"Hai lúa" được Chủ tịch nước tặng huân chương

29/08/2007 13:56 GMT+7

Là nông dân "rặt" ở vùng nông thôn heo hút của huyện Châu Thành, Trà Vinh nhưng ông Năm Châu - tức Dương Văn Châu (ngụ ấp Cây Dương, xã Thanh Mỹ) lại được cả nước biết tên. Điểm lại quãng đời trên ruộng đồng, ông đã gặt hái nhiều thành tích khiến cánh nhà nông phải nể phục: 2 lần lên phi cơ xuất ngoại dự Hội thảo khoa học, làm trợ giảng cho các giảng viên trường ĐH Cần Thơ và mới đây được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3.

Như bao nông dân chân lấm tay bùn, ông Châu gắn cả đời với chuyện đồng áng. Ông thương nhà nông bao đời cơ cực nên muốn làm được chút ít gì đó giúp quê nghèo khởi sắc. Cơ duyên đưa ông trở thành "nhà khoa học" khi năm 1992 ông qua Cần Thơ học hỏi cán bộ của Viện Nghiên cứu hệ thống canh tác ĐH Cần Thơ. Được các giáo sư, giảng viên chỉ dẫn, ông mới vỡ lẽ nhiều điều về cách lai tạo giống. Về quê nhà, ôm mớ kiến thức trên, ông ra đồng mò mẫm tìm cách lai tạo các giống mới.

Trầy trật mãi, cuối cùng giống lúa mới đã chịu trổ vàng đồng. Việc làm của ông khiến các nhà khoa học cũng quá bất ngờ khi "cậu" học trò nhà nông liên tiếp tạo ra nhiều giống mới. Vụ hè thu năm 2001, từ giống lúa OM3536 ông cải tiến, lai tạo thành công giống lúa TM1, TM29 (tức Thanh Mỹ 1, Thanh Mỹ 2 - ông lấy tên quê đặt tên cho lúa - PV) với năng suất trội hơn. Thời đó giá thành lúa mới này cao hơn lúa thường 100 - 300đ/kg nên được cánh nhà nông mê mẩn. Việc lai tạo giống mới đã làm bà con trong vùng nể nang, mến mộ.

Thế là ông Năm Châu không mần ăn "mình ên" nữa mà trở thành cầu nối trong vùng. Nhà của ông trở thành điểm hẹn "tổ nhân lúa giống" cho nhà nông lui tới, bàn thảo vụ đông - xuân, hè - thu trồng giống gì, bón phân thế nào để lúa trổ bông chắc hạt... Còn cán bộ nông nghiệp, giảng viên ĐH Cần Thơ khi nào có giống lúa mới, giống nào năng suất giá trị kinh tế cao lại giao cho "học trò cưng" trồng thử nghiệm; nếu thành công lại tiếp tục phổ biến cho bà con.

Giọng hệch hạc, ông Năm Châu kể: "Mấy thầy giao mấy bao lúa giống, chỉ dặn giống mới đó êm lắm à nghen! Tới vụ thu hoạch giống mới, mấy thầy lại kéo quân về rồi tổ chức hội thảo, phát mỗi người lá phiếu và mời bà con, cán bộ khuyến nông đi tham quan các điểm trồng các giống lúa mới. Nhà nông cứ quan sát thoải mái, thích loại nào cứ nhận xét như cây lúa trổ bông ra sao, lúa hột to hay nhỏ... và ghi lại trên phiếu. Xong đâu đấy, mấy thầy tổng hợp chấm điểm rồi phân loại giống nào loại I, II, III mà khuyên bà con nên trồng loại nào, hiện vùng nào đang thịnh hành loại lúa này, giá cả bao nhiêu".

Anh Nguyễn Hồng Tín, cán bộ trường ĐH Cần Thơ phụ trách mảng phân phối giống Trà Vinh luôn sát cánh với ông Năm Châu cho biết: "Là trợ giảng đắc lực của trường trong việc phổ biến hay trồng thí điểm lúa giống cho nhà nông học theo, bác Năm nhiệt tình và chu đáo lắm! Bác đã lai tạo thành công nhiều giống, giống nào cũng có giá trị kinh tế".

Ông Năm Châu quả có nhiều kỷ niệm khó quên trong đời nhà nông. Chính ông không ngờ được cán bộ trường ĐH Cần Thơ bình chọn là nông dân giỏi qua Malaysia tham gia hội nghị khoa học; sau đó được một công ty phân bón có uy tín trong nước mời qua Thái dự hội thảo. 2 lần lên phi cơ xuất ngoại dự hội thảo quốc tế quả là chuyện ngoài mơ ước của một nhà nông mở mắt ra chỉ thấy ruộng đồng.

Ông tâm sự: "Mèn ơi, hồi đó giờ có được ngồi phi cơ đâu nên bà xã với tụi con cháu cứ tranh nhau căn dặn tôi ngồi máy báy thì dòm thử xuống đất, coi hình dáng bầu trời ra sau để về tả lại cho sắp nhỏ biết!". Tại Malaysia, ông được tham quan tháp đôi Petronas nổi tiếng, được chiêu đãi tại khách sạn 4 sao Dynasty. Kết thúc hội thảo Năm Châu còn làm cả hội trường bất ngờ khi đứng lên ca bài vọng cổ tặng các nông dân nước bạn. Ông hát rằng: Trà Vinh quê tôi đẹp lắm, có biển Ba Động, có vườn cò, những món ăn dân dã, có những nhà nông chân lấm tay bùn yêu đời...

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.