Hải Dương: Loay hoay hỗ trợ 19 hộ dân sống dưới đường dây 220 kV

Minh Phong
Minh Phong
08/07/2023 17:56 GMT+7

Nhiều năm nay, 19 hộ dân sinh sống dưới đường dây 220 kV Hải Dương liên tục kiến nghị, yêu cầu được hỗ trợ bồi thường, tái định cư. Chưa thỏa thuận được với người dân, nên dự án công trình đường dây 220 kV Nhiệt điện Hải Dương - Trạm 500 kV Phố Nối vẫn chưa thực hiện được.

Bỏ nhà đi nơi khác sinh sống vì chạm vào đâu cũng thấy... điện

Dự án trạm biến áp 500 kV Phố Nối (tỉnh Hưng Yên) cùng các đường dây đấu nối qua xã Cẩm Hưng (H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) và dự án công trình đường dây 220 kV Nhiệt điện Hải Dương - Trạm 500 kV Phố Nối đoạn qua xã Cẩm Hưng được triển khai thi công từ năm 2015. Đây là công trình quan trọng của Nhà nước và của tỉnh nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng. 

Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân địa phương, đặc biệt là 19 hộ dân trực tiếp sinh sống dưới đường điện cao áp 220 kV chạy qua các thôn Đồng Xuyên, Hộ Vệ, Đông Đồng thuộc xã Cẩm Hưng. Bởi họ cho rằng, đường dây 220 kV đang trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình họ.

Tại nhà ông Nguyễn Văn Thơ (ở thôn Đông Đồng), khi thấy PV báo Thanh Niên đến để ghi nhận phản ánh, ông Thơ mở cổng rồi nhanh chóng kéo tay PV đi vào phía trong nhà. Sau đó, ông lấy bút đo điện trường, trực tiếp làm thí nghiệm.

Khi ông Thơ chạm đầu bút vào tất cả các vật dụng trong nhà, kể cả những vật dụng phi kim loại, bóng bút thử điện trường đều phát ra ánh sáng trắng. Từ nền nhà, bàn thờ, tủ, ghế, tường… đều ghi nhận được hiện tượng này. Đặc biệt, khi chiếc bút thử chạm vào những vật bằng gỗ thì bóng của bút thử điện trường cho ánh sáng rõ ràng nhất.

Hải Dương: Loay hoay phương án hỗ trợ 19 hộ dân sống dưới đường điện 220kV - Ảnh 1.

Đường dây 220kV chạy qua mái nhà ông Nguyễn Văn Thơ

MINH PHONG

"Hiện tượng này xảy ra cách đây 8 năm nay rồi, gần như tuần nào chúng tôi cũng đến UBND xã Cẩm Hưng để gửi kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền. Chúng tôi rất lo lắng, mặc dù cho đến hiện tại chưa có hậu quả gì xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng của người dân trong thôn, nhưng bản thân tôi nhận thấy từ khi có đường dây 220 kV chạy qua khu đất gia đình sinh sống sức khoẻ giảm sút đi nhiều, thường xuyên đau ốm", ông Thơ chia sẻ.

Hải Dương: Loay hoay phương án hỗ trợ 19 hộ dân sống dưới đường điện 220kV - Ảnh 2.

Ông Thơ dùng bút thử điện trường chạm xuống nền nhà và đèn phát sáng

MINH PHONG

Hải Dương: Loay hoay phương án hỗ trợ 19 hộ dân sống dưới đường điện 220kV - Ảnh 3.

Tủ gỗ phát sáng mạnh mẽ khi ông Thơ dùng đầu bút thử điện trường chạm vào

MINH PHONG

Bà Nguyễn Thị Quynh (thôn Hộ Vệ), một hộ dân cũng đang sinh sống dưới đường dây 220 kV Nhiệt điện Hải Dương cho hay, ảnh hưởng của điện trường rõ ràng nhất khi trời mưa giông, sấm sét, các thiết bị điện tử trong nhà gần như không hoạt động được.

Do lo sợ đường dây 220 kV sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ, gia đình ông Vũ Văn Chữ, gia đình bà Nguyễn Thị An (thôn Đông Đồng), và gia đình anh Nguyễn Bá Chung (thôn Hộ Vệ) đã chuyển đi nơi khác sinh sống, những ngôi nhà của các gia đình này từ đó bỏ hoang.

Yêu cầu được tái định cư đến nơi ở mới

Theo ông Thơ, nguyện vọng của gia đình ông và 18 hộ dân còn lại ở các thôn là được hỗ trợ bồi thường, tái định cư ở một vị trí khác về nơi ở, khi ông cho rằng sinh sống lâu dài trên các thửa đất dưới đường dây 220 kV sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như đối với sức khoẻ.

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo UBND xã Cẩm Hưng cho biết kiến nghị của 19 hộ dân ở 3 thôn Đông Đồng, Hộ Vệ và Đông Xuyên là có cơ sở. Tuy nhiên, vì UBND huyện, ngành điện lực và người dân chưa thống nhất được phương án nên nhiều năm nay việc khiếu nại kéo dài, mặc dù đã có rất nhiều hội nghị, cuộc họp được tổ chức nhưng nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ, khi những yêu cầu của các hộ dân không được các ban, ngành chức năng đáp ứng bởi không đúng theo quy định hiện hành.

Trong năm 2023, ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng đã có những chỉ đạo, đưa ra những kết luận, giao UBND H.Cẩm Giàng giải quyết kiến nghị của các hộ dân.

Đến ngày 24.4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản số 2046/EVN-QLXD. Theo đó, kết quả cường độ điện trường tại các điểm đo đạc đều đạt dưới mức giới hạn cho phép.

Đồng thời, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cam kết các hộ dân đang sinh sống dưới hành lang an toàn lưới điện đoạn qua địa bàn xã Cẩm Hưng được phép sinh sống và xây dựng nhà cửa, công trình vật kiến trúc trong hành lang an toàn theo đúng quy định của Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26.2.2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật Điện lực về an toàn điện.

Hải Dương: Loay hoay phương án hỗ trợ 19 hộ dân sống dưới đường điện 220kV - Ảnh 4.

Căn nhà 2 tầng của ông Vũ Văn Chữ nằm dưới đường dây 220 kV hiện đã bỏ hoang

MINH PHONG

Hải Dương: Loay hoay phương án hỗ trợ 19 hộ dân sống dưới đường điện 220kV - Ảnh 5.

Nhà của anh Nguyễn Bá Chung hiện tại cũng không có người sinh sống

MINH PHONG

Theo báo cáo của UBND H.Cẩm Giàng, thời điểm hiện tại 19 hộ gia đình, cá nhân ở xã Cẩm Hưng nằm dưới đường dây 220 kV không đủ điều kiện thu hồi đất và tái định cư theo quy định. UBND H.Cẩm Giàng đề nghị các hộ gia đình, cá nhân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quyết định đã được phê duyệt.

Trong khi đó, các hộ gia đình, cá nhân có đơn đề nghị xin giao một suất đất tái định cư không thông qua hình thức đấu giá, đơn giá theo quy định của UBND tỉnh Hải Dương. Các hộ dân không nhất trí với kết quả đo cường độ điện trường do cho rằng tại thời điện đo cơ quan điện đã cắt điện và hạ áp cường độ điện trường.

19 hộ dân yêu cầu các đơn vị lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá năm 2023, đề nghị UBND tỉnh Hải Dương và các sở ngành về đối thoại với các hộ. Nếu không đạt được các nội dung này, họ sẽ không cho kéo đường dây 220 kV.

Cần một đơn vị độc lập để đo lại cường độ dòng diện

Đến ngày 29.6, ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND H.Cẩm Giàng, cùng các sở, ngành cùng đại điện Tổng công ty truyền tải điện quốc gia đã có buổi đối thoại với 19 hộ dân xã Cẩm Hưng.

Ông Lê Văn Khải, Phó ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, thuộc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia cho biết, đường dây 220 kV nằm trong dự án xây dựng Trạm 500 kV Phố Nối và các đường dây đấu nối. Đường dây 220 kV có 4 mạch và đã thi công, đóng điện xong 2 mạch.

Đối với những lo lắng của người dân về những ảnh hưởng đối với sức khỏe khi sinh sống dưới đường dây 220 kV, ông Khải thông tin: với đường dây 500 kV thì phải thu hồi toàn bộ đất nằm trong hành lang nhưng đối với đường dây 220 kV đã được quy định rõ về đảm bảo an toàn cho sinh sống và xây dựng nhà trong các nghị định, luật Điện lực… 

 Hiện tượng dùng bút thử điện trường mà phát sáng, ông Khải đề nghị cần có các đơn vị độc lập tiến hành đo với các thiết bị chuyên dụng thì mới khẳng định được cường độ dòng điện có an toàn hay không.

Hải Dương: Loay hoay phương án hỗ trợ 19 hộ dân sống dưới đường điện 220kV - Ảnh 6.

Đường dây 220kV chạy qua địa bàn xã Cẩm Hưng

MINH PHONG

Hiện nay, tỉnh Hải Dương áp dụng bồi thường thiệt hại về đất với mức 80% đơn giá thu hồi đất và 70% giá trị phần nhà ở, công trình. Cụ thể hệ số điều chỉnh giá đất để phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án gồm: 5 triệu đồng/m2 và 4 triệu đồng/m2 đối với thôn Đông Đồng; 2 triệu đồng/m2 đối với thôn Hộ Vệ và 1,5 triệu đồng/m2 đối với thôn Đông Xuyên. Tuy nhiên, qua nhiều lần đối thoại, vận động, tuyên truyền các hộ dân vẫn không đồng tình.

Theo ông Trần Văn Quyết, hiện ngành điện đã cam kết với tỉnh, huyện là những hộ dân hiện sống dưới đường dây 220 kV là an toàn và khi hoàn thiện dự án, ngành điện cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thuê một cơ quan độc lập để đo lại cường độ dòng điện. Nếu không an toàn thì ngành điện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.