Báu vật trong ngôi nhà cổ

10/04/2009 23:27 GMT+7

Phải đến khi được UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tặng Giải thưởng Công trạng (Award of Merit), những kỷ vật độc đáo tại ngôi nhà thờ tộc Trương ở 69/1 Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) mới dần được biết đến.

Ngôi từ đường trên đất khách

Giữa thế kỷ XVIII, trong số những người Trung Hoa không muốn sống dưới triều nhà Thanh nên bỏ sang Việt Nam thần phục Chúa Nguyễn, có một người tên là Trương Mậu Viễn (xã Cảnh Khanh, Nhị Đô, huyện Chiếu An, phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến). Ông Trương sang định cư tại làng Minh Hương, Hội An thuộc xứ Đàng Trong, trở thành đệ nhất thế tổ của dòng họ Trương - dòng họ đang truyền giữ ngôi nhà thờ độc đáo bây giờ. 

Đến thế hệ cụ tổ thứ 3 Trương Chí Cẩn, Binh bộ chủ sự tại triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng, việc xây dựng "từ đường Trương Đôn Hậu" mới được đặt ra. Tháng 11.1840, năm Minh Mạng 21, cụ Trương Chí Cẩn đã đặt viên đá móng đầu tiên tại khuôn viên rộng mỗi bề đến vài trăm mét, ở vị trí từ đầu kiệt Sica (hẻm phố đường Lê Lợi ngày nay) kéo dài qua khỏi đường Phan Châu Trinh.

Từ đường Trương Đôn Hậu trở thành công trình được nghệ nhân tài hoa xứ Quảng gia công đặc biệt. Các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng chạm trổ cột, kèo, rui, sườn cùng các bức hoành với những hoa văn kỹ xảo độc đáo. Một số tay nghề mộc xuất sắc nhất được chọn cẩn những chữ, hoa văn phù hợp với lối kiến trúc Á Đông. Riêng đá lót nền được đặt mua tại vùng Non Nước - Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) chuyển vào...

 
Họa sĩ Trương Bách Tường (đời thứ 8) cạnh cáng khiêng võng của cụ tổ đời thứ 3, phía sau là hai câu đối 18 chữ

Đến năm 1906, phố cổ Hội An quy hoạch mở rộng. Ông Trương Đồng Hiệp, quan Huấn đạo Quảng Nam (quan coi về giáo dục) - vị tổ thứ 4 - đã cho di chuyển, bố trí lại từ đường trên khuôn viên hẹp hơn. Từ đường gồm 3 nhà: chính giữa là điện thờ tổ tiên, bên tả dành cho gia đình tộc nhân quản lý từ đường, bên hữu dành cho cháu trai tộc trưởng ở để phụng tự tổ tiên.

Dấu ấn thời gian

Trải bao dâu bể, ngôi từ đường hiện vẫn lưu giữ nhiều bảo vật. Ít người biết rằng, thông tin về thời điểm cụ tổ thứ 3 chính thức bỏ viên đá móng đầu tiên (lúc 5 giờ sáng ngày mồng 5 tháng 10 năm Canh Tý, tức ngày 28.11.1840) đã được khắc ngay trên cây trùng lương ở gian chính điện (nằm bên dưới cây thượng lương). Chính "dấu vết" lưu giữ nguyên vẹn từ năm 1840 này mà công trình đương nhiên được thừa nhận về niên đại, giá trị kiến trúc.

Vào thăm khu nhà chính điện, ngay ở gian khách (bên ngoài), bên tả có treo ảnh thờ quan Huấn đạo Trương Đồng Hiệp. Đặt phía trước là hai cáng khiêng võng của ông. Treo hai bên là đôi câu đối: "Mậu thừa chí đồng hoài đình duy bách thế/Hiếu hữu truyền hậu tự phái diễn vạn niên". Đây được xem là "bảo vật" của dòng họ, do ông Trương Chí Cẩn (tổ đời thứ 3) đặt ra để con cháu các đời dùng làm chữ lót, mỗi đời một chữ. Ông kế thừa 3 chữ sẵn có (Mậu, Thừa, Chí) rồi đặt thêm thành hai câu đối 18 chữ, mỗi chữ đều có một ý nghĩa riêng cho 18 đời. Nay thì con cháu họ Trương đang ở vào đời thứ 6 đến thứ 10, tương ứng với các chữ lót từ Trương Đình đến Trương Hiếu.

Dẫn chúng tôi vào thăm gian chính điện, họa sĩ Trương Bách Tường (thế hệ thứ 8) đặc biệt lưu ý bức hoành phi lớn từ năm Minh Mạng thứ 15, tức có trước khi khởi công xây dựng từ đường, đến nay vẫn bảo quản nguyên vẹn. Rất nhiều kỷ vật đã từng chịu cảnh lưu lạc trong chiến tranh, nhiều tấm liễn phải giấu xuống ao mới may ra được bảo toàn. Ngôi nhà bên tả, có một bức hoành phi lớn "Tiết hạnh danh văn", do vua Bảo Đại ban tặng cho người vợ của vị tổ thứ 5...

Giải thưởng Công trạng (Award of Merit) mà UNESCO châu Á - Thái Bình Dương trao tặng cho nhà thờ tộc Trương cùng 5 ngôi nhà cổ khác trên toàn quốc năm 2004 cũng được xem là một "bảo vật" của thế kỷ XXI. Bởi để có được vinh dự này, 3 năm trước đó (năm 2001) các chuyên gia Nhật Bản đã phải kỳ công trùng tu, tôn tạo trong một dự án mang tên "Bảo tồn nhà ở dân gian truyền thống Việt Nam" do Bộ VH-TT Việt Nam ký kết với Tổ chức Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA).

Điều đặc biệt, nhà thờ tộc Trương với 70% cấu kiện gỗ còn lành lặn là ngôi nhà duy nhất ở Quảng Nam nhận được sự giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính của JICA và trường Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) để bắt đầu quá trình tu bổ. Từ công trình này, UNESCO đánh giá rất cao mục tiêu chuyển giao bí quyết nhằm hoàn thiện kiến thức bảo tồn nhà cổ cho thế hệ tương lai và thử nghiệm những phương pháp mới về bảo tồn tại thực địa của dự án.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.