Lỗ hổng an ninh hàng không: Bất cập cơ chế quản lý sân bay

17/12/2018 09:02 GMT+7

Không chỉ các sự việc gây rối, hành hung nhân viên tại sân bay, tình trạng vi phạm an toàn bay, tĩnh không tại khu vực sân bay hay hạ tầng xuống cấp cũng đang kéo theo nhiều nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Thống kê của Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết năm 2016 và trong quý 1/2017, đã có 19 trường hợp uy hiếp an toàn bay qua các hành vi như thả diều, chiếu đèn laser vào buồng lái máy bay.
[VIDEO] Nữ nhân viên bị hành hung ở sân bay Thọ Xuân
Tháng 3.2017, Cục Hàng không đã tái đề xuất Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Đề xuất trên từng được đưa ra 2 lần trong năm 2016, đều chưa nhận được cái gật đầu của Bộ GTVT.
Đến những tháng đầu năm 2018, sau khi xảy ra nhiều trường hợp hy hữu như chó chạy rông trên đường băng, khách lên nhầm chuyến, bị cấm vẫn được bay đi Nga, người tâm thần trèo rào lên tận máy bay... ACV đã phải tự chi khoảng 1.523 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị an ninh, khẩn nguy, thiết bị phục vụ mặt đất, nhà ga và hệ thống thông tin.
Gần đây nhất, tình trạng xuống cấp trầm trọng của 2 đường cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Nội Bài (Hà Nội) tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay cũng đã được ACV nhiều lần “kêu than” nhưng do vướng cơ chế, vấn đề đặt ra từ đầu năm đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cụ thể, sau khi cổ phần hóa, nhà nước vẫn nắm hơn 90% cổ phần chi phối nên các tài sản khu bay vẫn thuộc quản lý của nhà nước, không thuộc quản lý của ACV. Vì vậy, mọi hoạt động sửa chữa, đầu tư ACV đều phải xin ý kiến, dựa theo cơ chế sử dụng ngân sách của nhà nước.
Trong khi đó, theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1332, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT chỉ còn 10% dự phòng để giải quyết các tồn đọng. Nguồn thu từ hoạt động khai thác tài sản khu bay thì phải thực hiện theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và chưa cân đối đủ để thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo, nâng cao năng lực mà ACV đề xuất.
Tiền ngân sách không đủ, cơ chế giao cho ACV quản lý khai thác hạ tầng khu bay cũng vẫn đang trong quá trình được Cục Hàng không VN xây dựng đề án trước khi trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt, ACV có tiền, muốn cũng không làm được.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không - Trường đại học Bách khoa TP.HCM, đánh giá cơ chế điều hành, quản lý sân bay như hiện nay quá bất cập. ACV là đơn vị được giao sử dụng và khai thác khu bay nhưng lại không có quyền đầu tư và nâng cấp khi xảy ra hư hỏng.
Đơn cử khi một tường rào hỏng, chó, mèo... lọt vào đường băng, ACV quản lý, chịu trách nhiệm về an ninh, an toàn của sân bay, có “sốt ruột” cũng không thể tự bỏ tiền ra làm ngay lại cái tường rào khác. Muốn làm phải xin ý kiến, chờ chỉ đạo theo đúng quy trình, rất mất thời gian và thiếu khoa học.
“Đặc biệt, trong trường hợp cần cải tạo, nâng cấp đường băng tại 2 sân bay lớn nhất nước, ngân sách nhà nước không đủ, ACV có tiền, muốn làm mà không được làm, như vậy quá vô lý”, ông Tống nói và cho rằng mọi vấn đề quản lý hoạt động khai thác của sân bay nên quy về một mối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.