Đạo diễn Trương Dũng: Chỉ một người hiểu, bầu trời đủ xanh

27/01/2007 11:01 GMT+7

Không phải ai cũng có thể hiểu, chia sẻ với mình những buồn vui trong nghề nghiệp. Nhất là khi sống với cái nghề "phim mình vợ người" này. Hơn 10 năm làm nghề, tôi mất đi vài người bạn thân. Nhưng thôi, dẫu sao thì chỉ một người hiểu ta là bầu trời đủ xanh, đủ cho ta phấn đấu đi tiếp. Dẫu sao thì vẫn còn một điều an ủi: khán giả vẫn bên mình".

Những tâm sự rất chân thành làm lòng người khác chùng xuống. Có khi, với ai đó, hãy đến gần, theo kiểu làm quen của cậu hoàng tử nhỏ với chú cáo trong Hoàng tử bé của Saint Exupery: "Hãy làm quen với tôi lần nữa".

Sau lưng là khán giả

Từ vùng đồi núi thơ mộng với thông reo vi vu và suối hát lời thở than - Đà Lạt - Trương Dũng tạm biệt quê nhà, đến Sài Gòn để mong thành đạo diễn. Học xong khóa đạo diễn sân khấu, anh chuyển sang học đạo diễn điện ảnh. Đến năm cuối tốt nghiệp thì: "Đó là thời điểm khó khăn, các bạn đi học theo diện nhà nước thì có được hỗ trợ tiền làm bài thi tốt nghiệp, còn mình... Thế nên mình đã bỏ không làm tốt nghiệp".

Từ phim đầu tay Sợi dây chuyền định mệnh đến nay, dường như cái tên Trương Dũng luôn gắn với những bộ phim ăn khách. Chính những kinh nghiệm từ thời làm phim "mì ăn liền" với Em không thể xa anh, Cô lái taxi, Cô nữ sinh bướng bỉnh, Sút dzô, Mãi mãi tình hồng... đã giúp cho Trương Dũng có "lưng vốn" hiểu biết về thị hiếu khán giả. Giữa lúc phim nghệ thuật ra rạp vắng khách thì năm 2005, Lấy vợ Sài Gòn của anh đem về cho Hãng Giải Phóng hơn 5 tỉ đồng.

"Theo anh thì công thức nào để phim Việt kéo khách đến rạp?", tôi hỏi. Anh trầm ngâm một lúc rồi thận trọng trả lời: "Không chắc lắm. Nhưng về đại thể thì vấn đề quan trọng là phải tiếp cận được khán giả. Theo tôi, khán giả cần tiếng cười dí dỏm, những tình huống vui vẻ, gây thích thú. Cùng lúc đó, tình cảm con người thể hiện đậm nét, có chút gì đó lãng mạn".

Cùng với thành công về doanh thu của phim Gái nhảy, dòng phim "mì ăn liền" ngày trước xem như đã trở lại. Nhà làm phim hồ hởi nhưng sự thật đáng buồn là mỗi năm vẫn chỉ có một mùa phim Tết mà thôi. "Với tư cách một đạo diễn ăn khách của dòng phim thị trường trước đây, anh đánh giá thế nào về sự tồn tại của phim thị trường hiện nay?". Anh cười: "Không dám gọi là đánh giá, chỉ có chút ý kiến nhỏ. Theo tôi, phim thị trường hiện nay đang được nâng cấp cao lên, khán giả đến xem phim có chọn lọc". Tôi hỏi tiếp: "Nếu buộc phải chọn giữa phim thị trường và phim nghệ thuật, anh sẽ chọn loại nào?". Trương Dũng lại cười - cái cười có phần đắn đo, suy tính - và trả lời: "Dĩ nhiên, chẳng ai muốn chọn. Mình muốn dung hòa cả hai: phim có khán giả nhưng phải nghệ thuật chứ không chỉ câu khách thuần túy. Nhưng cuối cùng, nếu bạn vẫn quyết liệt bắt tôi chọn thì tôi sẽ làm phim thế nào để có khán giả".

Văn chương chắp cánh cho phim

"Khá nhiều phim ngắn của Trương Dũng được chuyển thể từ truyện ngắn. Trong đó, Nguyên Hương có đến 2 truyện ngắn. Vì sao như thế?", tôi thắc mắc và được anh lý giải: "Văn chương không chỉ tô điểm cho tâm hồn và cảm xúc của con người thêm giàu có mà còn giúp cho điện ảnh có thêm đôi cánh. Mình thích làm phim có kịch bản chuyển thể từ truyện là vì tác phẩm văn học rất cô đọng, những cảm xúc sâu lắng, giàu tính triết lý. Dĩ nhiên, khi làm phim, mình phải thêm vào các chi tiết cho phim đầy đặn từ cái tứ của truyện. Mình thích văn của Nguyên Hương. Cô ấy sống vùng sâu, vùng xa, mình cảm thấy đồng cảm với những gì cô ấy viết vì nó dung dị, gần gũi với suy nghĩ của mình".

Những bộ phim ngắn của Trương Dũng: Gấu cổ trắng, Hương bắp, Dòng suối không cầu, Bông dừa cạn đều đọng lại một dư vị đằm thắm, có chút gì rất dịu dàng. Xem phim, có thể chia sẻ tình yêu cuộc sống, yêu thiên nhiên của đạo diễn qua những hình ảnh cảm động, giàu ý nghĩa triết lý.

Nói đến thiên nhiên, ánh mắt Trương Dũng sáng lên. Tôi vặn vẹo: "Sao anh hay đưa những con vật vào phim thế? Gấu này, heo mọi này... Mốt chăng?", anh cười: "Không đâu, mình thích đưa con vật vào phim và thậm chí cho nó làm trung tâm nữa là vì một lý do khác. Để mình kể bạn nghe một câu chuyện bên lề nhé! Có lần, mình thấy một ông Tây đi ngang quán bán thịt động vật hoang dã, ông ấy phun một bãi nước bọt khi thấy người ta làm thịt một con khỉ trước quán. Nhìn cảnh ấy, thấy chạnh buồn...".

Có lẽ, chính vì nỗi buồn và chút tự ái dân tộc ấy mà Trương Dũng đã làm những bộ phim truyền hình có hình ảnh các con vật hoang dã, "Chỉ mong góp chút sức mình vào việc bảo vệ thiên nhiên mà thôi...”. Dĩ nhiên, còn phải kể đến quãng đời thơ ấu sống ở vùng cao nguyên, giữa thiên nhiên tuyệt đẹp cũng đã tạo cho anh một tình yêu khác biệt với cỏ cây: "Thiên nhiên cần phải được gìn giữ và trân trọng. Nếu con người xâm hại nó, sẽ có ngày phải trả giá".

Phía trước: Chuông reo là bắn

Câu chuyện đi lòng vòng cuối cùng vẫn quay lại bộ phim Chuông reo là bắn của anh sẽ được trình làng vào dịp Tết này. 

* Trở lại với Chuông reo là bắn, làm phim nhà nước chắc không lo về doanh thu?

- Bạn nói vậy là chưa hiểu. Đây là phim đặt hàng của Nhà nước với kịch bản được Cục Điện ảnh duyệt. Mình nhận phim với nhuận bút nhà nước - bạn biết rồi đấy (cười) - và thêm yêu cầu từ hãng là phải có khán giả. Nếu phim có khách, mình mới có thù lao thêm. Không thì...

* Khi nhận phim, anh có băn khoăn không? So với Võ lâm truyền kỳ, Trai nhảy, ngân sách dành cho tiếp thị của hãng Giải Phóng sẽ không thể bằng và từ đó...?

- Mình suy nghĩ ghê lắm chứ. Áp lực ghê lắm nhưng... cuối cùng vẫn nhận.

Cảnh trong phim Chuông reo là bắn. Ảnh: Hãng phim Giải phóng

* Kinh phí cho bộ phim này là bao nhiêu, thưa anh?

-  Khoảng trên dưới 2 tỉ đồng, do làm hậu kỳ ở Thái Lan nên cũng khá tốn kém.

* Trong phim có khá nhiều cảnh "mát mẻ”, lại thêm những tấm hình "gợi cảm", có cần phải như thế để "câu khách"?

- Nếu câu khách sẽ có nhiều cách chứ không chỉ dùng "mát mẻ". Các cô gái không bị ghép hình, tung hình nude lên mạng thì sẽ không bức xúc đến mức như vậy. Mình chỉ muốn chuyển một thông điệp đến khán giả và mình tin là sẽ được đồng cảm: Hãy làm cho internet trở thành bạn của mọi người vì tiện ích của nó chứ không phải thành phương tiện để cho  những kẻ xấu ám hại người khác!

* Tôi thấy cặp Minh Thư -Nguyên Vũ thường xuất hiện trong phim anh. Họ là "gà" của anh chăng?

- Họ có tác phong rất chuyên nghiệp, hòa đồng với anh em, luôn đúng giờ và rất kỷ luật. Từ góc độ nghề, mình thấy họ diễn xuất đạt yêu cầu. Hơn nữa, Minh Thư cũng là một gương mặt ăn khách. Bạn có đồng ý không?

Bỏ lại những thước phim và căng thẳng chốn phim trường, Trương Dũng trở về tổ ấm. Nơi ấy có người vợ mà anh tự hào giới thiệu là "nguồn cung cấp chi tiết cho phim mình" vì chị đọc rất nhiều sách, truyện. Nơi ấy có cô con gái 7 tuổi, học giỏi, viết chữ đẹp, đàn rất hay mà anh rất đỗi cưng chiều. Tối đến, bố dạy con làm toán, mẹ dạy con làm văn. Tiếng cười rộn rã...

Thi Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.