Nan giải xử lý vũ khí hóa học

17/09/2013 10:50 GMT+7

Việc tìm kiếm và tiêu hủy vũ khí hóa học lâu nay luôn là bài toán nan giải đối với cộng đồng quốc tế.

Nan giải xử lý vũ khí hóa học
Sẽ cần đến 1 tỉ USD để xử lý vũ khí hóa học ở Syria - Ảnh: Al Jazeera

Sau khi Mỹ và Nga đạt được thỏa thuận về việc giải trừ vũ khí hóa học của Syria, quá trình tìm kiếm các địa điểm cất giấu cũng như xử lý loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này ở quốc gia Trung Đông đang đặt ra một thách thức không nhỏ. Các chuyên gia LHQ từng rất vất vả ở Iraq và Libya trong khi cả Mỹ và Nga còn chưa tiêu hủy hết được kho vũ khí hóa học của mình. Theo ước tính của tình báo phương Tây, Syria hiện có khoảng 1.000 tấn khí độc có thể gắn vào đầu đạn tên lửa và bom, bao gồm khí mù tạt, chất sarin và VX được cất giấu khắp nước.

Tiêu hủy vũ khí hóa học ngày nay không đơn giản là đổ hết xuống biển như trong quá khứ mà cần tiến hành qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên phải dùng robot tháo dỡ vũ khí, sau đó phân loại các bộ phận và đưa vào những lò đốt khác nhau dành riêng cho chất lỏng, khí độc, chất nổ, vỏ đạn, bom… Các loại khí và dư chất sau khi đốt sẽ được làm sạch bằng các thiết bị xử lý ô nhiễm trong khi phế liệu kim loại sẽ được chôn xuống đất. Đài CBS dẫn ước tính của các chuyên gia Mỹ cho biết có thể cần đến 1 tỉ USD mới xử lý xong kho vũ khí hủy diệt của Syria.

Theo báo The Washington Post, nước Mỹ mất hơn 20 năm kể từ thời Chiến tranh lạnh mà đến nay vẫn chưa thể tiêu hủy hết vũ khí hóa học khổng lồ của mình dù đã chi hàng tỉ USD. Hiện Mỹ mới chỉ tiêu hủy 89,75% kho vũ khí hóa học 31.500 tấn của nước này. Về phần mình, Nga cũng đang vất vả trong việc loại trừ kho vũ khí từng có lúc chứa đến 40.000 tấn chất độc.

 

Báo cáo LHQ không xác định thủ phạm vụ 21.8

Hôm qua, các chuyên gia LHQ đã công bố báo cáo điều tra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21.8 ở ngoại ô Damascus vốn được cho là đã làm thiệt mạng 1.400 người bao gồm 400 trẻ em. Theo Reuters, báo cáo xác nhận có những bằng chứng “rõ ràng và thuyết phục” về việc sử dụng rốc két chứa chất độc thần kinh sarin để bắn vào 3 địa điểm thuộc khu vực Ghouta. Báo cáo không nêu rõ bên nào đã thực hiện vụ tấn công, nhưng thông tin về loại vũ khí và các chi tiết khác được đề cập có vẻ như quy trách nhiệm cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cho đến nay, phía chính quyền Syria vẫn một mực khẳng định vụ tấn công nói trên là do lực lượng nổi dậy Syria thực hiện. Mỹ và Nga chưa có phản ứng gì với báo cáo vừa được công bố.

Ngay cả khi Syria đồng ý cho phép các thanh sát viên quốc tế sục sạo khắp nước, chưa rõ các thanh tra sẽ hoạt động thế nào khi xung đột vẫn leo thang. Cả 2 phe cần ngừng bắn ở những khu vực nơi vũ khí hóa học được tìm kiếm và cất giữ. Nếu không, việc tạo lập những cơ sở tiêu hủy sẽ cực kỳ phức tạp vì nhiều vùng liên tục bị quân chính phủ và phe nổi dậy chiếm qua chiếm lại. “Sẽ cần có một loạt cam kết được tuân thủ ở cả 2 phía nhưng sẽ rất khó khăn vì không ai tin ai”, chuyên gia Ian Anthony thuộc Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển) nhận định với The Washington Post

Bài học ở Libya và Iraq

Theo tạp chí Time, phương Tây đã “hố hàng” trong vụ vũ khí hóa học của Libya. Hồi năm 2004, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tuyên bố sẵn sàng từ bỏ vũ khí hóa học và đổi lại Mỹ cùng EU phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại nước này. Lúc bấy giờ, ông Gaddafi còn lo ngại Mỹ có thể mượn cớ vũ khí hủy diệt hàng loạt để tấn công Libya như đã làm với Iraq trước đó. Các lãnh đạo phương Tây tin lời ông Gaddafi và LHQ cử một số thanh sát viên đến giúp loại trừ vũ khí hóa học ở Libya. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế chủ yếu để chính quyền Tripoli tự thực hiện chương trình giải trừ và thực tế đã chứng minh đây là một sai lầm lớn. Theo Time, dù Libya đã phá hủy 15 tấn khí mù tạt sulphur vào năm 2010, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OCPW) tin rằng ông Gaddafi vẫn còn che giấu khoảng 9,5 tấn khí độc nguy hiểm này. Nhiều cuộc điều tra được tiến hành như với một quốc gia sa mạc rộng lớn như Libya, việc tìm kiếm rơi vào tình trạng “mò kim đáy biển”. Mãi đến tháng 9.2011, một tháng trước khi ông Gaddafi bị sát hại, quân nổi dậy mới phát hiện ra kho vũ khí trên ở một thị trấn tại miền nam Libya.

Về phần Iraq, nhiều bằng chứng và tư liệu cho thấy vào thời điểm Mỹ xua quân vào nước này năm 2003, chính quyền Tổng thống Saddam Hussein đã không còn vũ khí hủy diệt hàng loạt, trái với tuyên bố khăng khăng của Mỹ và Anh. Tuy nhiên, trước đó, các chuyên gia LHQ cũng đã phải rất vất vả mới có thể truy tìm và phá hủy các kho vũ khí hóa học lớn ở Iraq. Quá trình này bắt đầu từ sau chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất và mất 6 năm mới hoàn thành về cơ bản. LHQ phải lập Ủy ban Đặc biệt về giải trừ vũ khí ở Iraq, theo dõi sát sao mọi diễn biến và khi thông tin tình báo bị rò rỉ cho biết ông Hussein vẫn còn cất giấu một số hệ thống vũ khí, các nhóm chuyên gia phải quay lại một lần nữa để tiêu hủy số còn lại sau những tranh cãi gay gắt với chính quyền Baghdad.

Trùng Quang

>> LHQ sắp công bố báo cáo về vũ khí hóa học tại Syria
>> Syria gia nhập công ước chống vũ khí hóa học
>> Syria có một tuần để công khai vị trí các kho vũ khí hóa học
>> Syria bị tố tẩu tán vũ khí hóa học
>> Tình báo Đức cáo buộc chính phủ Assad dùng vũ khí hóa học
>> Syria bí mật di chuyển vũ khí hóa học ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.