“Sướng” như thí sinh Trường THPT A Túc

02/06/2013 20:59 GMT+7

(TNO) Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chắc không có nhóm thí sinh (TS) nào đi thi tốt nghiệp THPT lại phải đi xa như nhóm TS của Trường THPT A Túc (xã A Túc, H.Hướng Hóa): di chuyển khoảng 30 km.

(TNO) Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chắc không có nhóm thí sinh (TS) nào đi thi tốt nghiệp THPT lại phải đi xa như nhóm TS của Trường THPT A Túc (xã A Túc, H.Hướng Hóa): di chuyển khoảng 30 km.

>> Một thí sinh bị tai nạn giao thông được đặc cách tốt nghiệp
>> Bồng con, bế cháu đi thi
>> 3 thí sinh bỏ thi tốt nghiệp vì tai nạn giao thông
>> Thi tốt nghiệp THPT: Cách làm bài thi khôn ngoan
>> Đón đọc gợi ý giải đề thi và đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT
>> Gợi ý giải đề thi môn hóa
>> Gợi ý giải đề thi môn văn

Nhưng cũng không có nhóm TS nào “sướng” như nhóm nhóm TS này vì các em được các thầy cô giáo đi theo chăm lo cho từng miếng ăn, giấc ngủ, thậm chí còn được ở trong nhà của... thầy hiệu trưởng.

Trường THPT A Túc đặt ở địa bàn rừng núi đặc biệt khó khăn của H.Hướng Hóa (giáp với nước bạn Lào), học sinh theo học chủ yếu là con em của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái, trường được mở HĐT riêng và các em được thi ngay tại trường nhưng năm nay phần vì số học sinh khá ít (75 em) nên các TS này buộc phải đi thi ở HĐT Trường THPT Lao Bảo (cách Trường THPT A Túc khoảng 32 km).

“Sướng” như thí sinh trường THPT A Túc
Bữa trưa “ngon hơn ở nhà” của các TS Trường THPT A Túc - Ảnh: Nguyễn Phúc

Thầy Phạm Xuân Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay từ ngày 1.6, nhà trường và các bậc phụ huynh đã tổ chức cho chuyến “lều chõng” xa xôi này, chia ra làm 2 chặng.

Chặng 1, phụ huynh phải bằng mọi cách (đi bộ, đi xe đạp, chở xe máy...) đưa con em mình ra tập trung tại ngã ba Tân Long (xã Tân Long, H.Hướng Hóa). Từ đây, các giáo viên của trường sẽ phụ trách chặng 2, đưa các TS lên Lao Bảo theo QL9.

“Chúng tôi đã sắp xếp êm đẹp, các em nữ thì ở phòng mẫu giáo do tôi mượn, các em nam ở ngay trong... nhà tôi luôn. Nhà tôi chỉ nhà cấp 4, phòng khách rộng hơn 30 m2, tôi dặn vợ con lau chùi rồi trải chiếu, bật quạt là cho các em TS vào ngủ thôi. Học trò vùng khó, có vậy là vui rồi”, thầy Thảo thật thà nói.

Thầy Thảo còn nói vui là các giáo viên của nhà trường đã lo “trọn gói” cho các học trò, các em chỉ cần tập trung vào việc ôn bài và thi tốt.

“Các em không cần nộp một xu nào. Chỗ ngủ đã xong, cơm nước 3 bữa chúng tôi cũng đã đặt, đi thi thì có 4 giáo viên dẫn các em đến cổng, thi xong lại dẫn về. Giờ giấc đặt ra cũng rất nghiêm ngặt, chứ các em ở vùng sâu ra thị trấn, lớ ngớ xảy ra chuyện gì chúng tôi cũng không biết trả lời sao với bà con”, thầy Thảo nói thêm.

Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Xuân Lộc (26 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B2 cũng là người trực tiếp quản lý nhóm TS nữ trong đợt này) cho Thanh Niên Online hay đây là lần đầu tiên cô đưa học trò đi thi kiểu “đặc biệt” như thế này nhưng lại cảm thấy rất vui và thoải mái.

“Lúc ở đồng bằng, tôi chưa bao giờ tưởng tượng có chuyện phải chăm ăn, chăm ngủ cho học trò nhưng khi lên vùng cao tôi thấy đây là chuyện thường. Các em học sinh của chúng tôi vốn vất vả cực khổ nên sự cực nhọc một chút của chúng tôi sao bù đắp hết cho các em”, cô Lộc xúc động nói.

Điều đó là có thật, khi nhiều em học sinh bảo rằng ở nhà cũng chưa chắc có được bữa cơm có cá, có thịt như thầy cô đã chuẩn bị trong những ngày thi.

Cũng theo thông tin từ cô Lộc, sau môn thi ngữ văn, đa số các TS của trường đều làm bài không đến nỗi nào. Mong là những môn còn lại, với sự hỗ trợ tận lực của các giáo viên, các TS đặc biệt này sẽ vượt qua...

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.