Hãng hàng không Quốc gia nỗ lực vượt 'bão' Covid-19

14/07/2021 18:00 GMT+7

Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và cổ đông lớn, Vietnam Airlines đã thực hiện một loạt các giải pháp tái cơ cấu để ứng phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Trong đó, vận tải hàng hóa là một trong những điểm sáng cho kế hoạch phục hồi của Vietnam Airlines.
Từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với dự báo. Hai đợt dịch Covid-19 bùng phát đúng vào dịp cao điểm Tết và ngay trước kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 đã tác động tiêu cực đến hoạt động vận tải hàng không, đẩy các hãng hàng không Việt, trong đó có Vietnam Airlines, bị thâm hụt dòng tiền nghiêm trọng. Trong khi các đường bay quốc tế vẫn chưa thể nối lại thì thị trường hàng không trong nước tiếp tục đón nhận thêm “cơn cuồng phong mới” khi từ đầu tháng 7 đến nay, hàng loạt các đường bay đi/đến TP.HCM đã phải tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19.
Trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng cả trong và ngoài nước, ngay từ năm 2020, Vietnam Airlines đã khẩn trương bắt tay vào tái cơ cấu toàn diện, giúp hãng trụ vững trước đại dịch đến thời điểm này.
Vietnam Airlines thực hiện một loạt các giải pháp tái cơ cấu để ứng phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19

Vietnam Airlines thực hiện một loạt các giải pháp tái cơ cấu để ứng phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19

Vietnam Airlines đặt mục tiêu cắt giảm chi phí thông qua các giải pháp tự thân, đàm phán với đối tác là 6.858 tỉ đồng, trong đó đã đưa vào kế hoạch định hướng đầu năm khoảng 3.000 tỉ đồng. Hiện nay Vietnam Airlines đang tích cực làm việc với các cơ quan hữu quan để kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ giảm giá đến hết năm 2021, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh năm 2021. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đang đẩy mạnh kế hoạch bán tàu bay A321CEO sản xuất giai đoạn 2004, 2007, 2008 và xem xét kế hoạch bán tàu ATR72.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2020, các khối chuyên môn, nghiệp vụ đã được kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tinh giản số lượng lao động thông qua việc tổ chức lại quy trình làm việc. Hãng triển khai cơ chế chính sách để duy trì lực lượng lao động sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh. Dự kiến đến cuối năm 2021, tổ hợp công ty mẹ, công ty con của Vietnam Airlines sẽ giảm được 46 đầu mối, trong đó công ty mẹ giảm 4 ban/đơn vị trực thuộc; giảm 9 phòng và tương đương.

Với các giải pháp đã triển khai thực hiện, tổng chi phí cắt giảm năm 2021 dự kiến đạt được khoảng hơn 10.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ chủ động cân đối dòng tiền và sử dụng linh hoạt vay ngắn hạn, giãn nợ trong thanh toán.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết

Vietnam Airlines đã tận dụng mọi cơ hội để gia tăng doanh thu, mà trọng điểm là tăng cường các hoạt động vận chuyển hàng hóa, tăng chuyến chở công dân về nước, chở khách chuyên gia; duy trì thị phần nội địa và sẵn sàng khôi phục mạng bay nội địa khi dịch được kiểm soát tốt.
Trong đó, vận tải hàng hóa sẽ là một trong những trọng tâm của hãng trong bối cảnh đại dịch. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Vietnam Airlines đã tiến hành hoán cải các tàu bay Airbus A321, A350, Boeing 787 để chở hàng trên khoang khách, đồng thời làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2,0 lần so với chở hàng tại khoang bụng hàng. Năm 2020, Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức được hơn 3500 chuyến bay chở hàng. Doanh thu vận chuyển hàng hóa đóng góp tới gần 30% doanh thu của VNA (giai đoạn trước dịch chỉ chiếm 9%).
Hoạt động vận tải hàng hóa của Vietnam Airlines đã góp phần đáng kể đảm bảo giao thương, sản xuất trong đại dịch, với hàng trăm nghìn tấn vải thiều, thủy sản, linh kiện điện tử, nguyên liệu dệt may được vận chuyển toàn cầu... Trong giai đoạn 2022-2025, khi dịch bệnh được khống chế, thị trường phục hồi trở lại, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác tải hàng hóa ở khoang bụng hàng trên các chuyến bay chở khách, tiếp tục khai thác và sử dụng hiệu quả đội tàu bay hoán cải chở hàng. Từng bước đầu tư và đưa vào khai thác đội tàu bay chở hàng chuyên dụng vào thời điểm thích hợp khi nguồn lực tài chính cho phép.
Vận tải hàng hóa sẽ là một trong những trọng tâm của hãng trong bối cảnh đại dịch

Vận tải hàng hóa sẽ là một trong những trọng tâm của hãng trong bối cảnh đại dịch

Song song với những nỗ lực tự thân, Vietnam Airlines sẽ tận dụng hiệu quả các gói hỗ trợ tín dụng và phát hành cổ phiếu tăng vốn. Hôm 7.7, Vietnam Airlines đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 4.000 tỉ đồng với ba ngân hàng thương mại. Vietnam Airlines cũng đang triển khai các thủ tục để hoàn tất việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với quy mô phát hành 8.000 tỉ đồng trong 6 tháng cuối năm 2021.
Nguồn tiền này sẽ phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh và bù đắp thiếu hụt thanh khoản do đại dịch Covid-19, không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.