Giá vàng vượt 92 triệu đồng, '14 năm trước vay vàng, giờ trả bằng tiền được không'?

11/05/2024 15:52 GMT+7

Giá vàng liên tục lập đỉnh, đến nay đã vượt 92 triệu đồng mỗi lượng. Nhiều người tranh luận về tình huống '10 năm trước vay bằng vàng, giờ trả bằng tiền có được không?'.

Những ngày gần đây, giá vàng liên tục lập đỉnh, đến nay đã vượt 92 triệu đồng mỗi lượng. Trên một số diễn đàn trao đổi về pháp luật, nhiều chủ đề được mang ra tranh luận xung quanh giá vàng.

"Năm 2010, vợ chồng tôi có vay của anh chị 10 lượng vàng, giá vàng khi đó là 36 triệu đồng mỗi lượng. Khi vay, anh chị có quy ra 360 triệu đồng, yêu cầu trả lãi mỗi tháng 2 triệu đồng, gốc bao giờ có thì trả.

Vừa rồi, tôi có bán miếng đất để gom tiền trả nợ, nhưng anh chị đòi phải trả bằng 10 lượng vàng chứ không phải 360 triệu đồng.

Mong mọi người cho ý kiến để anh chị nhận bằng tiền (360 triệu đồng), chứ với giá vàng như hiện giờ thì tôi không thể trả bằng vàng được", một thành viên đăng tải.

Giá vàng vượt 92 triệu đồng, '14 năm trước vay vàng, giờ trả bằng tiền được không'?- Ảnh 1.

Giá vàng liên tục lập đỉnh trong thời gian qua

T.N

Câu chuyện trên hiện đang nhận được rất nhiều ý kiến. Một số cho rằng vay vàng thì phải trả bằng vàng, số khác lại nghĩ chỉ cần trả bằng tiền (360 triệu đồng) vì khi người em vay thì anh chị đã quy đổi vàng ra tiền để tính lãi rồi.

Giá vàng tăng chóng mặt: '14 năm trước vay vàng, giờ trả bằng tiền được không'?

Vậy, pháp luật quy định ra sao về trường hợp này?

Vay vàng thì phải trả bằng vàng

Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, viện dẫn điều 463 bộ luật Dân sự, quy định về hợp đồng vay tài sản. Theo đó, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 466 bộ luật này cũng quy định rất rõ về nghĩa vụ trả nợ của bên vay. Đó là, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Đối chiếu với quy định trên, 14 năm trước vợ chồng người em vay anh chị 10 lượng vàng thì nay phải trả lại đúng 10 lượng vàng.

Trường hợp có nguyện vọng trả bằng tiền và được anh chị đồng ý, vợ chồng người em có thể trả nợ bằng tiền, nhưng là số tiền tương đương giá của 10 lượng vàng tại thời điểm trả nợ, chứ không phải số tiền 360 triệu đồng khi vay.

Nhưng khi cho vay, anh chị đã quy đổi vàng ra số tiền tương ứng và tính lãi hàng tháng, tình huống này có ngoại lệ?

Luật sư Tâm nhận định, nếu 2 bên có thỏa thuận bằng văn bản về việc trả nợ bằng số tiền tương ứng với giá vàng tại thời điểm cho vay, thì bên vay chỉ cần trả 360 triệu đồng. Còn không, bên vay vẫn phải trả bằng vàng.

Với số tiền lãi đã trả hàng tháng, đây là sự thỏa thuận giữa 2 bên, ngay từ khi xác lập việc cho vay. Theo quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Giá vàng vượt 92 triệu đồng, '14 năm trước vay vàng, giờ trả bằng tiền được không'?- Ảnh 2.

Theo chuyên gia pháp luật, vay vàng thì phải trả bằng vàng, trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác

TUYẾN PHAN


Cần rõ ràng ngay từ đầu, tránh "đòi được nợ nhưng mất tình cảm"

Thực tế, câu chuyện "vay vàng thì trả bằng vàng hay bằng tiền" không phải hiếm gặp, luôn gây nhiều tranh luận, nhất là khi giá vàng liên tục tăng như hiện nay.

Để tránh trường hợp khó xử, thậm chí "đòi được nợ nhưng mất tình cảm", luật sư Hà Công Tâm khuyến nghị cả người cho vay và người vay nên có sự rõ ràng với nhau ngay từ đầu.

Khi vay vàng, các bên nên lập thành hợp đồng, ghi rõ nội dung thỏa thuận đã thống nhất như: số lượng, lãi suất (nếu có), thời hạn trả… Đặc biệt, các bên cần ghi rõ khi bên vay trả nợ thì trả bằng vàng hay bằng tiền. Điều này sẽ là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, tránh xảy ra tranh chấp không đáng có.

Ví dụ, anh chị cho em vay bằng vàng, thỏa thuận rõ khi trả bằng vàng, thì khi trả phải trả bằng vàng, không phụ thuộc giá vàng lên hay xuống tại thời điểm trả.

Trường hợp thỏa thuận trả bằng tiền nhưng quy đổi theo giá vàng ở thời điểm cho vay, người em phải trả bằng số tiền tương ứng với thời điểm đó. "Lúc cho vay giá vàng là 36 triệu đồng mỗi lượng, đến nay giá vàng tăng lên 92 triệu đồng mỗi lượng, bên vay cũng chỉ cần trả số tiền tương ứng 36 triệu đồng mỗi lượng", luật sư Tâm đặt tình huống giả định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.