Sửa đổi Luật Đất đai: Nóng bỏng chuyện định giá đất

12/03/2008 23:02 GMT+7

Tài chính về đất đai và giá đất là 1 trong 8 vấn đề sẽ được đề cập trong lần sửa đổi Luật Đất đai sắp tới. Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp ngày 12.3 ở Hà Nội, một lần nữa vấn đề này trở nên nóng bỏng. Định giá đến từng thửa đất Chính sách nhà ở, đất ở với người nước ngoài

Định giá đến từng thửa đất

Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Ngọc Tuân cho biết, tuy điều 56 Luật Đất đai quy định giá đất của Nhà nước phải sát với giá chuyển nhượng trên thị trường trong điều kiện bình thường, nhưng trên thực tế, đa số các địa phương chỉ định giá ở mức cao nhất bằng 60% so với khung giá của Chính phủ và còn rất xa giá chuyển nhượng thực tế. "Nên người dân bức xúc dẫn đến khiếu kiện phức tạp", ông Tuân nói. Cũng theo ông Tuân, việc Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan định giá đất (trước đây là Bộ Tài chính) sẽ khắc phục được tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi", tạo điều kiện cho việc minh bạch hóa thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ông Bùi Ngọc Tuân cũng khẳng định, việc định giá sẽ xác định đến từng thửa đất.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, trong lần sửa đổi Luật Đất đai này dứt khoát sẽ "chấm dứt tình trạng doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù với người bị thu hồi đất". Theo ông, Nhà nước sẽ đảm bảo cung cấp "đất sạch" cho nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu dự án.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến vấn đề giá đất cũng vẫn tôn trọng những phương pháp định giá đất mà Bộ Tài chính đã áp dụng lâu nay. "Đó là những phương pháp hết sức hiện đại và chính xác. Tuy nhiên sẽ phải thay đổi về cách tổ chức thực hiện", Bộ trưởng nói. Theo ông, Luật sửa đổi sẽ phải nghiên cứu xác định lại giá đất ở những vùng giáp ranh đô thị và nông thôn sao cho "công bằng" - cái mà lâu nay vốn là nguyên nhân của những vụ kiện tụng kéo dài và làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án. "Giá đất vẫn kiên trì quan điểm là tính theo giá trị đang sử dụng chứ không phải là giá sau khi thực hiện quy hoạch", Bộ trưởng khẳng định. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Nhà nước cũng phải nghiên cứu ban hành cơ chế để điều tiết chênh lệch địa tô, "ví dụ trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp đền bù có 1 triệu đồng/m2 thành đất đô thị giá tới 20 triệu đồng/m2", ông nói.
Ban soạn thảo dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ phải nghiên cứu xác định lại giá đất ở những vùng giáp ranh đô thị và nông thôn sao cho công bằng - Ảnh: D.Đ.M

Cũng liên quan đến vấn đề giá đất, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội Trịnh Kiên Đĩnh kiến nghị việc quy định giá đất điều chỉnh mỗi năm/lần gây rất nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những dự án lớn mà việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng kéo dài trong nhiều năm. Ông Trịnh Kiên Đĩnh đề nghị khung giá đất của Nhà nước nên ổn định trong 5 năm. Phó giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa Nguyễn Lương Thăng thì cho rằng, quy định "giá đất sát với giá thị trường" áp dụng cho tất cả các loại đất là điều không hợp lý. Theo ý ông này, đất ở thì nên đền bù theo giá thị trường là phù hợp nhưng "đất nông nghiệp, đất thủy sản... vốn là đất Nhà nước giao cho người dân sử dụng, vì vậy khi đền bù nên tính theo điều kiện từng địa phương". "Vừa tránh khiếu kiện, vừa tiết kiệm chi phí ngân sách Nhà nước", ông Thăng lý giải.

Chính sách nhà ở, đất ở với người nước ngoài

"Nghiên cứu chính sách về đất ở, nhà ở đối với người nước ngoài" là một trong những nội dung được đặt vấn đề khi sửa đổi trong Luật Đất đai. Phó vụ trưởng Vụ Đất đai Đào Trung Chính nói: "Theo cam kết WTO thì doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài phải được đối xử bình đẳng. Như vậy thì chính sách đất đai sẽ phải có sửa đổi gì cho phù hợp không?".

Hiện tại Nhà nước có áp dụng hình thức giao đất đối với tổ chức kinh tế trong nước nhưng tổ chức nước ngoài thì không. "Chúng tôi cần ý kiến đóng góp của các địa phương về vấn đề này, liệu có thể bình đẳng trong lĩnh vực này được không? Tất nhiên đây là vấn đề lớn và quyết định cuối cùng phải là Quốc hội", ông Chính cho biết. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khi trao đổi bên lề với báo chí cũng đề cập đến vấn đề này. Ông cho biết, hiện tại doanh nghiệp và tổ chức kinh tế nước ngoài chỉ được thuê đất nhưng giá thuê dành cho doanh nghiệp nước ngoài đang "lợi thế" hơn doanh nghiệp trong nước; cụ thể là chỉ bằng 1/3 giá thuê của doanh nghiệp trong nước nếu trả tiền một lần. "Có thể sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời hạn cho thuê đất, có khu vực cần phải kéo dài ra, cũng có nơi sẽ rút ngắn lại mà không áp dụng chính sách đồng loạt (50 năm -PV)", Bộ trưởng Nguyên nói.

T.Nh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.