Chương trình mía đường: Nợ đọng 5.000 tỉ đồng, mất khả năng chi trả

26/05/2006 23:41 GMT+7

Từ năm 2002, với chương trình 5 triệu tấn đường của Chính phủ, cả nước rộ lên phong trào trồng mía, xây dựng nhà máy đường. Nhưng ngay từ khi chương trình được khởi động, tình trạng thất thoát tài sản, nâng khống thiết bị, tham ô đã diễn ra trầm trọng. Kết quả điều tra mới đây đã nêu ra những con số kinh hoàng!

"Mía đắng, đường chua"

Từ năm 2002, cả nước đã xây dựng 44 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế là 82.950 tấn mía/ngày. Tổng số vốn đầu tư, mở rộng, xây dựng mới các nhà máy lên tới 10.050 tỉ đồng, trong đó có hơn 6.677 tỉ đồng thiết bị và hơn 3.372 tỉ đồng xây lắp. Tổng sản lượng đường đạt trên một triệu tấn. Tuy nhiên đến thời điểm này, tình trạng tài chính của các nhà máy đường trên toàn quốc là hết sức thê thảm với số nợ khoảng trên 5.000 tỉ đồng và đa số mất khả năng chi trả.

Trong số nợ này có tới khoảng 1.000 tỉ đồng vay nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp (DN) đã không trả được nợ nước ngoài. Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đã phải đứng ra trả thay khoản nợ bảo lãnh và cho vay nhận nợ bắt buộc của 16 DN trên 17,4 triệu USD. Từ khi bắt đầu chương trình mía đường, đại đa số các DN lâm vào tình trạng thua lỗ triền miên. Đến hết năm 2002, lỗ lũy kế của 36 DN là trên 2.000 tỉ đồng. Rất nhiều nhà máy chỉ sau một vài năm hoạt động đã lỗ trên 50% vốn đầu tư, thậm chí có những nhà máy lỗ trên 100% vốn đầu tư. Nhà máy đường Quảng Bình lỗ 136,6 tỉ/141,1 tỉ đồng vốn. Nhà máy đường Kiên Giang lỗ 170,6 tỉ/161,1 tỉ đồng vốn đầu tư. Nhà máy đường Sơn Dương lỗ 119,6 tỉ/107,8 tỉ đồng vốn đầu tư. Trong số 42 nhà máy đường trên cả nước, chỉ có 29 nhà máy hoạt động trên 80% công suất thiết kế; 8/42 nhà máy đạt từ 50-80% công suất; có tới 5 nhà máy (Cam Ranh, Bình Thuận, Quảng Bình, Trị An, Quảng Nam) đạt dưới 50% công suất.

Tham nhũng hoành hành

Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy hầu hết các địa phương đều tìm cách "thu nhỏ" nhà máy khi lập dự án, giảm mức đầu tư xuống mức rất thấp để có được quyết định thành lập nhà máy. Sau khi có quyết định, được cấp vốn, họ lại xin điều chỉnh mức đầu tư để “thổi phình” nhà máy lên. Phần chênh lệch trong điều chỉnh dự án đã trôi vào túi không ít quan tham cấp tỉnh. Có những dự án nhà máy đường phải điều chỉnh nhiều lần, tăng đến 60%, thậm chí 100% tổng vốn đầu tư: Nhà máy đường Phụng Hiệp tăng từ 134,2 tỉ đồng lên đến hơn 210 tỉ đồng; Nhà máy Linh Cảm tăng từ 98,4 tỉ lên đến 122,6 tỉ đồng; Nhà máy Vị Thanh tăng từ 81,3 tỉ lên đến 173,6 tỉ đồng.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng thì có nhiều nguồn tin phản ánh, trong việc nhập thiết bị của Trung Quốc có sự thông đồng để nâng giá hàng triệu USD trên một dây chuyền. Những thiết bị này của Trung Quốc tuy mới nhưng đã lạc hậu về công nghệ. Cùng nhập thiết bị của Trung Quốc, cùng công suất (1.000 tấn mía/ngày) nhưng giá nhập chênh nhau hàng chục tỉ đồng: Nhà máy đường Sơn La 65 tỉ đồng;  nhà máy ở tỉnh Kon Tum nhập 70 tỉ; Bình Thuận 75,2 tỉ và Trị An là 76 tỉ đồng... Nhiều nhà máy nhập dây chuyền thiết bị của Úc, giá đắt gấp đôi của Trung Quốc, nhưng nhiều năm không hoạt động được như thiết kế, bị lỗ lớn. Nhà máy đường Quảng Nam nhập dây chuyền của Úc trị giá 12 triệu USD, chi phí xây dựng hết 172 tỉ đồng và hiện đang lỗ tới 123 tỉ đồng.

Tại dự án Nhà máy đường Quảng Nam, chủ đầu tư và Ban quản lý nhà máy đã được các đối tác giao máy móc thiết bị cũ, không đúng chủng loại, không đúng danh mục hợp đồng và công suất thiết kế nhưng vẫn tự ý nhận và lắp đặt. Trong khi nhà máy chưa đạt các thông số kỹ thuật, chưa có hồ sơ nghiệm thu kỹ thuật... nhưng chủ đầu tư đã ký biên bản nghiệm thu tạm thời để thanh toán 5% tiền bảo hành cho đối tác. Các hành vi này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 143.830 USD và hơn 1,5 tỉ đồng.

Tại dự án mở rộng Nhà máy đường Quảng Ngãi được Thủ tướng phê duyệt với mức đầu tư 218,736 tỉ đồng, lãnh đạo đơn vị này có hành vi thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước trên 20 tỉ đồng. Ngoài ra, giám đốc đơn vị này còn ký hợp đồng mua của Trung tâm ứng dụng công nghệ mới TP Hồ Chí Minh 4 mô-tơ điện do Nhật sản xuất, theo dự toán là 5 tỉ đồng, nhưng thực tế mua chỉ 2,5 tỉ đồng và dù mua với giá "do Nhật sản xuất" nhưng sau vụ mía đường năm 2001 mới phát hiện xuất xứ các linh kiện là ở... Việt Nam.

Nguyễn Bình - Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.