Điện sắp tăng giá?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
06/01/2024 07:32 GMT+7

Tại cuộc họp đầu năm 2024, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho rằng nếu không tăng giá điện sẽ không giải quyết được khoản lỗ lũy kế 17.000 tỉ đồng trong năm nay. Phát biểu này để ngỏ khả năng giá điện sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Giá điện có thể tăng tiếp ?

Năm 2023, mặc dù có 2 lần tăng giá điện nhưng tổng kết cuối năm 2023, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vẫn còn lỗ lũy kế lên đến 17.000 tỉ đồng. EVN cho rằng giá bán lẻ tăng 2 lần không đủ bù đắp chi phí sản xuất điện nên EVN tiếp tục bị lỗ. Trong thực thế, giá thành sản xuất điện năm 2023 vẫn cao hơn giá bán lẻ.

Năm 2023, dù EVN không công bố số lỗ cụ thể song theo lãnh đạo tập đoàn, chi phí sản xuất, giá thành điện năm 2023 đã lên tới 2.092,78 đồng/kWh. Riêng giá thành từ nguồn phát mà EVN phải mua từ các nhà máy điện là gần 1.620 đồng/kWh. Tức là tỷ trọng mua điện chiếm 80% chi phí giá thành trong khi giá bán lẻ điện bình quân là 1.950 đồng/kWh. Sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán đang gây rất nhiều khó khăn cho tập đoàn.

Điện sắp tăng giá?- Ảnh 1.

Giá điện có thể sẽ tăng trong năm 2024

NGỌC DƯƠNG

VN đang nỗ lực thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế, việc quyết định tăng giá bất kỳ mặt hàng nào trong giai đoạn này cũng cần hết sức thận trọng.

Ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương)

Theo lãnh đạo EVN, nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện do giá nhiên liệu vẫn ở mức cao dù đã giảm so với năm 2022; cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém khiến sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Bên cạnh đó, chi phí mua điện trên thị trường cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.

Thực tế, đề xuất tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024 để EVN cân bằng tài chính đã được đặt ra nhiều lần trước đó. EVN cho biết việc tăng giá thế nào, lộ trình ra sao còn dựa trên tính toán của các đơn vị có thẩm quyền và trên cơ sở báo cáo tài chính của tập đoàn. Dù vậy, lãnh đạo ngành điện thừa nhận việc đảm bảo cân bằng tài chính là "nhiệm vụ cam go". Thế nên, giải pháp sẽ được áp dụng là điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, nỗ lực tiết kiệm ở tất cả các khâu, cắt giảm mạnh thủ tục để đẩy nhanh tiến độ công trình nguồn và lưới điện, chống tiêu cực, tham nhũng và tăng cường minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình nhận định phương án điều chỉnh giá điện nhằm giúp cân đối tài chính cho EVN là phù hợp. Bởi tài chính vững thì các kế hoạch đầu tư, việc thu hút đầu tư vào các dự án điện theo Quy hoạch Điện VIII mới thuận lợi hơn. Vấn đề là nếu để tình trạng lỗ lã kéo dài, tài chính không cân bằng được, sẽ ảnh hưởng khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao. Chuyên gia này cũng cho rằng quy định mức dưới 5% là thuộc thẩm quyền điều chỉnh của EVN cũng vừa đủ để doanh nghiệp cân bằng tài chính mà không quá ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), đặt vấn đề Chính phủ đang xem xét cho 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần, mức dưới 5% thì thuộc quyền của EVN. Tuy nhiên, việc tăng giá điện 2 lần trong năm 2023 và năm 2024 được dự báo sẽ còn khó khăn, nền kinh tế cần sự hỗ trợ về chi phí đầu vào thì "liệu tăng giá điện nữa có ổn không?", ông Lâm băn khoăn và lưu ý đề xuất tăng giá điện nên "hết sức thận trọng".

Ngoài ra, ông Ngô Đức Lâm cũng đặt vấn đề về giá điện sinh hoạt đang thu kiểu "lấy chỗ nọ bù cho chỗ kia", nếu xét giá lũy tiến gây bất lợi cho người tiêu dùng, nên làm rõ để việc tăng giá điện thuyết phục hơn trong trường hợp được chấp thuận. Năm 2024, cần xem lại phân bổ nguồn, ưu tiên nguồn điện có chi phí sản xuất thấp, giảm tối đa nguồn có chi phí cao và dễ gây bị động cho ngành khi phải phụ thuộc giá đầu vào thế giới như than...

Tăng giá phải hết sức thận trọng

Không chỉ điện đứng trước nguy cơ tăng giá. Nhiều sản phẩm, dịch vụ cũng được điều chỉnh ngay đầu năm 2024 như phí, giá 4 tuyến cao tốc tăng từ ngày 2.1; 44 dự án BOT được điều chỉnh tăng giá vé đồng loạt; học phí đại học; trần vé máy bay...

Điện sắp tăng giá?- Ảnh 2.

Giá nhiều dịch vụ, sản phẩm tăng, nguy cơ đẩy giá hàng hóa thiết yếu tăng theo

KHẢ HÒA

Đáng lưu ý, giá xăng dầu thế giới sau 1 năm giảm sẽ bước sang năm 2024 với nhiều dự báo nguy cơ tăng do thị trường dễ biến động khi xung đột về địa chính trị tại Trung Đông vẫn còn kéo dài và nguy cơ an ninh trên vùng biển Đỏ sẽ ảnh hưởng đến tàu chở dầu và nguồn cung. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ nguyên nhiên liệu trong năm nay cũng được dự báo sẽ phục hồi, hỗ trợ cho giá dầu tăng trở lại.

"VN đang nỗ lực thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế, việc quyết định tăng giá bất kỳ mặt hàng nào trong giai đoạn này cũng cần hết sức thận trọng. Bởi giá điện hay giá xăng dầu ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, không phải câu chuyện của một ngành. Chi phí điện năng, đi lại tăng, sẽ đẩy giá các mặt hàng khác tăng, đặc biệt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm", chuyên gia Ngô Đức Lâm nhấn mạnh.

Tuy vậy, trong năm 2024, mặt tích cực đáng ghi nhận là thuế giá trị gia tăng tiếp tục giảm 2%, về 8% trong 6 tháng đầu năm; thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu cũng tiếp tục giảm 50% đến cuối năm. Với việc VN thành công kiểm soát lạm phát trong năm 2023, các chuyên gia kinh tế bày tỏ lạc quan đây sẽ là nền tảng để tạo đà cho việc giữ ổn định lạm phát trong năm 2024, trong đó có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lạm phát, bất chấp giá cả một số dịch vụ, sản phẩm tăng.

Tại hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở VN năm 2023 và dự báo 2024" do Viện Kinh tế - Tài chính phối hợp Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa tổ chức, các chuyên gia dự báo năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu yếu; cùng với đó giá dầu thấp chỉ ở mức 60 - 62 USD/thùng... Dự báo, CPI của năm 2024 tăng từ 3,2 - 3,5% so với 2023.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng trong năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm do kinh tế VN chưa phục hồi hoàn toàn, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, xuất khẩu của VN năm nay được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải so với năm 2023. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024.

Nếu tăng trưởng GDP trong năm 2024 chỉ xoay quanh mức 6% như nhiều dự báo, tính chung giai đoạn 2020 - 2024, GDP sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 4,64%, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn sẽ hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Và đó là yếu tố kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.