Những nhà sáng chế không bằng cấp - Người "khai tử" nghề bóc hành bằng tay

20/08/2009 23:00 GMT+7

Mới học hết lớp 7, nhưng ông Nguyễn Văn Sành (ngụ ở thôn Thượng Dương, xã Nam Trung, H.Nam Sách, TP Hải Dương) đã chế tạo thành công nhiều loại máy móc, trong đó nổi tiếng nhất là máy bóc, thái hành tỏi “2 trong 1”.

Xã Nam Trung quê ông Sành có nghề bóc, thái hành tỏi bằng tay. Thường thì một người khỏe lắm cũng chỉ bóc và thái được 17-18 kg/ngày, thu nhập không đáng là bao. Thấy mọi người quá cực nhọc, ông Sành quyết tâm chế tạo chiếc máy bóc, thái hành tỏi để bà con bớt khổ.

Từ máy quay tay đến máy chạy bằng điện

Với nghề thợ rèn, dùng những dụng cụ búa, đe, kìm và vài thanh sắt..., ông Sành đã chế tạo thành công chiếc máy thái hành đầu tiên. Ở quê ông, những năm này vẫn chưa có điện nên máy hoạt động bằng trục quay tay, dập tay. Dù thế, so với trước, năng suất 2 tạ/ngày của máy cũng khiến bà con hồ hởi. Nhờ chiếc máy, họ không phải cặm cụi ngồi giữa đống hành tỏi, cắt cắt, gọt gọt cay xè mắt nữa.

Ông Nguyễn Văn Sành đã từng được nhận giải VIFOTEC, bằng khen của Hội Nông nghiệp kỹ thuật Việt Nam, Huy hiệu Sáng tạo lao động của Trung ương Đoàn... Ông cũng là cá nhân hiếm hoi được tỉnh Hải Dương cấp “mã số vàng” - danh hiệu vinh dự nhất cho các tập thể, cá nhân có đóng góp cho tỉnh. Số điện thoại của ông: 0320 656 3505 - 01675 202 008.

Đến năm 2000, điện về Nam Trung. Ông lại mày mò cải tiến máy thái hành chạy bằng động cơ điện, để người dân không phải quay tay nữa. Đời máy thứ hai, ông áp dụng nguyên lý chuyển động cánh tay đòn của tàu hỏa, chạy bằng lực ly tâm quay tròn cho máy. Ông kể cái khó nhất là làm sao khi cho vào máy, hành, tỏi, bí đao... phải được thái theo chiều dọc. Có như thế, miếng thái mới có bản to, đều, đẹp, dễ dàng tẩm ướp, phơi sấy.

Mất cả tháng trời ông vẫn chưa nghĩ ra phương án thiết kế. Chán nản, đã có lúc, ông Sành tính bỏ cuộc. Tình cờ trong một buổi đi cày, sơ suất làm rơi chiếc bật lửa xuống khe ruộng, càng thọc tay xuống khe để lấy, nó lại càng rơi sâu hơn theo chiều dọc, "nhà chế tạo" nông dân đã tìm ra giải pháp cho chiếc máy của mình. Ông tìm ra cách lắp lưỡi dao để khi máy chạy, độ rung của máy sẽ khiến hành tỏi, bí đao quay theo chiều dọc. Không có máy móc gia công sắt thép, ông Sành tranh thủ mượn máy khoan, cắt của người khác những lúc trưa, nửa đêm để làm. Mất một tháng ròng rã cắt cắt, hàn hàn, ông cho ra đời máy chạy bằng điện. Máy ra, công suất đạt 7-8 tạ/ngày, bằng 40 người ngồi thái thủ công.

Vui, nhưng chưa mấy hài lòng, ông trăn trở: “Máy mới chỉ thái chứ chưa bóc được vỏ, như thế thì xoàng quá, bà con vẫn phải mất thời gian bóc vỏ hành. Hơn nữa, với chiếc máy thái này, tỏi, hành, bí đao... vẫn bị dập nát. Phải cải tiến”.

Máy vừa bóc vỏ vừa thái nhỏ

Nghĩ là làm. Đến năm 2002, bằng tất cả những kiến thức học được cộng với kinh nghiệm từ việc chế tạo hai chiếc máy đầu tiên, ông Sành đã khắc phục được sự cố tỏi, hành bị dập nát với loại máy “2 trong 1” vừa bóc, vừa thái hành, tỏi... Không những không dập nát, tỏi hành thành phẩm còn ra miếng đều, vỏ đi một đằng, ruột đi một nẻo.

Để chế tạo mỗi chiếc máy như thế này, ông Sành chỉ mất nhiều nhất 2 ngày. Nếu nhanh, chưa đến 1 ngày, ông đã làm xong. Tính đến nay, ông đã cho ra đời gần 2.000 chiếc. Trong số đó, một nửa được người dân xã Nam Trung mua về phục vụ làm nghề. Số còn lại có mặt trên khắp các vùng miền Tổ quốc, thậm chí xuất sang Trung Quốc, Lào...

Khi được hỏi tại sao không đăng ký độc quyền sáng chế, ông Sành cười: “Tớ là anh nông dân nên chả cần những cái đó. Chỉ cốt làm sao giảm được sự vất vả của mọi người, giúp họ nhàn hơn. Máy của tớ đấy, nhưng ai muốn “nhái” thì “nhái”, tớ chả quan tâm”. Ngoài máy bóc, thái hành tỏi, ông Sành còn chế tạo nhiều loại máy khác như máy bóc vỏ lạc để làm đậu phộng, bánh kẹo; máy tách cụm hành tỏi; máy thái bí đao, su hào... Tất cả những loại máy này đều có giá rẻ, từ 500.000 - 1.500.000 đồng/cái tùy theo có hay không có mô-tơ điện.

Trần Đan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.