Dự án công nghệ in 3D của nhóm nghiên cứu Việt được cấp bằng sáng chế Mỹ

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
10/02/2023 18:29 GMT+7

Dự án "Công nghệ in 3D trên nền tảng máy học sâu" của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vừa được cấp bằng sáng chế tại Mỹ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), thông tin: "Dự án 'Công nghệ in 3D trên nền tảng máy học sâu' do Trường ĐH Công nghệ TP.HCM chủ trì, GS-TS Nguyễn Xuân Hùng, cố vấn cấp cao, Viện trưởng Viện công nghệ CIRTECH-HUTECH làm chủ nhiệm. Sau 3 năm giáo sư Hùng thực hiện cùng với các đồng sự, dự án đã chính thức hoàn thiện và được Cơ quan Sở hữu trí tuệ USPTO (Mỹ) cấp bằng sáng chế".

Dự án in công nghệ 3D của nhóm nghiên cứu Việt được cấp bằng sáng chế Mỹ - Ảnh 1.

GS-TS Nguyễn Xuân Hùng (trái) giới thiệu về công nghệ in 3D

TRUNG KIÊN

Được biết, dự án "Công nghệ in 3D trên nền tảng máy học sâu" được Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) tài trợ. Mục tiêu chung của dự án là phát triển một nền tảng thiết kế điện tử phục vụ trong công nghệ in 3D dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ tối ưu hóa nhiều vật liệu, nhiều phân lớp sản phẩm in 3D, phương pháp học sâu thông qua bộ dữ liệu kết hợp thu được từ quá trình thiết kế, mô phỏng tối ưu hóa và kiểm định trong quá trình in 3D.

Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Quang Thành, trưởng nhóm máy in 3D của dự án, 3.000 mẫu tài nguyên của dự án hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới về số lượng (sau Mỹ và Trung Quốc) và các mẫu này đều đạt chất lượng để in ra thành phẩm tốt nhất. Do đó, việc phát triển dự án và thương mại hóa có thể dễ dàng kết nối được các thành viên có đam mê với công nghệ in 3D.

Dự án in công nghệ 3D của nhóm nghiên cứu Việt được cấp bằng sáng chế Mỹ - Ảnh 2.

Sản phẩm của dự án Công nghệ in 3D trên nền tảng máy học sâu

TRUNG KIÊN

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh thông tin thêm: "Sau 3 năm triển khai, dự án đã được nghiệm thu với các kết quả gồm 19 bài báo được đăng trên tạp chí Q1, 1 app chương trình ứng dụng in 3D đã chạy thử nghiệm thành công, 4 bằng sáng chế, trong đó 3 sáng chế tại USPTO (Mỹ) và 1 sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, hoàn thành 1 bản thảo cuốn sách về in 3D. Bên cạnh đó, dự án cũng đã hỗ trợ đào tạo 2 học viên cao học và 6 nghiên cứu sinh".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.