.

Cùng với đó, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang; trong đó có 17 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ban Chỉ đạo đặc biệt nhấn mạnh, việc các cơ quan khẩn trương kết luận điều tra, truy tố, đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC), Bệnh viện đa khoa Đồng Nai ngay cả khi bị cáo đầu vụ và một số đồng phạm đã bỏ trốn, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 364.000 tỉ đồng (tăng hơn 10 lần so với năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỉ đồng (tăng gấp 3 lần so với năm 2021).

2022 nhìn lại: Các vụ án chấn động dư luận

Chống tình trạng tham nhũng tập thể, có tổ chức

Đánh giá công tác PCTNTC vừa có “bước tiến mới vượt bậc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, cho rằng công tác PCTNTC vẫn còn hạn chế, vướng mắc. Mặc dù thời gian qua đã chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, nhưng vẫn xảy ra sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Điều này cho thấy một số cán bộ, đảng viên chưa biết sợ, vẫn vi phạm.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, việc quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với nhau nhịp nhàng, ăn khớp, xây dựng được nhiều cơ chế, thể chế, chính sách, quy chế để không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng; chống tình trạng tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức, lợi ích nhóm và có các phương pháp, kinh nghiệm hay, theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần có sự phối hợp rất nhịp nhàng “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; phải giáo dục, phải có cách làm đặc biệt; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp càng cao, càng phải gương mẫu giữ mình trong sạch.

Tổng Bí thư yêu cầu hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để PCTNTC trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế xử lý những phản ánh, tố giác về tham nhũng, tiêu cực; khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực xảy ra nhiều sai phạm thời gian qua. Cùng với đó, hoàn thành sửa đổi luật Đất đai, luật Đấu thầu, luật Đấu giá tài sản và các dự án luật liên quan đến PCTNTC; ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo; kiên quyết khắc phục tệ tham nhũng vặt; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh PCTNTC tại địa phương, cơ sở.

Báo Thanh Niên được khen thưởng trong thông tin, tuyên truyền về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Cũng tại họp báo thông tin kết quả phiên họp 23 của Ban Chỉ đạo chiều qua 12.1, Ban Nội chính T.Ư, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, đã tổ chức khen thưởng các cơ quan báo chí có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC năm 2022. Báo Thanh Niên là một trong các cơ quan nhận khen thưởng năm nay.

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), liên quan đến hợp tác nghiên cứu, sản xuất kit test Covid-19 với Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và một số cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty CP tập đoàn FLC, Công ty chứng khoán BOS, Công ty CP xây dựng Faros và các công ty có liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh; vụ án xảy ra tại Công ty CP tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; vụ án xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan; vụ án xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (P.Phú Hài, TP.Phan Thiết, Bình Thuận); vụ án xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2); vụ án xảy ra tại khóm 5 (P.Châu Phú An, TP.Châu Đốc, An Giang).

Đưa vụ án Cục Đăng kiểm VN vào diện theo dõi, mở rộng điều tra

Chiều 12.1, tại cuộc họp báo thông tin kết quả phiên họp 23 của Ban Chỉ đạo, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Thái Học cho biết, tại phiên họp 23, Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ông Nguyễn Thái Học cho hay, Ban Chỉ đạo đánh giá vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN và một số trung tâm đăng kiểm “không phải là tham nhũng vặt mà có hệ thống, có tổ chức, quy mô rất lớn”. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công an nói, tính chất nghiêm trọng của vấn đề là có tổ chức, phân công, phối hợp chặt chẽ. Chính vì thế, Ban Chỉ đạo mới quyết định đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo vụ án này.

Liên quan vụ án tại Công ty AIC, ông Nguyễn Thái Học cho biết, vừa qua cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án liên quan sai phạm của công ty này tại Đồng Nai, song “không phải đã xong tất cả”. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành kiểm tra, điều tra tại các bộ, ngành, địa phương. “Các sai phạm của AIC liên quan địa phương nào, bộ, ngành nào, các cơ quan chức năng bao gồm các ủy ban kiểm tra và cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ để xử lý”, ông Học thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.