Tan giấc mộng hồi sinh khủng long

14/10/2012 03:00 GMT+7

Trong loạt phim Công viên Kỷ Jura, các nhà khoa học chiết xuất ADN khủng long 80 triệu năm tuổi từ bụng của muỗi nằm trong hổ phách.

Tuy nhiên, trong đời thực, giới khoa học gia có thể không bao giờ trích được vật liệu di truyền được lưu giữ lâu như vậy để mang khủng long bạo chúa trở về bề mặt trái đất. Dù vậy, nghiên cứu mới cho thấy ADN có thể được lưu trữ trong hóa thạch lâu hơn vẫn tưởng.

Mẫu ADN cổ nhất từng được phục hồi thuộc về côn trùng và thực vật nằm trong lõi băng ở Greenland, cách đây 800.000 năm. Thế nhưng, trước nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được họ có thể chiết xuất thành công ADN lâu đến mức nào, do tốc độ phân rã ADN vẫn còn là một bí ẩn.

Theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B, các chuyên gia của Đại học Murdoch (Úc) cho hay lần đầu tiên có thể ước tính được tốc độ trên, sau khi so sánh vật liệu di truyền từ 158 hóa thạch xương chân của chim moa, đã tuyệt chủng ở New Zealand. Theo đó, chu kỳ nửa phân rã của ADN là 521 năm, chậm hơn 400 lần so với dự đoán trước đây.

Như vậy, trong điều kiện lý tưởng, toàn bộ các kết nối ADN sẽ bị hủy hoại hoàn toàn sau khoảng 6,8 triệu năm.

Thụy Miên

>> Công viên Kỷ Jura trên một cái đĩa
>> “Công viên kỷ Jura” sẽ tái sinh trong phiên bản 3D
>> Cha đẻ bộ phim "Công viên kỷ Jura" qua đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.