Nhà giáo cùng bàn chuyện lớn

22/11/2006 22:13 GMT+7

9 người này là những nhà giáo lão thành, từng là nhà quản lý có những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp giáo dục. Họå đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời làm những nhà tư vấn cho Bộ trong hành trình đổi mới giáo dục (Thanh Niên đã đưa tin). Tất cả mới bắt đầu nhưng hãy cùng nghe những ý kiến đầu tiên của họ.

GS Hoàng Tụy cho biết ông rất hoan nghênh chủ trương chống tiêu cực của Bộ GD-ĐT nhưng ông cảm thấy rất buồn khi có nhận định của quan chức cấp cao cho rằng có tiêu cực là do đạo đức của người thầy bị xuống cấp. Theo ông, nhận định như vậy là không đúng mà nguyên nhân sâu xa của tiêu cực chính là ở nghịch lý tiền lương. GS Tụy nói: "Bao nhiêu năm nay thu nhập thực tế của giáo viên nhiều hơn lương. Đó là sự bất bình thường và sự bất bình thường ấy là lý do giải thích cho mọi sự bất bình thường khác !". GS Nguyễn Văn Đạo cho rằng tiêu cực xuất phát chính là từ cơ chế quản lý đã thành hệ thống từ bao nhiêu năm nay, đó là xin - cho. "Có xin-cho thì mới có... phong bì to!" - ông chua xót nói và nhấn mạnh: "Khi nói ra điều đau xót này tôi hoàn toàn đứng về phía Bộ vì mình cũng đã từng làm quản lý trong cơ chế đó. Bây giờ muốn chống tiêu cực thì phải xóa bỏ cơ chế đẻ ra tiêu cực".

GS Nguyễn Văn Đạo cho rằng, Bộ cần quản lý như thế nào để tăng quyền tự chủ của các trường. Bộ chỉ nên làm quản lý nhà nước là sản xuất quy chế, hướng dẫn thực hiện và hậu kiểm chứ không quản lý theo kiểu thủ trưởng của một cơ quan như hiện nay. Ông nói: "Hiện Bộ như một ban giám hiệu của tất cả các trường đại học. Nếu Bộ chỉ quản lý nhà nước thì biên chế có thể giảm một nửa mà lại hiệu quả hơn rất nhiều. Ví dụ: Bộ bắt một trường phải nộp chương trình đào tạo lên để duyệt thì chẳng qua chỉ là "tự lừa dối mình" vì chỉ có hội đồng khoa học mới thẩm định được chứ nhà quản lý làm sao biết được".

PGS Trần Xuân Nhĩ lại có một kiến nghị đặc biệt, đó là Bộ cần phải có bản lĩnh để bảo vệ quan điểm của mình trước những cấp quản lý cao hơn. Ông ví dụ: có nhiều việc ngành giáo dục thấy bất ổn nhưng cứ lấy lý do Chính phủ, Quốc hội đã quyết định rồi thì cứ làm! Ông Nhĩ nói: "Cấp trên cũng có những người chưa thực sự hiểu giáo dục. Bộ phải kiên quyết trình bày quan điểm của mình và phải bảo vệ đến cùng, nếu không đúng thì không làm chứ không thể cứ làm rồi sai thì lại sửa".

Vũ Thơ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.