Kiên quyết không mua lại dự án BOT 'treo' do lỗi nhà đầu tư

03/05/2024 17:24 GMT+7

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi yêu cầu Bộ GTVT rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông.

BOT Bờ Đậu - một trong 2 trạm của BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chưa được thu phí

BOT Bờ Đậu - một trong 2 trạm của BOT Thái Nguyên - Chợ Mới chưa được thu phí

M.H

Trong kết luận về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ: Chính phủ đã trình Quốc hội về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 1843 ngày 28.11. 2022 của Tổng thư ký Quốc hội. 

Trên cơ sở đó, cuối năm 2022 và tháng 10.2023, lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT chi tiết, cụ thể về nội dung, tiến độ. Mặc dù Bộ GTVT đã cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện nhưng về chất lượng, tiến độ chuẩn bị hồ sơ chưa bảo đảm yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Vì vậy, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm rà soát, thực hiện đúng, đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản nêu trên; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan để hoàn thiện hồ sơ đề án báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

Trong đó, Phó thủ tướng lưu ý Bộ GTVT cần tiếp tục rà soát, đánh giá toàn diện các dự án BOT giao thông bao gồm cả dự án Bộ GTVT quản lý và các dự án do các địa phương quản lý; rà soát kỹ lưỡng các nguyên nhân chủ quan, khách quan, những bất cập do thay đổi chính sách của nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

"Kiên quyết không đề xuất xử lý những dự án do nguyên nhân chủ quan của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Doanh nghiệp, nhà đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo hợp đồng đã ký. Đồng thời, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động tiêu cực khi thực hiện các cơ chế, chính sách đề xuất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định" - Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó hồi tháng 3, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ bố trí 10.650 tỉ đồng hỗ trợ 8 dự án BOT gặp khó khăn do thay đổi chính sách hoặc bị người dân phản đối. Đây là lần thứ 3 Bộ GTVT đưa ra hướng xử lý các dự án BOT được đầu tư xây dựng giai đoạn trước năm 2015. 

Theo Bộ GTVT, nếu không có giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại của các dự án BOT sẽ ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư, đặc biệt là khó thu hút nguồn lực xã hội theo phương thức đối tác công tư PPP, ảnh hưởng mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km cao tốc trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp.

Cùng với đó, các dự án không được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp có doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác, bảo trì tuyến đường, không thể thanh toán lãi vay nên các khoản vay tín dụng chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.