Doanh nghiệp lập quỹ nghìn tỉ phát triển khoa học công nghệ nhưng không tiêu được

Quý Hiên
Quý Hiên
15/12/2022 19:29 GMT+7

Theo khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, rất nhiều doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ nhưng không tiêu được, có nơi phải hoàn quỹ hàng nghìn tỉ đồng.

Hôm nay, 15.12, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức toạ đàm “Giải phóng nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp”. Chủ trì tọa đàm là ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Tham gia toạ đàm có đại diện các cục vụ liên quan của Bộ KH-CN, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, và một số doanh nghiệp, đơn vị khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (thứ 2 từ phải sang) phát biểu tại toạ đàm

Quý Hiên

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp được đề cập lần đầu tại luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sau đó là luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.

Mục đích của quỹ là nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy quỹ chưa phát huy được vai trò và hiệu quả của mình, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Để tháo gỡ tình trạng trên, lãnh đạo Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành giám sát nhằm sớm đưa ra kiến nghị phù hợp.

Qua thực tế giám sát, Ủy ban thấy rằng từ năm 2011 - 2019 đã có 618 doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty tại 58 tỉnh, thành trích lập và sử dụng quỹ, với mức trích là 22.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD).

“Số liệu này cho thấy 2 vấn đề. Một là số doanh nghiệp trích quỹ vẫn thấp, chỉ chiếm 0,02%, chưa đạt cận dưới của quy định (quy định là 3%). Hai là việc giải ngân các nguồn lực đã trích chưa đạt 40%. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp không giải ngân hết, phải hoàn nhập quỹ. Điển hình như Tập đoàn Công nghiệp Cao su phải hoàn nhập quỹ tới 84% (hoàn 1.164 tỉ trên tổng số trích lập quỹ 1.384 tỉ )”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, thống kê đến năm 2019 cho thấy, tổng số tiền phải hoàn quỹ trên cả nước là khoảng 12.165 tỉ. Thống kê mới nhất thì tiền hoàn quỹ là khoảng hơn 22.000 tỉ đồng.

“Đây là con số rất lớn”, ông Sơn bình luận và nói thêm: “Con số này cho thấy còn rất nhiều bất cập từ chính sách pháp luật trong tổ chức thực hiện. Ví dụ, một số quy định pháp luật về quản lý quỹ còn chưa tương thích, đồng bộ, quy định hướng dẫn về quỹ chưa được sửa đổi, ban hành đầy đủ, kịp thời”.

Bảng thống kê tình hình trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

"40% có lẽ hơi cao so với khảo sát của chúng tôi"

Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 4, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cũng đồng tình với những nhận định trên. Theo bà Khánh, tình hình trích lập việc sử dụng quỹ có những lo ngại nhất định, đặc biệt trong số doanh nghiệp trích lập thì chủ yếu là khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Bà Khánh cho biết: “Khu vực doanh nghiệp nhà nước có hiện tượng trích lập lớn, nhưng số sử dụng quỹ là rất thấp. Con số 40% (mà ông Sơn nói ở trên - PV) có lẽ còn hơi cao so với khảo sát của chúng tôi. Theo khảo sát của chúng tôi (tại hơn 800 doanh nghiệp, 363 doanh nghiệp gửi thông tin về), năm 2018 - 2019, con số này là 29%, có những năm dưới 20%".

"Ngoài ra, chúng tôi làm xem xét kỹ 4 doanh nghiệp có số dư quỹ lớn là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), VNPT, Mobifone, Viettel. Đến cuối năm 2021, số tồn quỹ của SCIC khoảng 516 tỉ đồng, Mobifone 908 tỉ, VNPT 824 tỉ, Viettel lớn nhất là khoảng 5.625 tỉ. Như vậy, về mức sử dụng thì tỷ lệ rất thấp, như VNPT chỉ sử dụng 90 tỉ trong 842 tỉ đồng, tức là chỉ khoảng 10%”, bà Khánh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.