Lao động trẻ làm gì để hòa mình vào xu thế mới?

Vũ Thơ
Vũ Thơ
16/05/2024 08:00 GMT+7

Người lao động trẻ phải xung kích thay đổi và sáng tạo. Đó là chia sẻ của các đại biểu tại tọa đàm về giải pháp phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích, sáng tạo, nâng cao tay nghề, năng suất lao động của thanh niên công nhân.

Sáng 15.5, T.Ư Đoàn tổ chức tọa đàm với chủ đề "Giải pháp phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích, sáng tạo, nâng cao tay nghề, năng suất lao động của thanh niên công nhân trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đất nước".

Anh Ngô Văn Cương phát biểu tại diễn đàn

Anh Ngô Văn Cương phát biểu tại diễn đàn

BẢO ANH

Tọa đàm diễn ra tại Hà Nội và 64 điểm cầu trực tuyến, với sự tham dự của anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đoàn.

Phải thay đổi cách nhìn

Phát biểu tại tọa đàm, anh Ngô Văn Cương cho biết Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân VN hiện đại, lớn mạnh. Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đó thì không chỉ doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với bối cảnh mới hiện nay, mà người lao động cũng phải xung kích thay đổi, sáng tạo cách làm, để có thể thích nghi và thay đổi trong công việc, hòa mình vào xu thế mới.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã đề xuất cơ chế, chính sách, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong công tác mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt tại khối doanh nghiệp ngoài nhà nước. Anh Nguyễn Hiếu Trung, Phó bí thư Tỉnh đoàn Đồng Nai, cho biết Đồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp đang đầu tư xây dựng hạ tầng. Số công nhân trong độ tuổi thanh niên chiếm hơn 40% tổng số công nhân lao động.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi sản xuất công nghiệp VN nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng phải nhanh chóng chuyển đổi số để thích nghi với yêu cầu mới của sự phát triển.

Để đáp ứng những yêu cầu đó, lao động trẻ phải là những người tiên phong thay đổi cách nhìn, cách làm, sáng tạo, thích nghi tốt nhất với quá trình chuyển đổi số. "Đó không chỉ là quá trình tự thân của người lao động, mà còn có trách nhiệm của doanh nghiệp và sự vào cuộc của tổ chức Đoàn thanh niên trong việc đồng hành, hỗ trợ thanh niên công nhân để các bạn tiếp cận khoa học công nghệ, nâng cao tay nghề trong công việc hằng ngày", anh Trung nhấn mạnh.

Nâng cao kỹ năng và đào tạo

Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ về vấn đề lao động, việc làm và sự chuẩn bị của thanh niên công nhân trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Anh Phan Quang Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn thanh niên Bộ Công thương, cho rằng VN tham gia vào các hiệp định thương mại tự do là tăng cơ hội việc làm cho người trẻ. Tuy nhiên, để thích ứng với môi trường làm việc mới, người lao động trẻ cần phải nâng cao kỹ năng và đào tạo. "Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với hệ thống giáo dục và đào tạo của VN. Cần có sự đầu tư đáng kể vào giáo dục và đào tạo để đảm bảo cho người lao động trẻ có thể thích nghi và phát triển trong môi trường lao động mới", anh Nghĩa nói.

Anh Nguyễn Hiếu Trung chủ trì và các đại biểu tham gia diễn đàn tại điểm cầu Tỉnh đoàn Đồng Nai

Anh Nguyễn Hiếu Trung chủ trì và các đại biểu tham gia diễn đàn tại điểm cầu Tỉnh đoàn Đồng Nai

BTC

Theo anh Nghĩa, đối với người lao động trẻ, việc tham gia vào các tổ chức như Đoàn thanh niên có thể mang lại nhiều lợi ích. "Đoàn thanh niên không chỉ là nơi để xây dựng mối quan hệ xã hội mà còn là môi trường để họ phát triển kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp và làm việc nhóm. Thông qua việc tham gia vào các hoạt động của Đoàn, họ có thể tạo ra cơ hội gặp gỡ, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với những người cùng trang lứa, từ đó phát triển bản thân và tìm kiếm cơ hội mới trong sự nghiệp", anh Nghĩa nêu quan điểm.

Các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích, sáng tạo, góp phần nâng cao tay nghề, năng suất lao động của thanh niên công nhân trong quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đất nước.

Anh Lê Hoàng Minh, Ủy viên Ban thường vụ Thành đoàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, chia sẻ trung tâm đã có mô hình Khu lưu trú văn hóa thanh niên công nhân, nhằm tạo môi trường kết nối thanh niên công nhân ngoài nơi làm việc, kết nối các chủ khu lưu trú trong đồng hành hỗ trợ công nhân. Trung tâm cũng thành lập lực lượng thanh niên công nhân nòng cốt tại các khu lưu trú văn hóa nhằm tuyên truyền sâu rộng các hoạt động của trung tâm đến với công nhân, đồng thời nắm được tâm tư, nguyện vọng của thanh niên công nhân…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.