Rạng danh nhờ trái bần

17/06/2013 10:21 GMT+7

Sinh ra và lớn lên tại cù lao Long Trị, học mới hết lớp 7 nhưng bà Võ Thị Cúc (người dân quen gọi Tư Cúc) ở xã Long Đức, TP.Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) trở nên rạng danh nhờ… trái bần.

Từ bí quyết giữ trái bần quanh năm

Bà Tư Cúc kể lại trước đây vợ chồng bà bán quán phục vụ du khách. Một bữa có đoàn nhà văn, nhà thơ đến thưởng thức thủy sản nước ngọt. Họ “lơ mơ” nhìn hàng bần lủng lẳng trái ven bờ cù lao liền “sáng tác” món ăn đậm chất miền Tây: canh chua cá bông lau nấu trái bần. Thấy vậy, chồng bà liền vác cây thọc mấy trái bần, làm theo. Từ đó, trái bần thành gia vị chính cho món canh chua của đất cù lao Long Trị. Nhưng mùa bần chỉ bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 2 (âm lịch) năm sau. Mùa nghịch, không có trái bần cho món đặc sản này, khách “kêu” quá.

Không “bó tay chịu chết”, bà Tư Cúc nghĩ cách “giữ” trái bần lâu dài để lúc nào cũng có bần cho món canh chua đặc sệt miền Tây phục vụ khách sành ăn, khó tánh. Bà mày mò tìm cách chế bột bần. Hư tới hư lui, tốn kém biết bao tiền bạc. Không lùi bước, cuối cùng bà Tư Cúc đã “khắc chế” được trái bần bằng cách ướp lạnh để bần không sinh khí, bị hư.

Nhưng muốn có sản phẩm hoàn chỉnh, trái bần chín phải được xử lý qua các công đoạn: gọt bỏ vỏ, rửa sạch, để ráo, đánh tay cho hột tách khỏi bột bần, lược lấy bột, bỏ xác, cho vô chảo nấu, vừa nấu vừa quậy. Về sau, khi “công nghệ” đã thuần thục, thành công, có chút tiền, bà tiến tới “công nghệ hóa” các công đoạn này bằng máy massage (làm mềm) trái bần, đánh tách lấy bột bần, sên bột bần bằng máy... Để có sản phẩm bột bần, ban đầu bà Cúc trộn bột bần với muối  i ốt, ớt và bột ngọt. Sau đó, được sự tư vấn của ngành y tế dự phòng tỉnh Trà Vinh, bà đã loại bỏ bột ngọt vì bột ngọt hiện diện trong bột bần để lâu không tốt, làm mất mùi nguyên thủy của bần và mất ngon.

Rạng danh nhờ trái bần
Bà Tư Cúc với huy chương và kỷ niệm chương được tặng thưởng

Đa dạng sản phẩm từ trái bần

Thành công với bột bần, bà Tư Cúc “lấn” thêm bước nữa: sản xuất mứt bần bằng bột bần tinh chế với đường phèn, mạch nha, sên cô đặc. Mới đây, bà bắt tay vào sản xuất rượu bần bằng cách làm loại rượu trái cây dân gian thường làm (rượu ethylic): Trái bần để nguyên vỏ, rửa sạch, để ráo, cho vô kiệu, cứ một lớp bần thì trải một lớp đường phèn. Điều đáng quan tâm là nếu để đường quá nhiều, rượu ngọt và mất mùi bần. Ít đường, rượu để lâu không được. Công thức tối ưu là 1 kg bần sử dụng 600 gr đường phèn. Ủ 2 tháng thì “chan” nước: 10 kg bần cho vô 5 kg nước, 2 tháng sau chà bỏ hột và xác bần, lọc lấy nước. Ủ thêm 2 tháng nữa là được 1 mẻ khoảng vài trăm lít rượu. Ban đầu, bà lược cho rượu trong, đẹp. Khách thích nhưng đề nghị để nguyên “cặn”, khi nào dùng thì lắc đều, như vậy đậm đà khẩu vị. Rượu bần có vị chua chua, ngọt ngọt, khoảng trên 10 độ nên say đằm, nhờ vậy mà rượu bần của bà rất hiếm.. Song song rượu bần, bà còn sản xuất kẹo bần (80.000 đồng/kg) và nước chấm trái bần (15.000 đồng/chai). Làm không nghỉ tay, sản phẩm nào cũng độc đáo, đạt điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường… nên bà Tư Cúc, chủ nhân Cơ sở Thủy, đạt được nhiều giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương.

Nhờ sự hợp tác của người dân quanh vùng để cung cấp trái bần nên bà Tư có sản phẩm bán quanh năm. Mùa thuận, bà thu mua khoảng 6 - 7 tấn trái bần/tháng, trong đó bần chín 5.000 đồng/kg, bần chín gọt vỏ 7.000 đồng/kg. Ngoài ra bà còn sản xuất bột bần tươi: bột bần nguyên chất sau khi chà bỏ hột, không đun nấu, cho qua máy diệt khuẩn, trữ trong tủ lạnh. Loại này chủ yếu bán cho nhà hàng vì họ mua số lượng lớn. Sản phẩm bột bần và mứt bần của bà Tư Cúc đã có mặt ở siêu thị Co.opmart, bán hầu như toàn quốc.

Cát Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.