Giá đấu thầu vàng có thể quanh mức 82,5 triệu đồng/lượng?

20/04/2024 12:13 GMT+7

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhìn nhận, 16.800 lượng vàng nếu cung ra thị trường sẽ giải quyết nhanh chóng nhu cầu thị trường. Giá đấu thầu có khả năng xoay quanh 82,3 - 82,5 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá vàng chắc chắn co lại

Chiều 19.4, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về thông báo đấu thầu vàng miếng SJC.

Công văn nêu rõ, hình thức đấu thầu theo giá, tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu là 16.800 lượng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 81,8 triệu đồng/lượng. Khối lượng tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là khối lượng đặt thầu của mỗi thành viên.

Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố

Mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do Ngân hàng Nhà nước công bố

NGỌC THẮNG

Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu: 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu: 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Trao đổi với Thanh Niên xung quanh nội dung đấu thầu vàng, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, đấu thầu 16.800 lượng vàng cơ bản có thể đủ "hạ nhiệt" thị trường vàng miếng SJC trong giai đoạn hiện nay.

"So với thời điểm trước năm 2012, thị trường vàng miếng hiện tại đã thu hẹp rất nhiều. Mức 16.800 lượng vàng nếu cung ra thị trường sẽ giải quyết nhanh chóng nhu cầu thị trường. Chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới chắc chắn co lại", ông Phương nói.

Giá đấu thầu vàng có thể quanh mức 82,5 triệu đồng/lượng?

Về giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng, vị chuyên gia này nhấn mạnh, giá đấu thầu chắc chắn sẽ cao hơn mức này, có khả năng xoay quanh 82,3 - 82,5 triệu đồng/lượng.

Quy tắc của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng là chỉ mua cân đối phần vàng đã bán ra trước đó và mua thêm một phần nhỏ để bán. Các doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng không đầu cơ vàng.

"So với giá SJC chiều 19.4 ở thị trường tự do đang mua vào 82,7 triệu đồng/lượng và bán ra 83,3 triệu đồng/lượng, mức giá 82,5 triệu đồng/lượng họ vẫn chấp nhận tham gia đấu thầu.

Doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng chắc chắn bỏ giá hợp lý để được trúng thầu, tất nhiên giá đó phải phù hợp giá thị trường. Vì nếu để giá cao hơn thị trường thì họ sẽ tìm mua ngoài thị trường hơn là mua ở đấu thầu", ông Phương nói.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, 16.800 lượng vàng đem ra đấu thầu là tương đối lớn nhưng chưa chắc đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

"16.800 lượng vàng chỉ khoảng 600 -700 kg vàng. Trong khi đó, nhu cầu vàng ở thị trường Việt Nam một quý khoảng vài tấn. Phải đấu giá vài phiên mới đủ cân đối cung - cầu thị trường", ông Khánh bày tỏ quan điểm.

Căn cơ vẫn phải cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do

Thông tin từ một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cho thấy, trước khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông báo kế hoạch đấu thầu, mức giá tham chiếu kỳ vọng chỉ ở mức 79 - 80 triệu đồng/lượng. Bởi vậy, mức giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng đưa ra cũng khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, giải pháp căn cơ cân đối cung - cầu thị trường vàng là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do, áp dụng chính sách thuế phù hợp

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, giải pháp căn cơ cân đối cung - cầu thị trường vàng là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do, áp dụng chính sách thuế phù hợp

ĐT

Đáng chú ý, trong chiều 19.4, Ngân hàng Nhà nước có công văn gửi các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về thông báo đấu thầu vàng miếng SJC. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Thanh Niên, có những đơn vị nhận được thông báo chính thức này khá muộn, sát 17 giờ nên không kịp chuyển cọc, dẫn tới mất cơ hội tham gia đấu thầu.

Liên quan tới đấu thầu vàng miếng, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đánh giá, động thái này có thể tạo ra tâm lý yên tâm ngắn hạn cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, dài hạn là cho phép xuất nhập khẩu vàng tự do và áp dụng chính sách thuế phù hợp.

Nhấn mạnh xóa bỏ chênh lệch phi lý của giá vàng trong nước và thế giới cần biện pháp thương mại, không phải là biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng, theo vị chuyên gia, đơn giản nhất là cho phép công ty kinh doanh vàng bạc đủ điều kiện được xuất nhập khẩu vàng.

"Hiện nay, hải quan điện tử đã có thể quản lý tốt nhập khẩu vàng. Với thị trường trong nước, cần áp dụng hóa đơn điện tử cho hoạt động mua - bán vàng, chỉ cần như vậy là đủ”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.

Tại họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Ngân hàng Nhà nước sáng 19.4, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), cho biết Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

"Đánh giá những mặt tích cực của Nghị định 24 suốt thời gian qua thấy rằng, vai trò của Nghị định 24 đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, đã đến lúc cần xem xét lại cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay, đặc biệt tập trung bàn việc Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng, thêm nhiều thương hiệu vàng khác chứ không chỉ mình thương hiệu vàng SJC", Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nói.

Phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước sẽ diễn ra vào 10 giờ thứ hai tuần tới (ngày 22.4), tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Hà Nội). Khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Trước đó, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28.3.2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là hơn 1,8 triệu lượng trên tổng số hơn 1,9 triệu lượng chào thầu. Khi đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.