“Thằng đó con nhà ai?”

19/02/2013 11:35 GMT+7

Sau tết về làng gặp bạn cũ. Nghe anh nói chuyện cũ mà ngẫm ra những điều mới rợi về văn hóa, về đời sống...

Bạn tôi rời làng ra phố ở tuổi 13, học đến đại học rồi đi làm cho nhà nước. Đến ngày nghỉ hưu anh quyết định về làng cũ sinh sống. Tuổi giáp hoa, về làng cũ, lại học được nhiều điều mới mẽ mà lúc nhỏ anh chưa ý thức hết. Anh nghe được hoặc chứng kiến nhiều chuyện và thường kể với tôi: “Một ông trưởng nam nhà kia, sau khi uống rượu trong một bữa tiệc đã dắt nhầm xe của người khác. Những người dự tiệc kéo đến nhà anh tri hô, cho rằng anh ăn cắp. Có kẻ hiềm khích, nâng “quan điểm” rằng trưởng nam chi tộc nhà này tham lam, làm xấu cả họ! Tình ngay lý gian, anh cứng họng. Mấy hôm sau, nửa đêm anh gọi người em kế sang nhà, trao lại phổ hệ và căn nhà thờ cho người em. Anh dắt vợ con bỏ làng ra đi. “Anh nhục cũng được, nhưng chi tộc mình không có lỗi. Anh không xứng đáng làm trưởng nam nữa! Chú hãy thay anh…”

Một anh nọ vừa lấy vợ, dồn tất cả tiền của dành dụm và vay mượn để dốc hết vào trồng cả vạn cây thuốc lá, thuê người làm. Nhưng xui rủi cho anh, ba mùa thuốc liên tiếp đều mất trắng. Thiếu nợ không trả được, xấu hổ với anh em, bà con, anh phải dắt vợ con bỏ làng đến một tỉnh phía nam, nhiều năm sau mới quay về xin lỗi và trả nợ…

Đó là nói chuyện thời trước. Thời nay, nhiều tộc họ có con cháu đỗ đại học, trên đại học đều được hội đồng các gia tộc mời về làm lễ ở nhà thờ, tổ chức vinh danh, tặng thưởng trước bà con và các học sinh, sinh viên lớp dưới. Cha mẹ các em cũng được tiếng thơm là tuy nghèo mà biết dạy dỗ con cái. Nhưng cũng có cảnh trái ngược lại, có con em nhà kia hư hỏng, trộm cắp, công an xã đã mời cả làng ra nhà văn hóa thôn chứng kiến việc kiểm điểm. Mấy đứa trẻ phạm pháp và cha mẹ phải hứa trước làng, trước chính quyền không tái phạm mới được tha về. Khi ra khỏi nhà văn hóa thôn, cả cha mẹ và mấy đứa con hư đều cúi gằm, không dám nhìn chung quanh. Sau đó mấy đứa nhỏ này đã đi học nghề, ngoan hẳn.

Chúng ta đều biết mặt trái của đô thị hóa là làm cho từng con người mỗi ngày càng trở nên vô danh: Không ai biết anh ta, nên ra đường anh ta mặc sức chửi thề, phóng nhanh vượt ẩu, lừa đảo, cướp giật, đâm chém… Ở thôn quê đỡ hơn nhờ có họ tộc, chòm xóm canh chừng, cảnh giác, nên họ không dám vượt qua các giới hạn đó. Bạn tôi kể, anh thường thấy những người lớn đưa ra câu hỏi ở chỗ đông người: “Thằng đó con nhà ai vậy?”, mỗi khi thấy một đứa trẻ văng tục, chạy xe ẩu hoặc đánh lộn…

Anh nói với tôi: Ở làng người ta chỉ cần nói ba chữ “Con nhà ai?” thôi thì mỗi cá thể không chỉ đã được định vị vào không gian sống của anh ta, mà còn cung cấp nhiều thông tin hơn nữa cho cộng đồng. "Thằng đó là con nhà ai?" - Người làng hỏi mà cũng là để xác định nhân thân của mỗi cá nhân. Điều đó, khiến anh không thể là một cá thể vô danh! Do đó nếu chưa tốt thì cũng ít dám làm điều gì xấu, ảnh hưởng đến gia đình, gia tộc…

Ngẫm ra, văn hóa và ứng xử văn hóa nhiều khi rất đơn giản, gói gọn trong vài từ, nhưng nó chứa đựng trong đó bao nhiêu là vốn quý của mỗi cộng đồng.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.