Tùng Dương chưa thể bình thản

17/09/2013 05:20 GMT+7

Tùng Dương giờ đã khác xa ngày mới xuất hiện với Ôi quê tôi ở Sao Mai - Điểm hẹn 2004. Khi đó khán giả chia hai nhóm cực yêu và cực ghét, cách nhau cả thăm thẳm vực sâu. Giờ đây, người hâm mộ Dương như cơn gió xoáy cứ cuốn và hút, rồi lại mở rộng mãi ra...

Tùng Dương chưa thể bình thản
Ca sĩ Tùng Dương - Ảnh: Ngọc Thắng

Khi Tùng Dương xuất hiện lần đầu ở Sao Mai - Điểm hẹn gần  10 năm trước, anh hơi nhợt nhạt, ria mép mờ, tóc hơi dài thoáng thô cứng. Áo quần lùng thùng kỳ kỳ cục cục. Còn khúc phiêu mang âm hưởng dân ca với Ôi quê tôi thì rất mới, rất kỳ. Nó còn mới hơn, kỳ hơn trước những con mắt quen với những mùa Sao mai rất tròn trịa, rất cần an toàn trước đó, bất chấp việc điểm hẹn Sao mai đòi hỏi cá tính hơn hẳn. “Thực ra ở thời điểm đó Tùng Dương hát không tiết chế và say đắm như bây giờ”, nam ca sĩ nhớ lại.

Ôi quê tôi lúc đó không khoe khoang nhưng cũng đã lộ rõ nội lực của Tùng Dương - giọng nam cao với quãng rộng hiếm thấy, thỉnh thoảng lại phả hơi hướm của giọng nam trung. Tuy nhiên, cống hiến những nốt cao và khó của Dương lại khiến họ rơi vào cảm giác nặng nề, khó tạo gắn kết thật tự nhiên. Thậm chí nhiều năm sau, khi hát Mưa bay tháp cổ - bài hát đã đưa cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ lên bục nhận giải Bài hát yêu thích, Dương vẫn không thoát hẳn được sự rắc rối ngầm trong thể hiện này. Mưa bay tháp cổ ngoài sự phô diễn giọng hát không dễ được đồng thuận, còn có cả phần vũ đạo mà Dương phiêu quá cả lên đồng. Nhưng khi đó chính nhạc sĩ Trần Tiến cũng không bằng lòng. “Ông là người yêu cầu cao. Ông nói thẳng với Tùng Dương là bài này cháu hát chưa được”, Tùng Dương nói.

 

 Muốn làm gì thì làm, không đam mê thì sớm muộn gì cũng rời bỏ con đường đó. Kể cả tình yêu cũng thế

Sau Mưa bay tháp cổ, Tùng Dương trầm đi, ít “phá” hơn. Rồi anh hát cả nhạc xưa, jazz, nhạc thể nghiệm… Tới giờ Tùng Dương là cái tên bảo đảm doanh thu phòng vé mà các bầu show luôn trìu mến mời. Nhưng anh vẫn thấy mình chưa đi hết quãng đường mình cần trải…

Những đêm nhạc, đĩa nhạc thử nghiệm yếu tố mới không phải lúc nào cũng được khán giả đón chờ. Họ thậm chí còn thờ ơ, hay chê trách. Tại sao Tùng Dương thay đổi dòng nhạc mới mà khán giả vẫn chịu được?

Khán giả khi đến với âm nhạc của Tùng Dương thì thường không ngại cái mới nữa. Thậm chí với Dương thì họ lại đòi hỏi cái mới cơ. Tôi có lớp khán giả hơi cực đoan một chút, giống với ca sĩ.

Theo thời gian, Tùng Dương vẫn thử nghiệm và vẫn hát cả nhạc xưa?

Tôi nghĩ tại sao mình lại không đáp ứng với nhiều khán giả hơn. Tùng Dương à, hát thì hay nhưng chọn bài khó nghe quá. Nên nếu đã hát hay thì có thể chọn bài dễ nghe một chút để có thể thỏa mãn cả số khán giả chưa yêu mến cách hát quái của Tùng Dương.

Tùng Dương đã bao giờ thống kê tỷ lệ nhạc xưa - nhạc mới mình hát chưa?

Chả phải thống kê đâu mà Dương đã thể hiện nó trong những mini show của mình, hoặc là chương trình phòng trà, hội nghị. Hát một nửa nhạc xưa thì khán giả vẫn khoái hơn chỉ hát nhạc nay. Thích nhạc xưa, và tới nhạc nay thì tay chân họ cũng đều múa, lên đồng theo Dương.

Mỗi khán giả sẽ tìm điểm ưa thích trong đêm diễn của Dương. Có khán giả thích ở điểm ma mị. Có khán giả thích điểm hát hăng say hết mình. Người lại thích vẻ lãng mạn. Chừng ấy đủ động lực cho Dương muốn mở rộng thêm không gian âm nhạc của mình, không gian còn bao hàm cả lượng khán giả nữa. Nếu người thích bạn đông hơn, ngày một đông hơn, bạn sẽ tin tưởng vào sáng tạo của mình hơn khi thị trường còn mơ hồ.

Đêm nhạc Trịnh của In the spotlight, ca sĩ Tuấn Ngọc kể chuyện trước đêm diễn đã dặn cấm Dương không quái, không phiêu quá. Có bao nhiêu phần trăm sự thật ở đó?

Đấy là cách đưa đẩy đáng yêu của người gạo cội như anh Tuấn Ngọc - một người có sức hút giao lưu với khán giả thôi. Nói thế để khán giả yên tâm hơn là Tùng Dương không phải lúc nào cũng lên đồng. Tức là dặn Dương nếu hát vừa vặn thì khán giả sẽ yêu con lắm.

Tùng Dương đã “hỏng” lần nào rồi?

Chẳng hạn bài Mưa bay tháp cổ. Mình làm quá đi so với hình dung của chú Trần Tiến. Ông nói ngay Quê nhà cháu hát hay nhưng Mưa bay tháp cổ thì cháu hát chưa hay. Qua thời gian, Dương đã tiết chế lại, ngày càng hoàn thiện hơn trong xử lý, tiết chế hơn để không bị quái quá. Cuối cùng bài hát đó vẫn được nhắc đến liền với tiếng hát Tùng Dương.

Dương hát lúc đầu thì một màu, sau lại quá nhiều màu, rồi giờ tiết chế được. Điều chung nhất trong các tác phẩm của Dương là gì?

Mọi album của Dương đều có tính tư tưởng, thông điệp trong đó. Với Khối lập phương Đỗ Bảo cùng Dương vẽ chân dung đa chiều của các nhân vật trong cuộc sống. Gửi gắm bĩ cực và cào xé bản ngã. Li ti vẽ ra mắt nhìn về cuộc sống bên ngoài.

Sắp tới, Tùng Dương sẽ ra album cùng anh Nguyên Lê - một nhân cách nghệ sĩ hiếm có. Trong đĩa mới Độc đạo này, Dương gửi tới triết lý về con đường duy nhất để thành công, nhất là với người nghệ sĩ. Đó là sự đam mê. Muốn làm gì thì làm, không đam mê thì sớm muộn gì cũng rời bỏ con đường đó. Kể cả tình yêu cũng thế.

 Tùng Dương chưa thể bình thản

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Trinh Nguyễn

>> Sáng tạo vì Khát vọng Việt: Giữ được đất sẽ giữ được làng
>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
>> Trương Gia Bình: Khát vọng công nghệ
>> Nguyễn Trinh Thi: Độc lập để sáng tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.