Cú "lừa" đi hợp tác lao động ở Nga

24/03/2009 23:58 GMT+7

Có dấu hiệu cho thấy Công ty xuất khẩu lao động thương mại và Du lịch (Sovilaco) đã bị một đối thủ cao tay qua mặt và cả trăm người lao động trở thành nạn nhân trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề.

Tối 23.3, nhóm công nhân 15 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại CHLB Nga đã về được tới TP.HCM và đến yêu cầu Sovilaco thanh lý hợp đồng. Gặp những công nhân này chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Mặt mày phờ phạc, ngay cả những thanh niên trai tráng mặt cũng xanh như tàu lá. Không ai có thể nghĩ rằng giấc mơ đi hợp tác lao động lại đen tối và tệ hại đến vậy.

Chuyến đi hãi hùng

Chị V.T.B, ở Gia Lai kể: Sau khi đăng ký đi XKLĐ, chị được đào tạo nghề may miễn phí 2 tháng tại trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh. Sau đó, người của Sovilaco kiểm tra tay nghề và chấm đạt. Chị B. nộp 2.650 USD, tương đương với 46 triệu đồng để Sovilaco lo trọn gói mọi việc. Đến ngày 1.1.2009, chị và rất đông công nhân VN được đưa sang Nga. Tới nơi, chị và 46 người khác được phân thành một nhóm và ở tại một ngôi nhà hoang. Người đại diện Sovilaco nói: "Ở đây làm quen môi trường rồi đi làm". "Thực tế, xưởng may ở  trên tầng 2, rộng chừng 30m2, cũ kỹ, mạng nhện, bụi bẩn, mối mọt... đầy nhà. Mọi người bắt đầu hoảng sợ, ôm nhau khóc, nghĩ mình đã bị lừa bán", chị B. nói.

Sau đó mọi người phải dọn dẹp ngôi nhà hoang, công nhân nam đóng bàn ghế và vác máy móc từ nơi khác về lắp ráp hình thành xưởng may. Nhưng khi vào may, họ phải sử dụng máy may 2 kim, mỗi người tự hoàn chỉnh một cái áo, trong khi đó, họ chỉ được học máy 1 kim và may một công đoạn... Và tất cả phải chia ca làm quần quật từ 10 giờ sáng - 22 giờ tối và từ 22 giờ đến 10 giờ sáng hôm sau...

Trần Văn Dương ở Huế kể thêm: "Để có thể về nước, ngoài sự can thiệp của nhiều nơi, thậm chí chúng tôi phải xin ăn nơi xứ người. Ngày 2.3.2009, ông bà chủ người Việt, nơi chúng tôi làm việc bỏ đi. Ngày 7.3.2009, chúng tôi được Đại sứ quán VN tại Nga can thiệp và cho 2.000 rup (khoảng 1 triệu đồng) để mua mì gói cứu đói, 8 người chia nhau hai gói mì mỗi ngày. Mới đây, Sovilaco cho người sang giải quyết, cộng với những tác động từ sứ quán chúng tôi mới được về nước".

Có hay không hợp đồng giả mạo?

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Sovilaco cho biết, giữa Sovilaco và Công ty cổ phần liên doanh DEITRAST có ký hợp đồng cung ứng lao động, đưa lao động VN sang làm công nhân may cho nhà máy của DEITRAST. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên phía nước ngoài ưu tiên cho lao động bản xứ. Vì vậy, phải cho các em về trước. Hiện nay, công ty đã thanh lý được 10 trường hợp, trả lại cho các em  1.800 USD/người.

Cũng theo ông Nam, một lao động đi nước ngoài làm việc phải đóng cho công ty 2.650 USD, bao gồm vé máy bay, chi phí cho đối tác, visa, dịch thuật. Trừ chi phí, mỗi trường hợp, công ty thu  500 USD.

Trái ngược với những thông tin này, các công nhân khẳng định họ bị "lừa". Bởi trong hợp đồng ký với Sovilaco trước khi sang Nga đã thỏa thuận rất rõ rằng "tiền lương khoán theo sản phẩm, không thấp hơn 400 USD/tháng" nhưng trên thực tế suốt ba tháng ở Nga họ không có được một đồng thu nhập nào.

Một điểm khá bất ngờ khác: các công nhân trình ra một văn bản của Tổng giám đốc Công ty DEITRAST, Dyagilev V.F ký ngày 18.3.2009. Trong văn bản này, ông Dyagilev khẳng định: "Không hề ký hợp đồng thuê lao động nước ngoài với Sovilaco. Hợp đồng mà Sovilaco cung cấp là giả mạo. Công ty DEITRAST cũng không nhận bất cứ số tiền nào từ Sovilaco. Chúng tôi có thể khẳng định điều này bằng biên kê của ngân hàng phục vụ. Thông qua nội dung đơn thư của các công nhân và công văn của công ty, chúng tôi nhận thấy hai hành động giả mạo văn bản và lừa đảo là những tội trạng hình sự ở Nga. Công ty chúng tôi chỉ có thể đề nghị quý công ty yêu cầu các cơ quan chức năng VN tiến hành điều tra vụ việc và sẵn sàng hỗ trợ việc điều tra".

So sánh chữ ký trên văn bản này và hợp đồng do Sovilaco cung cấp, dễ dàng nhận thấy hai chữ ký của ông Dyagilev là hoàn toàn khác nhau. Phải chăng, Sovilaco đã bị một đối thủ cao tay lừa?

Lê Nga - Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.