Tâm hồn Á Đông của một người xa xứ

09/01/2008 22:51 GMT+7

Vừa có thêm tập thơ của một người Việt sống ở nước ngoài ra mắt bạn đọc trong nước. Tác giả là nhà nghiên cứu triết học Thái Kim Lan đã trò chuyện với Thanh Niên về cơ duyên đưa bà đến với thi ca.

* Tập thơ của chị nguyên bản bằng tiếng Đức. Được biết là nó từng giành được một giải thưởng văn học của Đức?

- Đó là tập hợp tất cả những bài thơ tôi đã làm trong khoảng thời gian du học tại Tây Đức. Tôi làm thơ xong không dám đưa cho ai, chỉ giữ cho riêng mình. Bởi vì người Đức có truyền thống làm thơ rất sâu sắc, nhưng đồng thời, con người thực tế của Đức thường chế giễu nhà thơ là những người viển vông. Vì thế nó đã nằm trong tủ cho đến năm 1981. Lúc đó trường Đại học Munich, Viện Ngôn ngữ Đức cho người ngoại quốc có tổ chức một giải thưởng cho những người nước ngoài sáng tác bằng tiếng Đức. Một người bạn cùng nhà đã khuyến khích tôi nên gửi, và tôi đã gửi... trễ một ngày, nhưng họ vẫn chấp nhận. Hai, ba tuần sau tôi nhận được tin mình giành giải nhất về văn chương của người nước ngoài sáng tác bằng Đức ngữ. Giải nhất đó rất đơn sơ, khiêm tốn, nhưng đó là một sự ngạc nhiên lớn với tôi. Sau đó do một người bạn Đức và một người bạn động viên, chia sẻ, tôi mới tiếp tục làm thơ. Tập thơ hơn 50 bài đã hình thành như vậy. Bà Ackermann, giáo sư khoa ngôn ngữ Đức và là một trong những người đã chấm cuộc thi thơ ngày trước, đã viết lời đề tựa. Tập thơ ấy đến năm 1992 mới lần đầu tiên ra mắt bạn đọc ở tại Đức, qua Trung tâm giao lưu Đức-Á. Mới đây tôi nghĩ sao mình không chuyển ngữ sang tiếng Việt, để bạn đọc có thể thâu lượm những kinh nghiệm qua những rung cảm của tôi trong quãng thời gian ở ngoại quốc. Thành thử lần này tập sách được ra đời tại Việt Nam.

Bìa tập thơ Lạnh hơn xứ mình (Ảnh TKL cung cấp)

* Làm sao một cô trò nhỏ vừa sang xứ người đã làm được một tập thơ bằng ngôn ngữ mới lạ với mình như vậy?

- Cái đầu đề có lẽ cũng nói lên được phần nào nội dung của tập thơ. Đó là những thao thức của một thanh niên trẻ xa quê hương, một mình ở xứ người, xảy ra trong biến động giữa mình với thế giới mới, thiên nhiên mới, với con người mới. Từ một xứ nóng đến một xứ lạnh, cái cảm giác đầu tiên khi tiếp xúc là hơi lạnh trên làn da. Những cảm xúc ấy đến một cách tự nhiên. Tôi không phải là một người làm thơ chuyên nghiệp, nhưng ngôn ngữ mình vừa mới học đã bật ra như thế. Có thể nói tôi đã lượm được những ý tưởng cũng như những con chữ để viết thành lời thơ. Nếu đọc tập Lạnh hơn xứ mình thì sẽ thấy có một điểm rất Á Đông ở trong đó. Đó là những bài thơ phần nhiều nói về phong cảnh. Chính từ một ngọn lá, hay ánh trăng, hay là một tia nắng, con người tự nhiên tìm thấy được một sự hòa điệu, mà khi xa nhà, hòa điệu đó rất cần thiết để xoa dịu những tâm tư khắc khoải. Thơ ca của tôi chỉ là một điều gì rất đơn giản, nó đến từ tình cảm tự nhiên của một con người đi đến một nơi xa lạ, nhiều khi có những xung đột nội tâm, có những mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ và con người phải tự dàn xếp lấy để có thể sống tiếp tục, sống ý nghĩa, không bị mòn mỏi, chìm đắm trong hoàn cảnh mới, không bị ngoại cảnh lôi cuốn mình để đến nỗi bơ vơ.

*  Trong bài thơ đầu tiên Gặp gỡ, nói về "đêm đầu tiên/ở xứ lạ" bỗng nhiên gặp rung cảm này: "Môi trắng/ Đêm dài/Trong buổi sớm mai/Bỗng nhiên/trời mưa/có phải/tiếng chân ai/đến từ quê hương…". Tư duy thơ của chị cũng là tư duy triết học...

- Đó là bài thơ đầu tiên nhiều người rất thích, nhất là người Đức, vì họ tìm thấy trong đó cái cảm giác "đê đầu tư cố hương". Sự gặp lại này là gặp lại một giọt mưa, một tiếng đã quen thuộc với mình, ở nơi xa. Cái xa lạ thứ nhất là phong cảnh, nhưng cái xa lạ thứ hai là âm thanh, trong đó có ngôn ngữ. Và mình nghe trong tai mình nhiều âm điệu lạ lùng lắm, thì tự nhiên giọt mưa mình nghe được trong đêm không ngủ được vì nhớ nhà, tiếng giọt mưa đó đưa mình trở về với quê hương. Ở nơi đất khách giọt mưa có một âm thanh nào đó quen thuộc với mình hơn tất cả những âm thanh về tiếng nói, sự lao xao trong một hoàn cảnh mới. Hy vọng là với bản thơ tiếng Việt, nhiều bạn đọc có thể chia sẻ được những hòa điệu tâm hồn của một người xa xứ...

(*) Lạnh hơn xứ mình - NXB Văn hóa Sài Gòn.

Phi Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.