Khóc cười với thang máy

21/08/2009 11:01 GMT+7

Chung cư cao tầng mọc lên ở Hà Nội, TP.HCM ngày càng nhiều và hầu hết tòa nhà chung cư có thang máy. Dân ta vốn quen “anh hùng nhất khoảnh” nên việc đi lại ở lưng chừng trời cũng có lắm chuyện khóc cười.

Thang máy ở Hà Nội, trừ một vài tòa nhà có tính phí, hầu hết là vô tư. Nên trong các thang máy chung cư ở Hà Nội vào những giờ cao điểm như ăn sáng, ăn trưa, đặc biệt là ăn tối thì luôn... đông như hội.

Đến bất kỳ khu cao tầng nào đều có thể gặp cảnh này. Khách đi thang máy chủ yếu là người giúp việc và trẻ con. Hơn nữa có nhiều đại gia đình “định cư” trong thang máy vào giờ ăn tối: ôsin bế em, mẹ cầm bát bột và xúc, bố bấm thang máy liên tục, lên rồi xuống, xuống rồi lên, bà hoa tay múa chân hát hò đủ các loại bài, còn ông thì cầm sẵn một túi nilông đựng tã và giấy lau đề phòng cháu ị, nôn trớ.

15 phút đến tầng trệt

Cũng có khi đúng vào giờ cao điểm buổi sáng, khi các viên chức mẫn cán đang hăm hở vào thang máy để đến công sở thì phát hiện tất cả các tầng từ 22 xuống đến G (mặt đất) đều bật đèn báo đỏ lừ. Đã vội thì chớ mà đến tầng nào thang máy cũng dừng lại, khoan thai mở ra, đợi 30 giây rồi lại khoan thai đóng lại, mỗi tầng mất đến hơn 1 phút, không làm thế nào cho nó bớt cái điệp khúc dừng, đóng, mở... dù trong thang máy chả ai có nhu cầu dừng lại và tạt vào bất cứ tầng nào. Hóa ra trước đó một chú học sinh vui tính hay một cô giúp việc nghịch ngợm nào đó đã táy máy bấm tất cả các số ở tất cả các tầng. Mất 15 phút để xuống đến tầng trệt.

Lau xong là thấy rác

Chị Phương, nhân viên quét dọn tòa nhà 671 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi chỉ có hai người, quét và lau từ tầng hầm đến tầng 19, dọc tất cả hành lang và sáu thang máy, hai thang bộ của tòa nhà, nhưng cứ vừa lau xong 4-5 tầng, có việc vào thang máy để di chuyển đến tầng khác đã thấy mẩu thuốc lá và túi nilông “mọc” ra rồi. Cực nhất là sáng thứ hai, thang máy có rất nhiều dấu vết các loại thức ăn bị trẻ em nôn trớ, cá biệt có bậc phụ huynh thiếu ý thức còn để nguyên “hiện trường” và biến mất”.

Ở những khu chung cư cao cấp đúng nghĩa như Ciputra, The Manor hay một vài tòa tháp đơn lẻ tọa lạc trên phố Lò Đúc, Hoa Lư, Hoàng Hoa Thám, khách vào thang máy tuy không bị hỏi giấy tờ nhưng cũng được bảo vệ ghé mắt hỏi đến nhà ai, thậm chí đôi khi còn được hướng dẫn lên thang máy.

Còn tuyệt đại đa số các khu cao tầng khác như Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình, Nam Trung Yên, Việt Hưng... khách cứ thế mà tự mò mẫm đường đi lối lại. Khách là dân văn phòng không sao, chứ rơi đúng vào “khách ở quê ra” thì thật hoang mang vì địa chỉ là tầng 12B nhưng thang máy không có số ấy. Hóa ra nhà sản xuất thang cứ điềm nhiên đánh theo dãy số tự nhiên, còn nhà đầu tư xây dựng rất biết ý người mua nhà kiêng số 13 nên ý nhị chuyển thành 12B tự lúc nào.

Đủ hình ảnh, mùi vị

Thang máy chung cư thật là một địa điểm lý tưởng của các nhà quảng cáo, nhiều nhất là hàng điện tử gia dụng: tivi, tủ lạnh, máy tính... thứ đến nữa là thú vui của nhà giàu: ôtô. Thang máy của các khu chung cư xịn còn thêm quảng cáo sân golf và các tour du lịch nước ngoài, thang máy của các khu bình dân hơn quảng cáo thức ăn nhanh, mì gói, các cửa hàng ăn mới.

Khối bậc phụ huynh đã phải dở khóc dở cười khi con mình cứ dán chặt vào quảng cáo mà hỏi: “Sao “áo mưa” này không giống áo mưa bình thường mình vẫn mặc?”, hay “Bố mẹ quen cái cô tên là “thuốc tránh thai” này không mà cô ấy lại bảo là bạn thân của mọi gia đình?”.

Hình ảnh chưa đủ “ép phê”, mùi vị thang máy mới muôn hình muôn vẻ. Đến thang máy xịn như ở khu Ciputra mà khách nào nhạy cảm, vào thang máy khi vừa được lau chùi xong cũng rất có thể phải bưng miệng chạy thẳng vào toilet vì mùi thuốc tẩy khá mạnh. Ở những khu chung cư tái định cư như Cầu Diễn, Dịch Vọng, Xuân Đỉnh thì khỏi nói: mùi thức ăn thừa, mùi rác lưu cữu, mùi nước tiểu khai nồng, mùi nôn trớ của trẻ con... ám đặc quánh trong khoảng không chật hẹp của thang máy.

Không phải thang máy không được lau chùi, ở những khu đô thị có ban quản lý tốt như Mỹ Đình, Linh Đàm hay những tòa nhà độc lập trong nội đô, công nhân vệ sinh làm quần quật từ sáng đến chiều nhưng không thể lau xuể với những kiểu “sinh hoạt tập thể” trong thang máy, hay những vị phụ huynh thản nhiên hút thuốc trong thang rồi vứt tàn thuốc xuống sàn ngay trước mặt con em mình.

Lên tầng 1 gọi thang

Tại TP.HCM một số chung cư thu phí sử dụng thang máy vài chục ngàn đồng một tháng, với khách thì 1.000 đồng/2 lượt. Dẫu chỉ 1.000 đồng nhưng một số người vẫn tranh thủ đi chui bằng cách đi bộ lên lầu 1 để... gọi thang. Khi xuống cũng gọi thang nhưng đến lầu 1 thì dừng lại và đi bộ xuống tầng trệt. “Thấy thang đi lên và xuống nhưng khi mở cửa thì không thấy người. Biết ai đâu mà thu. Cũng chỉ 1.000 đồng nên thôi” - một chú đề nghị không nêu tên ở khu chung cư quận Phú Nhuận bức xúc. Một số người còn dọn nhà bằng chiêu này. Họ chuyển tất cả đồ đạc xuống tầng 1 rồi từ từ bê xuống. “Đỡ tốn mớ tiền. Một lượt 1.000 đồng, 10 lượt là gần hết đĩa cơm trưa rồi!” - một anh chàng từng dùng chiêu này nhớ lại.

Một số hộ dân trong một chung cư ở tỉnh Bình Dương tận dụng điện thoại trong thang máy để gọi nước. Khi hết nước, họ dùng điện thoại trong thang máy để gọi người giao nước dù rằng có ghi rõ “chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp”.

Một số nơi than trời vì một số người nợ rồi quên luôn đóng tiền sử dụng thang mỗi tháng. Chưa kể thang máy ở đây được tận dụng làm cái việc mà đến nỗi luôn có mùi amoniac, một số còn khạc nhổ tùm lum khi dùng thang. “Không đóng tiền là chuyện bình thường, có người còn cào sơn, dùng chìa khóa viết đủ thứ lên cửa. Dùng vậy thì thang máy nào chẳng hư, chi phí tái đầu tư thì nhỏ giọt vì số người chịu đóng phí thường xuyên và đầy đủ chỉ một phần” - một nhân viên trực chung cư quận Bình Thạnh cho biết.

Về việc sử dụng thang máy ở chung cư 234 Phan Văn Trị (Q.Bình Thạnh) - bà Lâm Hoàng Hương, trưởng phòng quản lý nhà Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh, đơn vị quản lý chung cư - cho biết: “Một số người ý thức rất kém, phải nhắc nhở nhiều lần mới đóng phí. Một số trẻ em hay phá thang máy, nhân viên nhắc nhở nhiều lần cũng không nghe”. Để giải quyết vấn đề này công ty phải giải thích, thường xuyên nhắc nhở.

Chen ngang, xô đẩy

19g, giờ thăm bệnh, mấy chục người xếp hàng dài chờ thang máy ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Cửa thang máy vừa mở, người sau đẩy người trước. Chúng tôi ở hàng trên cùng, anh nhân viên hướng dẫn vừa ra dấu cho phép vào thang thì một nhóm 6-7 người đang đi tới liền chen ngang, chui tọt vào trong. Những người còn xếp hàng phản ứng, họ vẫn... cười.

Thang máy chật cứng. Mới đi được một tầng. “Tới rồi! Cho tui ra” - hai thanh niên trong tốp lúc nãy la lên, mọi người phải bước ra để nhường đường. “Có gì lạ đâu mày, vậy mà thằng Sang bảo tao đi thang máy chao chao như người say sóng” - một người nói khi bước ra. Đến lầu 5, bốn người khác ùa vào. “Ủa! Đang đi lên hả?” - một trong số đó ngạc nhiên hỏi. “Thì đi lên rồi đi xuống. Chút nữa xuống đông sao giành chỗ nổi” - cô đi chung nhanh nhảu trả lời.

Sáu thang máy trong khuôn viên bệnh viện dành cho bệnh nhân, giờ thăm bệnh thì linh động cho người nhà sử dụng và gần như phải hoạt động hết công suất. Tình trạng chen lấn, chẳng ai nhường ai luôn xảy ra. Nhân viên hướng dẫn phải liên tục nhắc nhở. Dẫu vậy, khi các anh chị vừa quay lưng thì sẽ có người chen ngang hoặc lấn lên trước. Lúc không có nhân viên hướng dẫn, người cần dùng thang đứng hàng ngang trước cửa để chiếm chỗ dù hàng rào inox chỉ cách họ một bước chân. Thang máy đến, người bên trong chưa kịp ra thì người bên ngoài đã xô đẩy bước vào.

 Việt Hoài - Vi Thảo/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.