Nên giao quân đội hay công an quản lý an ninh trật tự biên giới?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/06/2020 14:55 GMT+7

Đại biểu Quốc hội đề xuất giao lực lượng công an chủ trì quản lý an ninh, trật tự khu vực biên giới để tránh chồng chéo, song nhiều ý kiến không đồng tình.

Thảo luận luật Biên phòng sáng nay, 19.6, đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, dự thảo luật chưa quy định rõ lực lượng chủ trì nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, chưa đảm bảo nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Dẫn quy định từ luật Công an nhân dân nêu rõ, công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đại biểu Tín cho rằng, việc dự thảo luật quy định giao cho bộ đội biên phòng nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
"Đề nghị chỉ nên quy định theo hướng bộ đội biên phòng có nhiệm vụ phối hợp với công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới”, đại biểu đoàn Đắk Nông nêu quan điểm.
Tuy nhiên, hàng loạt ý kiến sau đó không đồng tình với đại biểu Tín. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) không đồng tình giao cho công an quản lý an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới. Theo đại biểu Bộ, giữ gìn hay duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới hoàn toàn khác với ở trong nội địa. Bởi vì nhiệm vụ này không thể tách rời và luôn luôn là một phần của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, nhiệm vụ này cần được giao cho quân đội, mà thực chất là bộ đội biên phòng.
Đại biểu đoàn An Giang cũng cho rằng, nếu giao nhiệm vụ này cho công an thì sẽ trái nghị quyết của Đảng và công an phải tăng cường rất lớn.
Tương tự, đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên - Huế) dẫn quy định trong luật Biên giới quốc gia, luật An ninh quốc gia, cũng như luật Quốc phòng khẳng định, Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành giữ gìn an ninh trật tự toàn bộ biên giới.
Đại biểu Hạnh cũng cho rằng, thực tế, bộ đội biên phòng phối hợp rất tốt với lực lượng công an và lực lượng khác giữ gìn an ninh biên giới, nên quy định như dự thảo luật không có gì vướng mắc.
Tuy nhiên, thảo luận sau đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) dẫn thực tế tại Đồng Tháp cho biết, có sự chồng chéo trong việc giải quyết an ninh trật tự, an toàn xã hội giữa công an xã ở khu vực biên giới và biên phòng khi rất nhiều vụ việc về an ninh trật tự người dân báo công an xã chứ không báo biên phòng.
“Công an xã nói đây là nhiệm vụ của biên phòng, vì giữ nhiệm vụ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là của biên phòng, công an xã chỉ được phối hợp, cho nên có sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau giữa biên phòng và công an”, đại biểu Hòa nói, và cho rằng đây cũng là vấn đề cần cân nhắc.

Bộ đội biên phòng sẽ được kiểm tra phương tiện ở cửa khẩu

Một vấn đề khác cũng gây tranh luận giữa các đại biểu là quy định cho phép bộ đội biên phòng được kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, quy định này còn khá chung chung và có khả năng sẽ có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ với lực lượng hải quan đã được quy định trong luật Hải quan.
“Cần xác định rõ phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của bộ đội biên phòng tránh chồng chéo”, đại biểu Tùng kiến nghị.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, giao bộ đội biên phòng kiểm tra phương tiện tại cửa khẩu sẽ dẫn đến chồng chéo với chức năng lực lượng hải quan

Ảnh Gia Hân

Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, tất cả các hoạt động kiểm tra trên cửa khẩu hải quan là một trình tự thủ tục hành chính, thông qua hoạt động thông quan trên cửa khẩu. Trong khi đó, luật Biên phòng quy định áp dụng các biện pháp này khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới cửa khẩu.
“Tôi khẳng định rằng, giữa 2 hoạt động của 2 lực lượng này không chồng chéo với nhau. Nếu chúng ta chịu khó quan sát trên cửa khẩu sân bay, các cửa khẩu khác, thì cách bố trí để thực hiện nhiệm vụ của 2 lực lượng này hoàn toàn khác nhau”, đại biểu Sơn nhấn mạnh.
Cũng cho rằng 2 lực lượng cùng kiểm tra 1 phương tiện ở trên cửa khẩu song mục đích khác nhau, đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên - Huế) phân tích thêm: “Hải quan kiểm tra hàng hóa, đối chiếu với tờ khai hải quan xem có gian lận thương mại không, có sai về số lượng, chất lượng không. Biên phòng không kiểm tra cái đó, biên phòng kiểm tra về mặt an ninh, phát hiện trên xe đó có giấu vũ khí không, có giấu ma túy không, có giấu tài liệu phản động hay không, mục đích kiểm tra hoàn toàn khác nhau, không chồng chéo nhau”.
Tuy nhiên, không đồng tình với tranh luận này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng, có sự chồng chéo giữa lực lượng biên phòng, hải quan và công an.
“Tôi cho rằng, dùng từ “khi có dấu hiệu sai phạm”, nghe rất mơ hồ. Vì khi kiểm tra phương tiện A, phương tiện B qua biên giới, có dấu hiệu sai phạm, chở đồ đạc lậu, anh dừng lại kiểm tra nhưng khi anh kiểm tra không có thì sao? Nhiệm vụ này của hải quan cũng kiểm tra, của biên phòng cũng kiểm tra”, đại biểu Hòa nêu quan điểm, và cho rằng nếu đưa ra nhiệm vụ này sẽ dẫn đến tình trạng kiểm tra phương tiện qua lại biên giới là tùy tiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.