'Đời rất đẹp' hỗ trợ người khuyết tật khởi sự kinh doanh

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
07/05/2023 18:24 GMT+7

Thông qua đấu giá các sản phẩm nghệ thuật do người khuyết tật, các tổ chức đóng góp, Câu lạc bộ Trao quyền phụ nữ (WEC) và Trung tâm Khuyết tật và phát triển huy động nguồn lực hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật.

Ngày 7.5, tại Đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM (UEF), Câu lạc bộ Trao quyền phụ nữ (WEC, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM) và Trung tâm Khuyết tật và phát triển (Trung tâm DRD) phối hợp tổ chức chương trình "Đời rất đẹp", nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật.

Ông Nguyễn Văn Cử, Phó giám đốc Trung tâm DRD, cho biết Việt Nam hiện có hơn 6 triệu người khuyết tật; trong đó, có khoảng 4 triệu người khuyết tật nằm trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, có tới 70% chưa có việc làm. Thống kê cho thấy, cứ 4 người khuyết tật thì có một người sống dưới mức nghèo khó.

Chương trình "Đời rất đẹp" hướng tới lan tỏa hành trình vươn lên trong cuộc sống của người khuyết tật và chia sẻ dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật.

Đồng hành, hỗ trợ người khuyết tật khởi sự kinh doanh - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Ngọc Hiếu và anh Nguyễn Trung Hậu (phải) chia sẻ về hành trình của bản thân

NGUYỄN PHÚ TOÀN

Tại sự kiện, anh Nguyễn Trung Hậu, bại liệt từ nhỏ, hiện là Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ngồi Cafe, đã chia sẻ những kỹ năng, nỗ lực cá nhân từ buổi đầu khởi sự kinh doanh.

Anh Hậu kể lại thông qua cơ duyên đọc báo nên biết và tìm đến Trung tâm DRD. Tại đơn vị anh được sinh hoạt, rèn luyện nhiều kỹ năng thiết thân, và áp dụng trong công việc, đời sống. 

Song song đó, dẫn chứng câu chuyện bản thân thành công cũng một phần nhờ gia đình, bạn bè hỗ trợ vốn ban đầu để mở quán cafe, anh Hậu nhấn mạnh về sự trao cơ hội và niềm tin của gia đình, cộng đồng với khả năng của người khuyết tật.

Hay câu chuyện vươn lên của chị Trần Thị Ngọc Hiếu, bại liệt 2 chân và 1 bàn tay từ nhỏ, là nghệ nhân tranh ốc. Từ nguồn vốn ban đầu của một cuộc thi khởi nghiệp, cộng với nỗ lực tự thân, chị Hiếu đã phát triển kinh doanh tranh của mình tới nay.

"Bản thân tôi ở trong vỏ ốc của mình rất lâu, khi thoát ra được vỏ ốc đó, tôi cảm thấy nó rất đẹp. Từ đó tôi tin là bản thân người khuyết tật và cộng đồng cần nhìn người khuyết tật ở khả năng, chứ không phải khiếm khuyết", chị Hiếu nói.

Sự kiện cũng diễn ra hoạt động đấu giá các tác phẩm nghệ thuật do các nghệ sĩ là người khuyết tật, các họa sĩ và nhà thiết kế độc lập, các tổ chức và cá nhân đóng góp. Đơn cử như tranh làm từ vỏ ốc, tranh sơn mài, bình gốm độc bản, bộ pha chế cà phê chuyên nghiệp...

Kinh phí từ buổi đấu giá sẽ dùng để hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tại các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước

NGUYỄN PHÚ TOÀN

Câu lạc bộ WEC cho biết khách mời tới buổi đấu giá nằm trong mạng lưới các nhà hảo tâm đã và đang đồng hành với đơn vị, Trung tâm DRD trong các hoạt động vì cộng đồng cũng như nhà hảo tâm biết sự kiện qua mạng xã hội.

Đến nay, qua sự kiện, các nhà hảo tâm đã đóng góp hơn 180 triệu đồng. Theo ban tổ chức, kinh phí thu được từ hoạt động của chương trình sẽ chuyển về các đối tác địa phương (như các hội, đoàn thể) để hỗ trợ 30 trường hợp người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.