TNO

Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 2: Một con chó đi mãi không về

21/03/2015 14:22 GMT+7

(iHay) Người ta bảo chó Phú Quốc rất khó nuôi. Tôi thấy điều này không hẳn đúng. Khó nuôi hay không là tùy người nuôi.

(iHay) Hai con chó đầu tiên tôi đem về sống với gia đình tôi ở một chung cư. Chỉ 1 hôm, chúng đã thành thân thiện. Người ta bảo chó Phú Quốc rất khó nuôi. Tôi thấy điều này không hẳn đúng. Khó nuôi hay không là tùy người nuôi.

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”

Một con chó đi mãi không về

Nuôi chó Phú Quốc theo cách nuôi chó “tây” thì 10 con có thể chết hết 5 hay 6, còn nuôi như dân quê thì không vấn đề gì. Càng cố làm cho nó sống lâu bằng cách áp dụng các kiến thức thú y thì nó càng mau chết.

Từ 3 tới 6 tháng tuổi, trong nhà không có một thứ gì còn lành lặn trong tầm với của chúng. Mỗi ngày 2 lần, tôi đưa chúng xuống dạo công viên. Chúng thích ra ngoài đến nỗi mỗi lần tôi mang giày đội nón là hai đứa đưa cổ ra cho xích. Nhà ở chung cư nuôi chó điều quan trọng đầu tiên là dạy chúng đi vệ sinh đúng chỗ. Con chó bình thường không dạy dỗ gì hết đã không đi vệ sinh bừa bãi rồi, ở quê chúng thường ra vườn ra ruộng, không bao giờ đi trong nhà. Nhưng nhà ở thành phố thì phải dạy, vì chúng đâu có biết đi vệ sinh chỗ nào thì không dơ bẩn đối với con người.

Tôi dạy thằng Bim đi vệ sinh đúng chỗ chỉ trong 3 ngày. Còn con Tu-ti thì phải mất nhiều tháng, trong nhiều tháng đó tôi phải “phá chấp” mới có thể vui vẻ dọn dẹp được phân và nước tiểu bừa bãi của nó. Nhưng nghiệm lại thì không hẳn là thằng Bim thông minh hơn con Tu-ti. Vấn đề là cách dạy thằng Bim không đem ra áp dụng cho con Tu-ti được. Nếu quá tin vào những gì được viết trong sách dạy chó chắc chắn bạn sẽ thất vọng.

Con chó tuy có thể sống theo đàn, nhưng mỗi con đều có cá tính, không con nào giống con nào. Cho nên dạy những con chó không thể áp dụng đồng loạt. 11 con chó của tôi không thể đưa chung vào một “lớp học”. Tôi phải dạy chúng theo 11 cách riêng biệt. Sắp tới tôi có thêm 20 con, phải dạy theo 20 cách, 100 con phải dạy theo 100 cách.

Nhiều người khuyên không nên đưa chó vào trường huấn luyện, tôi thấy lời khuyên này có lý. Tất nhiên ở các trường huấn luyện chó người ta cũng dạy từng con một chứ không sắp theo lớp, nhưng phần lớn người ta áp dụng các biện pháp cưỡng bức để đạt hiệu quả theo hạn định. Vả lại, ở trường huấn luyện con chó nghe lời huấn luyện viên (thường là do sợ hãi), nhưng khi trở về chưa chắc nó nghe người nuôi nó với cùng một lệnh.

Điều thứ hai tôi dạy hai con chó là ăn đúng chỗ và đúng lúc. Dạy chó ăn đúng chỗ và đúng lúc là cách bảo vệ nó, để tránh ăn phải bả của những kẻ trộm chó. Chuyện này không khó, chỉ mất ba bốn ngày, với những cái lệnh nghiêm và dễ hiểu. Bạn chỉ cần để đồ ăn đúng chỗ, ra lệnh “ăn”, chúng nó đến ăn, nếu chưa ra lệnh “ăn” mà chúng đến ăn bạn quát “sai” và ngăn lại, nếu chúng tiếp tục làm sai lệnh, bạn phải phạt (nhẹ thôi, không đánh đau). Liên tục trong các bữa ăn đều phải làm như vậy, một cách nhất quán, không khoan nhượng cho đến khi chúng thành thói quen. Vấn đề của tôi là thằng Bim ăn chậm hơn con Tu-ti, khi con Tu-ti ăn xong quay sang bát của thằng Bim ăn tiếp. Khi ấy, thằng Bim lúc nào cũng nhường cho đến khi con Tu-ti ăn, xong nó mới … liếm bát. Con Tu-ti nghĩ nó phải được ưu tiên, còn thằng Bim là một chàng trai “ga-lăng” đáng yêu. Tôi mặc kệ, thỉnh thoảng bù đắp thêm khẩu phần cho thằng Bim một cách khéo léo. Dần dần con Tu-ti cũng tự giác chỉ ăn đúng phần của nó. Con chó không phải cái gì cũng cần được dạy.

Một con chó đi mãi không về
Tu ti và đàn con

Thằng Bim rất hiền lành. Khi mang ra công viên, tôi thường thả xích cho hai đứa tự do, khi gặp những con chó khác thằng Bim bao giờ cũng tỏ ra thân thiện, nhưng nếu con nào xông vào tấn công nó hoặc tấn công con Tu-ti thì Bim nhất định đáp trả, dù con chó đó lớn gấp nhiều lần nó.

Ba năm trước, chúng tôi đưa hai con chó lên cái vườn này. Ban đầu là giữa đồng không mông quạnh không rào giậu. Chúng được thả tự do, đủ sức bảo vệ chúng tôi và tự vệ, chúng không làm điều gì tổn hại đối với hàng xóm xung quanh. Và chúng đã sinh ra những đứa con. Thằng Bim tuy ngoan hiền, nhưng bản tính … mê gái. Nó đã lén đi nửa cây số tìm bạn tình, kết quả là con chó cái của nhà kia sinh ra được hai con chó xoáy vện rất đẹp. Dạy chó không đi hoang để tìm bạn tình là điều không thể, đừng cố gắng mất công. Tôi biết nó đi hoang mỗi khi có con chó cái ở đâu đó động dục, phải rào lại khu vườn mới ngăn lại được, nhưng đã không kịp nữa. Một hôm, nó đi từ trưa. Đến tối không về. Tối hôm sau cũng không về. Và nó không bao giờ về nữa. Bắt trộm thằng Bim rất khó, nó không ăn bả, nó rất cảnh giác với người lạ, kẻ trộm chỉ có thể bắt khi nó dính với một con chó cái nào đó mà thôi.

Từ hôm ấy, thằng Chuối, con trai nó hàng ngày vẫn nằm dưới gốc phượng chờ đợi, suốt một năm nó vẫn ra nằm đó ngóng ra đường, ngày cũng như đêm. Mỗi lần tôi gọi Bimmmm…, thằng Chuối và con Tu-ti vểnh tai lên, ngoắt đuôi, nhưng không có Bim đâu cả. Giờ thì mỗi khi đi dọc theo quốc lộ này, tôi vẫn nhìn những con chó, trên đường, trong sân vườn nhà người khác, mong được thấy thằng Bim , vẫn hy vọng nó còn sống ở đâu đó với người tốt bụng. Và thỉnh thoảng tôi ra đường gọi Bimmmm… mà lòng thắt lại.

(còn tiếp)

Hoàng Hải Vân

>> Ký sự Người nuôi chó - Kỳ 1 : Trở thành “con đầu đàn”
>> Chó là người bạn tốt nhất của con người
>> Clip chú chó mừng 'cuống quýt' khi gặp chủ nhân sau 2 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.