Điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần có tránh giật cục?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
07/08/2023 19:48 GMT+7

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện tối thiểu 3 tháng/lần nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điều chỉnh giá theo lộ trình, tránh giật cục.

Rút ngắn thời gian điều chỉnh để... tránh "giật cục"?

Lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá xuống 3 tháng một lần sẽ phản ánh kịp thời hơn biến động thông số đầu vào tới chi phí sản xuất kinh doanh điện, tránh treo chưa thanh toán các chi phí phát sinh thực tế dẫn tới giá điện tăng đột biến trong một lần điều chỉnh.

Mặt khác, quy định này cũng phù hợp với việc EVN đang báo cáo cập nhật giá điện hằng quý. Việc rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá điện xuống 3 tháng theo bộ là tránh điều hành giật cục.

Trước đó, tại dự thảo sửa đổi quyết định 24/2017 đang được lấy ý kiến, Bộ Công thương bổ sung cho EVN có thẩm quyền điều chỉnh 3% đến dưới 5% giá điện khi có biến động các thông số đầu vào. Quy định này sẽ "đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá bán lẻ do Chính phủ quy định". Đồng thời, bộ cũng đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện bình quân tối thiểu là 3 tháng/lần kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, rút ngắn hơn so với quy định hiện hành là 6 tháng.

Để tránh 'giật cục', cho điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần liệu có hợp lý? - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, cần xác lập một nguyên tắc điều chỉnh giá như thế nào để gắn dần cơ chế cạnh tranh cả đầu vào sản xuất điện và đầu ra bán lẻ điện

EVN

Cuối năm 2022, EVN từng kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu. Lý do, năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Có thời điểm giá than - đầu vào sản xuất nhiệt điện - tăng 600% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019, đẩy khó khăn tài chính cho EVN ngày một lớn.

Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, đề xuất thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện 3 tháng là theo sát cơ chế thị trường hơn, nhưng hiện Quyết định 24 của Chính phủ ban hành từ năm 2017 vẫn chưa được thực hiện đúng, nên đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh này khó khả thi. Ông nói, phương án tốt nhất là Việt Nam nên thành lập Hội đồng năng lượng độc lập, ngoài EVN nhằm đánh giá giá nhiên liệu đầu vào để điều chỉnh giá đầu ra. Hiện điện than vẫn đang chiếm phần lớn tổng sản lượng điện, giả sử giá than biến động mạnh thì có thể điều chỉnh 3 tháng một lần, còn không nên giữ thời hạn 6 tháng và thực hiện đúng thì không có lý do gì để "giật cục".

Công khai, minh bạch đầu vào đến đâu, cho điều chỉnh linh hoạt đến đó

Ngoài ra, theo ông Đào Nhật Đình, trong xem xét giá đầu vào, nên tham chiếu giá gas... từ thị trường Singapore hoặc giá than của Indonesia làm chuẩn vì than của Indonesia là hợp chuẩn làm điện (như giá xăng dầu trong nước vẫn tham chiếu giá trên sàn Singapore). Về cách thực hiện, giá bán lẻ điện muốn điều chỉnh ngắn hơn theo giá nguyên liệu đầu vào của thế giới cũng không nhất thiết điều chỉnh toàn bộ biểu giá mà có thể đặt ra mục phụ trợ nhiên liệu, khi giá than tăng, giá điện tăng theo và ngược lại.

TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng: Vấn đề không phải là bao lâu mới được điều chỉnh giá điện, bởi bản chất của giá điện liên quan nhiều thứ ràng buộc phức tạp. Chưa kể, giá điện thay đổi một năm 4 lần rất khó cho doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn. Kế hoạch sản xuất kinh doanh thường được đưa ra trước 1 năm hoặc thấp nhất nửa năm có điều chỉnh một lần. 3 tháng lại tăng giá điện, về nguyên tắc chưa hợp lý.

"Về đánh giá tổng thể, ngành đã thực hiện đủ đầy chưa?", TS Nguyễn Quốc Việt nêu câu hỏi và phân tích: "Chúng ta cần xác lập một nguyên tắc điều chỉnh giá như thế nào để gắn dần cơ chế cạnh tranh cả đầu vào sản xuất điện và đầu ra bán lẻ điện. Hiện khâu truyền tải là không thể thị trường hóa được do yếu tố độc quyền tự nhiên. Như vậy, phải tính định mức kinh tế kỹ thuật. Tức là khi không thể xác định theo cơ chế tự do giá cả trên thị trường cạnh tranh, buộc phải xác lập các định mức như chi phí/khấu hao/lợi nhuận. Vấn đề này về cơ bản các lĩnh vực nào chưa hoàn toàn thị trường, hoặc có sự can thiệp từ ngân sách nhà nước đều phải lập. Giá điện cần lập các định mức là vậy".

Ngoài ra lại cần tích hợp chiến lược chuyển dịch năng lượng tái tạo, net zero... Trong thực tế, tham vọng của chúng ta là phải có thị trường mua bán điện cạnh tranh, giá do thị trường quyết. Tuy vậy, phải thực hiện từng bước một và có thể tham khảo các nước xem có điểm tương đồng nào, khảo sát kinh nghiệm thị trường hóa và tự do hóa ngành điện. "Chỗ nào, khâu nào hoàn thiện được cơ chế thị trường tự do cạnh tranh, khâu đó có thể để giá điện được linh hoạt điều chỉnh theo thị trường", TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.