Sói biển trên vịnh Nha Trang

12/02/2007 16:05 GMT+7

Năm 1995, Jean Pierre - một công dân có quốc tịch Pháp đã du nhập loại hình du lịch lặn biển vào vịnh Nha Trang. Ông là người đầu tiên đặt nền móng cho loại hình du lịch này tại Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung. Chiều cuối năm, với bao bộn bề công việc, ông Jean Pierre, người mang biệt danh Sói biển đã hào hứng kể lại những ngày tháng "tung hoành" dưới đáy biển.

Biển là nhà

Với kinh nghiệm trên 30 năm lặn biển khắp thế giới, người có biệt danh Sói biển này đã mở đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm, những lý do gắn bó cuộc đời ông với những ngày tháng lênh đênh trên biển. "Lần đầu tiên tôi được lặn xuống biển cách đây hơn 35 năm. Một cảm giác hồi hộp xen lẫn thích thú đã giúp tôi có một chuyến đi lặn thật tuyệt vời. Hình ảnh những bầy cá đang bơi, những con tôm hùm nằm trong kẽ đá, những cụm san hô lắc lư như múa... dưới đáy đại dương thật đẹp đã in sâu vào tâm trí tôi". Sau những đợt làm việc vất vả, kỳ nghỉ của ông là những ngày cùng bạn bè khám phá sự huyền bí của biển sâu từ Đại Tây Dương qua Ấn Độ Dương, từ Địa Trung Hải đến những hòn đảo ở Trung Mỹ. Và mỗi đợt đi lặn là những kỷ niệm không thể nào quên được. Jean kể: "Đáy biển rất đẹp, mỗi nơi có ấn tượng riêng, cảnh đẹp không diễn tả hết được. Tôi đặc biệt ấn tượng đến những đáy biển ở khu vực Biển Đỏ. Những địa điểm lặn cực kỳ đẹp và ngoạn mục như ở Ras Mohammed, Elphinstone, The Brothers, đảo Rocky ở Ai Cập hay Blue Whole, Hondurat... luôn hấp dẫn bất cứ người lặn nào dù bạn đã lặn nhiều lần, nhiều nơi khác trên thế giới. Nếu được lặn xuống đáy biển ở khu vực này bạn mới thấy được sự diệu kỳ của thiên nhiên, đáy biển lồi lõm, những con cá mập lạnh lùng bơi ngang qua trên đầu bạn hay những con tôm hùm màu đỏ rực bơi qua lại trong các kẽ đá. Khi đang đi dưới độ sâu khoảng gần 60 mét, bất ngờ bạn sẽ gặp vực sâu thăm thẳm với vô số các loài cá lớn, tảo và san hô... Đây chính là nơi thử thách sự gan dạ, bản lĩnh cũng như kỹ thuật của người lặn bởi càng xuống sâu áp suất càng lớn, tâm lý không vững thì dễ xảy ra chuyện không hay". Nói về Jean, anh Jeans Guendel - một hướng dẫn viên lặn biển người Đức đã phải thốt lên: "Đó là một "con sói biển" thật sự. Ông ấy có thể nói say sưa cả ngày về biển, có thể kể tường tận bất cứ một điểm đặc biệt ở một điểm lặn nào đó trên thế giới. Chúng tôi học được nhiều kinh nghiệm khi làm việc cùng với ông". Nhận xét về các địa điểm lặn ở Việt Nam, Jean Pierre cho rằng đáy biển Việt Nam tuyệt đẹp, nhiều nơi như Phú Quốc, Côn Đảo, Hội An... đủ điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình lặn khám phá này. Riêng Khu bảo tồn biển Hòn Mun (vịnh Nha Trang) với hệ sinh thái biển trên 300 loài san hô đang sinh sống và có mặt hầu hết các loài sinh vật biển vùng nhiệt đới là một trong những điểm lặn lôi cuốn du khách nhất.

Duyên nợ Việt Nam!


Jean Pierre

Hơn 12 năm về trước, trong một lần du lịch đến Việt Nam, Jean phát hiện tại biển Nha Trang có một điểm lặn tuyệt vời, đó là Hòn Mun. Trở về nước, ông dẫn theo vợ và mang theo những thiết bị lặn mà những người cho thuê thuyền du lịch trên biển Nha trang nói là "ông ta mang theo những thiết bị giống như những hình ảnh chương trình Discovery được phát sóng trên tivi"... Ông Jean Pierre kể: "12 năm trước tôi phát hiện biển Nha Trang rất đẹp, có quần thể sinh thái biển đa dạng rất phù hợp để mở các câu lạc bộ lặn và ở đây chưa hề có dịch vụ lặn biển. Tôi là người có Intrucstor (một loại bằng cấp của Hiệp hội lặn biển quốc tế) đến Việt Nam vào năm 1994 và đã mở câu lạc bộ lặn của mình". Bắt đầu từ câu lạc bộ nhỏ, với hai nhân viên, Jean vừa đào tạo hướng dẫn viên, vừa tự mình phục vụ cho du khách đi lặn khi có yêu cầu. Chỉ sau một năm, câu lạc bộ của ông đã bắt đầu phát triển, đến nỗi ông phải bán đi câu lạc bộ hoạt động tại Thái Lan đang ăn nên làm ra để tập trung làm việc tại Nha Trang. Trả lời câu hỏi vì sao bán CLB lặn biển ở Thái Lan, ông cho rằng cuộc sống ở Nha Trang thích hợp với ông hơn, những người dân hiền lành, tử tế và quan trọng hơn là biển Nha Trang quá đẹp. "Tôi không thể từ chối món quà thiên nhiên mang tặng cho nơi này được" - Jean thổ lộ. Giờ đây, ông "sói" đã xem Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình, bởi ở đây ông có thể thực hiện niềm đam mê của mình, có những người bạn tâm giao và những học trò mà ông rất yêu quý. Nói như chị Nguyễn Thị Minh Xuân - Giám đốc Coco Dive Center, một trong những học trò đầu tiên của ông: "Đó là duyên nợ". Mỗi năm ở Việt Nam 9 tháng, 3 tháng còn lại ông về Pháp thăm gia đình, bạn bè. Từ câu lạc bộ lặn biển đầu tiên của Jean, đến nay tại Nha Trang đã có gần 10 câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực du lịch khám phá này và trở thành địa phương có loại hình này phát triển nhất cả nước. Loại hình du lịch lặn biển phát triển đã tạo điều kiện cho một nghề mới có điều kiện phát triển theo đó là hướng dẫn viên lặn biển. Hiện thời với bằng cấp PADI Master Scuba Diver Trainer của Hiệp hội Lặn biển thế giới và trong vai trò cố vấn cho CLB Coco Dive Center, Jean đã dành nhiều thời gian cho việc đào tạo những hướng dẫn viên lặn biển bởi lẽ đây là nghề đòi hỏi sức khỏe, kinh nghiệm. Jean nói: "Hướng dẫn lặn biển là một nghề đặc biệt, muốn theo đuổi nghề này ngoài sự đam mê phải có hiểu biết tường tận về ngoại ngữ. Đồng thời phải có sức khỏe tốt vì càng xuống sâu áp lực nước càng lớn. Một trong những vấn đề cốt lõi của hướng dẫn viên là phải xử lý đúng kỹ thuật khi khách hàng gặp sự cố nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của du khách". Hai năm trở lại đây, dịch vụ lặn biển phát triển rất mạnh, đã có nhiều lớp đào cho hướng dẫn viên Việt Nam. Nhiều người nước ngoài cũng đến Nha Trang học lặn bởi chi phí để lấy bằng ở đây rẻ hơn ở nước ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, điều trăn trở của Jean Pierre là hiện nay giá tham gia dịch vụ này tại Nha Trang đang còn cao so với thu nhập của đại đa số người dân. Trên thị trường hiện nay giá dịch vụ lặn biển đang được các câu lạc bộ lặn áp dụng dao động từ 30 - 35 USD một người. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất đối với đa số du khách nội địa khi muốn trở thành thợ lặn.

Mỗi ngày, sau giờ hướng dẫn cho khách, Jean tỉ mỉ xem xét từng thiết bị lặn, chuẩn bị từng chiếc mắt kiếng, áo phao cho chuyến đi lặn ngày hôm sau. Với ông đó là niềm vui, niềm đam mê của cả cuộc đời xem biển là nhà.

T.L 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.