Khơi dậy tiềm năng, phát triển bền vững

29/04/2020 09:47 GMT+7

Từ tỉnh nghèo, Bạc Liêu đã bứt phá trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL.

Đặc biệt, từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều cách làm hay thu hút được nhiều dự án lớn, với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Ông Dương Thành Trung, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ:

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung (bìa trái) trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng

Ảnh: Trần Thanh Phong

Ngày 31.1.2018, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham dự, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Với chủ đề “Khơi dậy tiềm năng - Phát triển bền vững”, mục tiêu của Hội nghị là nhằm giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư tại Bạc Liêu, nhấn mạnh các cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó góp phần thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế; đồng thời thông qua chuỗi sự kiện sẽ giúp quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh của tỉnh Bạc Liêu đến các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
Có thể khẳng định, hội nghị xúc tiến đầu tư đã tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Sau hội nghị, môi trường đầu tư tại Bạc Liêu sôi động hẳn lên với hơn 400 lượt nhà đầu tư là các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tiếp cận nghiên cứu và đăng ký đầu tư nghiêm túc. Trên cơ sở xem xét, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan, tỉnh Bạc Liêu đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 40 dự án, trong đó có 36 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 9.110 tỉ đồng và 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 4,4 tỉ USD. Đặc biệt, ngày 21.1.2020, UBND tỉnh Bạc Liêu đã long trọng tổ chức buổi lễ trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu công suất 3.200MW thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu. Dự án có tổng mức đầu tư 4 tỉ USD và trở thành dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất khu vực ĐBSCL từ trước tới nay.
PV: Xin ông cho biết những lĩnh vực, ngành nghề mà Bạc Liêu ưu tiên mời gọi đầu tư và tỉnh có những chính sách ưu đãi đặc biệt gì để thu hút các nhà đầu tư?
Ông Dương Thành Trung: Trong thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã tích cực mời gọi các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột của tỉnh, gồm: Nông nghiệp (mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo); Năng lượng tái tạo (gồm điện gió, điện mặt trời) và điện khí; Phát triển du lịch; Phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; Phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.

Mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc ở Bạc Liêu

Ảnh: Trần Thanh Phong

Cánh đồng ruộng muối ở xã Điền Hải, H.Đông Hải, Bạc Liêu

Ảnh: Phan Thanh Cường

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ ở mức cao nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời theo phương châm “Đúng đối tượng, phù hợp chính sách, nhanh thủ tục” cùng tinh thần trách nhiệm cao nhất, đồng hành phát triển lâu dài với các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh đã có những dự án, công trình động lực nào đã được khởi công, đưa vào hoạt động, thưa ông?
Hiện nay, ngoài dự án Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Công ty TNHH XD – TM - DL Công Lý đã đưa vào vận hành ổn định với sản lượng điện phát lên lưới đạt hơn 1 tỉ kWh, còn có nhiều dự án trọng điểm đang triển khai khá rầm rộ, như: 3 dự án điện gió trên biển (Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3, công suất 142MW; Điện gió Hòa Bình 1, công suất 50 MW; Điện gió Đông Hải 1, công suất 50MW) đang triển khai thi công phần móng, dự kiến hoàn thành trong quý 3.2020 và đóng điện lần lượt từ tháng 10.2020, đến giữa năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ. Ngoài ra, Dự án Trung tâm thương mại và shophouse Trần Huỳnh vẫn đang tiếp tục triển khai thi công…

Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu

Ảnh: Phan Thanh Cường

Đối với các dự án trọng điểm còn lại, như: Điện khí LNG Bạc Liêu, các dự án điện gió trên bờ, các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục…với tổng mức đầu tư gần 120 ngàn tỉ đồng sẽ lần lượt khởi công từ quý 3.2020.
Tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng có tổng vốn đầu tư lên đến 4 tỉ USD hiện nay ra sao? Ông kỳ vọng gì vào dự án này?
- Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu được tỉnh xác định là dự án trọng điểm, tạo đột phá trong thời gian tới. Hiện nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư. Đến cuối tháng 12.2020, dự kiến triển khai xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG; Trạm tái hóa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tua bin khí giai đoạn 1 (công suất 750MW) vào cuối năm 2023; tiếp lục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200MW trước tháng 12.2027, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo đánh giá sơ bộ của tỉnh thì khi Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò động lực, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Thông qua hoạt động của dự án sẽ tạo thêm việc làm trực tiếp và gián tiếp cho lao động trong tỉnh, đóng góp ngân sách hàng ngàn tỉ tiền thuế các loại, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp tỉnh Bạc Liêu vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực và cả nước.
Từ tỉnh nghèo vươn lên trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL, vậy theo ông trong giai đoạn 2020- 2025, tỉnh Bạc Liêu cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để giữ vững tốc độ tăng trưởng?

Quảng trường Hùng Vương TP.Bạc Liêu

Ảnh: Phan Thanh Cường

Khu du lịch sinh thái Nhà Mát, TP.Bạc Liêu

Ảnh: Phan Thanh Cường

Bạc Liêu đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công nhằm giảm thủ tục hành chính, thu hút nhà đầu tư

Ảnh: Trần Thanh Phong

Để tiếp tục phát triển ổn định, bền vững thì trong thời gian tới, Bạc Liêu cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là tập trung thu hút đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp, mà trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về sản xuất tôm, lúa gạo, sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước; đồng thời đẩy mạnh mời gọi đầu tư các dự án phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sớm đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm về năng lượng sạch của khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành du lịch, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tiếp tục kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao và kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế biển.

Lễ phát động quốc gia Tuần lễ biển và hải đảo tại Bạc Liêu

Ảnh Phan Thanh Cường

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung (bìa phải) kiểm tra tình hình sản xuất của người dân

Ảnh: Minh Đạt

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm đến công tác xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% số xã có đường ô tô về đến trung tâm; đồng thời quyết liệt xoá đói giảm nghèo, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cuối năm còn dưới 1%...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.