Hành trình giúp đỡ nữ sinh vùng biên đến giảng đường

25/09/2023 08:00 GMT+7

Nhờ học bổng của Báo Thanh Niên, cô nữ sinh người Dao có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tưởng chừng phải từ bỏ giấc mơ học đại học, đã vươn ra khỏi góc núi và đặt chân tới giảng đường.

Một ngày giữa tháng 9, PV Thanh Niên vượt hơn 100 km để đến nhà nữ sinh Đặng Thị Huế tại xã Mo Rai (H.Sa Thầy, Kon Tum). Huế là nhân vật trong bài viết Nữ sinh hoàn cảnh khó khăn ước mơ vào đại học. Từ bài viết này, bạn đọc Báo Thanh Niên đã gửi tặng, hỗ trợ nữ sinh hơn 71 triệu đồng.

Ngày nhận được tin có học bổng, phóng viên đã liên hệ với Huế để thông báo tin vui. Thế nhưng vì Huế ở vùng lõm sóng nên phải khó khăn lắm chúng tôi mới kết nối được. Qua điện thoại, Huế cho biết mình phải đi bộ vài cây số để dò sóng điện thoại.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Đặng Thị Huế đã đậu ngành sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Quy Nhơn với số điểm 25,4. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cô nữ sinh người Dao dù rất muốn đi học nhưng cũng đành gác lại giấc mơ để ở nhà phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học.

Hành trình giúp đỡ nữ sinh vùng biên đến giảng đường - Ảnh 1.

Dù sống ở vùng biên giới với hoàn cảnh khó khăn nhưng Huế luôn đạt thành tích cao trong học tập

Sau nhiều ngày vận động, thuyết phục nhưng cô nữ sinh vẫn còn đắn đo với việc đi, ở. Không để Huế tuột mất cơ hội tương lai, PV Thanh Niên đã cùng cán bộ xã tìm vào tận nhà để tâm sự, động viên cô tiếp tục con đường học tập.

Nhà của Huế ở khu 14 hộ thuộc nông trường cao su Duy Tân, cách trung tâm xã Mo Rai khoảng 20 km. Để vào khu vực này phải đi qua con đường đất xuyên rừng cao su lởm chởm đá núi lẫn sình lầy. Mất gần 2 tiếng đồng hồ cả đoàn mới vượt qua được con đường ấy. Nơi Huế đang sinh sống còn thiếu cả điện lẫn sóng điện thoại. Trong đoàn ai cũng có chung câu hỏi là làm sao cô nữ sinh này có thể vượt qua được tất cả để đến trường và thi đỗ đại học?

Giữa trưa, được sự dẫn đường của cán bộ xã, cả đoàn mới đến được căn nhà vách gỗ giữa rừng cao su của gia đình Huế. Trong nhà trống hoác, chẳng có tài sản gì đáng giá. 3 chiếc giường ọp ẹp nằm 3 góc nhà là nơi cả gia đình ngả lưng sau mỗi ngày lao động.

Ông Đặng Văn Viện (cha Huế) đang ngồi nghỉ ngơi sau một buổi cạo mủ cao su vất vả. Ông Viện tâm sự, nhà nghèo nên việc cho con gái đi học tiếp là một quyết định khó khăn đối với gia đình. Từ ngày Huế nhận giấy báo đậu đại học, chẳng có đêm nào ông Viện thôi trằn trọc.

"Cho con đi học thì tiền ăn, tiền ở, tiền sinh hoạt biết lấy đâu ra. Rồi sau khi ra trường con có tìm được việc làm hay lại thất nghiệp? Nhưng bắt con nghỉ học thì tương lai của con mãi nằm ở cánh rừng cao su này thôi", ông Viện tâm sự.

Hành trình giúp đỡ nữ sinh vùng biên đến giảng đường - Ảnh 2.

Căn nhà vách gỗ cũ kỹ của gia đình Huế

Đức Nhật

Chúng tôi thông báo về việc Huế được nhận học bổng từ Báo Thanh Niên, ngoài ra còn được nhà nước hỗ trợ chỗ ở, tiền ăn uống, sinh hoạt hằng tháng và ra sức thuyết phục gia đình để Huế có cơ hội học tập, mở rộng cánh cửa tương lai.

Sau một hồi suy tính, cùng với sự thuyết phục của cán bộ xã, ông Viện cũng gật đầu đồng ý đưa con đi nhập học. Ngay lúc ấy, cô nữ sinh bỗng trở nên vui vẻ, hồ hởi như một đứa trẻ khi chuẩn bị các giấy tờ để làm thủ tục nhập học.

Huế bảo mọi chuyện đến với em như một giấc mơ. Nếu không có sự hỗ trợ của Báo Thanh Niên và các nhà hảo tâm, có lẽ tương lai của em sẽ lại gắn với cánh rừng cao su.

"Được đi học đại học là điều em không dám nghĩ tới, vậy mà nay đã thành hiện thực. Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Báo Thanh Niên và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ em. Em sẽ cố gắng học thật giỏi và kiếm việc làm thêm để phụ giúp cha mẹ nuôi các em", Huế tâm sự.

Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc Huế vừa bước vào cánh cổng trường đại học. Trong tâm tưởng chúng tôi vẫn chập chờn hình ảnh 2 cha con Huế đèo nhau bằng chiếc xe máy cũ đi trên con đường đá sỏi. Sắp tới sẽ là một hành trình dài, nhưng khi nghĩ đến tương lai mình và gia đình sẽ tươi sáng hơn, Huế bỗng nhoẻn miệng cười rạng rỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.