Hứa thôi vẫn chưa đủ

07/03/2024 04:15 GMT+7

Hôm qua, một số nơi ở miền Trung bất ngờ hứng chịu nắng nóng tới gần 40 độ C dù chưa chính thức bước vào mùa hè. Trước đó, nhiều người dân Hà Nội bất ngờ khi hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng vọt. Khu vực Nam bộ thì vẫn trong đợt nắng nóng kéo dài, dự báo là còn đến hơn tháng nữa mới chấm dứt...

Các dữ liệu đầu vào nói trên đều khiến người ta phấp phỏng, lo âu dù Chủ tịch Tập đoàn điện lực VN (EVN) trong hội nghị mới đây đã hứa với Thủ tướng Chính phủ không để xảy ra thiếu điện trong năm nay. Thế nhưng nỗi ám ảnh cắt điện luân phiên mùa hè 2023 vẫn còn hiển hiện trong ký ức của nhiều người dân, doanh nghiệp (DN). Càng đáng lo hơn vì đã hơn một năm kể từ khi Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) chính thức ban hành nhưng kế hoạch thực hiện cụ thể như thế nào vẫn chưa có. Mà chưa có kế hoạch thì dự án mới, dự án cũ; đường truyền hay năng lượng tái tạo... đều phải chờ. Cũng phải nhắc lại là, bản thân QHĐ8 đã chậm ban hành tới hơn 2 năm. Sau khi ban hành rồi, các DN, địa phương lại tiếp tục chờ kế hoạch thực hiện cả năm qua. Nghĩa là tổng cộng thời gian chậm trễ đã lên tới 3 năm, trong bối cảnh nắng nóng ngày càng tăng, nhu cầu điện cao. Cần nhớ, tình trạng thiếu điện trong khoảng thời gian không dài năm 2023 cũng đã gây phí tổn kinh tế lên tới khoảng 1,4 tỉ USD, tương đương 0,3% GDP theo ước tính của Ngân hàng Thế giới. Quan trọng hơn, việc này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư của VN, trong thu hút vốn ngoại mà chúng ta đang nỗ lực.

Đáng nói, năm nay, nguy cơ thiếu điện đã được cảnh báo rất sớm. Các chuyên gia cũng đã chỉ rõ sở dĩ chúng ta rơi vào tình trạng thiếu điện, đặc biệt là phía bắc, vì không có thêm các nguồn điện mới bổ sung. Hàng loạt dự án thủy điện, nhiệt điện đều trong tình trạng chậm tiến độ, không biết đến khi nào. Do đó, việc đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện là rất cần kíp. Thế nên từ cuối năm 2023, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Kế hoạch thực hiện QHĐ8, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc triển khai bản quy hoạch này trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Mới nhất, Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương phải trình kế hoạch thực hiện QHĐ8 trước ngày 2.3, không chậm trễ thêm... Dù có sự sát sao, quyết liệt của Chính phủ, nay đã là ngày 7.3, bản kế hoạch vẫn chưa thấy đâu.

Trong khi nỗi lo thiếu điện tăng cao, nhiều người lại tự hỏi cơ chế bán điện cho nhà hàng xóm sau nhiều lần "hỏi ý kiến" hiện thế nào. Còn nhớ khi QHĐ8 được ban hành trong đó có mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới đạt 2.600 MW đến năm 2030, EVN đã lập tức kiến nghị có hướng dẫn cụ thể để cơ chế "bán điện cho nhà hàng xóm" được triển khai nhanh chóng, góp phần tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện. Đề xuất, kiến nghị, lấy ý kiến tới lui tới giờ... vẫn mất hút.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu than tăng vọt gấp 3 lần, kim ngạch tăng gấp 2,5 lần. Phần lớn trong số này được dùng để dự trữ sản xuất nhiệt điện trong thời gian tới, đặc biệt là cho mùa khô, nắng nóng ở khu vực miền Bắc. Bối cảnh này cho thấy không chỉ lo thiếu điện, người dân, DN còn lo giá điện có thể tăng sớm hơn dự kiến.

Vậy thì phải có đầu mối chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ nói trên chứ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.