Đại biểu Quốc hội nói về thủy điện xả lũ: Cần lập ủy ban điều tra

07/11/2009 01:44 GMT+7

* Thẩm tra dự án thủy điện Lai Châu: Bão ở miền Trung là một cảnh báo * Các dự án trọng điểm đội vốn, chậm tiến độ Xung quanh việc thủy điện xả lũ vào đúng lúc lũ đang ở đỉnh điểm, gây ngập lụt nặng hơn cho người dân vùng hạ lưu, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) cho rằng cần điều tra làm rõ vụ việc, xem lại quy hoạch thủy điện...

Ông Nguyễn Đình Xuân, ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường: Nên quản lý theo lưu vực

Lưu vực của dòng sông đi qua nhiều tỉnh, nếu mỗi tỉnh quản lý riêng các công trình thủy điện trên địa bàn thì chưa ổn. Các nước họ quản lý dòng sông theo lưu vực, tức là toàn bộ diện tích sông hồ, rừng, đất đai đưa nước về lưu vực ấy. Nếu ta chia theo tỉnh, quản lý theo tỉnh thì vẫn thất bại. Trước tình hình xả lũ, ngập lụt như hiện nay, chúng ta phải có một ủy ban liên ngành để điều tra thực trạng xem nó như thế nào, vận hành các hồ thế nào, độ che phủ rừng ra sao, có còn đủ để vận hành các hồ này nữa hay không... Sau khi có một ủy ban như vậy thì chúng ta mới có thể ra được kết luận, từ đó mới quyết định ta làm gì tiếp theo. Trước mắt, tôi đề nghị tạm dừng tất cả các dự án thủy điện vừa và nhỏ dự kiến sẽ đầu tư, cho đến khi có một kết luận của cơ quan khoa học về vấn đề quy hoạch thủy điện trong toàn vùng.

Theo tôi, để xảy ra tình trạng ngập lụt có liên quan đến xả lũ ở hồ chứa vừa qua, nếu có sai sót thì đó là trách nhiệm của Bộ Công thương, với tư cách là bộ quản lý chuyên ngành đối với các công trình thủy điện. Lãnh đạo Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm giải trình với cử tri, với nhân dân về vấn đề này. Phải quy trách nhiệm cho “tư lệnh” lĩnh vực. Ngoài ra, chuyện quản lý rừng, nguồn nước còn liên quan hai bộ nữa là Bộ NN-PTNT với vai trò là cơ quan thường trực phòng chống bão lụt ở nước ta và cũng là cơ quan quản lý rừng; Bộ TN-MT với vai trò là cơ quan quản lý nguồn nước và thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án.

Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Công thương, tôi sẽ cho kiểm tra ngay, xem việc vận hành hồ chứa thế nào rồi công bố công khai; đồng thời chuyển ngay từ quản lý từng thủy điện riêng lẻ sang quản lý theo lưu vực. Ví dụ trên một lưu vực có 9 thủy điện thì phải có một ông nhạc trưởng quản lý, điều tiết việc vận hành các thủy điện trong lưu vực ấy.

Với tư cách là đại biểu QH, tôi đề xuất tổ chức một ủy ban liên ngành với nhiều nhà khoa học tiến hành điều tra, làm rõ vấn đề này báo cáo trước QH. Thậm chí, QH cũng có thể thành lập một ủy ban lâm thời theo luật hoạt động giám sát của QH để điều tra về hiện trạng rừng, hồ chứa, vấn đề quản lý hồ chứa... Tôi sẽ đề nghị vấn đề này trong phiên chất vấn sắp tới.

Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Tính toán kỹ hơn trước khi duyệt dự án

Vấn đề phải quan tâm hiện nay là khí hậu đang thay đổi trái với quy luật trước đây. Ví dụ như Tây Nguyên, thường tháng 11 là không có mưa, nhưng đến nay vẫn đang mưa. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải nhận thức được vấn đề biến đổi khí hậu để có tính toán kỹ hơn trước khi phê duyệt các dự án thủy điện. Còn những dự án đã xây dựng xong thì phải tìm cách sửa, chứ không cho hoạt động thì khó vì nó còn tác động đến nhiều mặt. Trước mắt ta cần điều chỉnh ngay trong quy trình vận hành, phải xả nước trước đó, phải xả dần chứ không thể để xả lũ dồn dập một lúc, sẽ gây lũ lớn, thiệt hại lớn cho bà con.

Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường: Chưa hợp lý thì phải điều chỉnh

Trong lập dự án thủy điện thì chủ đầu tư phải có báo cáo thẩm định, đánh giá tác động môi trường, trong đó có nội dung về cắt lũ, xả lũ của hồ chứa. Có thể các cơ quan nhà nước, cơ quan chức năng ở địa phương chưa làm hết chức trách trong việc thẩm định báo cáo của chủ đầu tư. Bây giờ, nếu có vấn đề bất hợp lý thì phải chấn chỉnh lại. Trong thủy điện, khi có nhiều dự án trên một dòng sông thì người ta phải bố trí thành một hệ thống, đó là thủy điện bậc thang. Hiện nay, nếu quá trình vận hành các hồ chưa hợp lý thì phải điều chỉnh để phù hợp hơn.

Ông Bá Thanh Kia, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên: Có thủy điện, ngập nặng hơn

Khi lập dự án xây dựng, chủ đầu tư thuyết trình trước các cơ quan chức năng và nhân dân rằng có thủy điện sẽ giúp điều hòa nước tốt hơn, người dân không lo bị ngập. Thực tế, trước kia ở Tuy Hòa hầu như không bị ngập, nhưng có thủy điện thì ngập lụt lại tồi tệ hơn. Điều này khiến người dân rất bức xúc, kêu ca rằng vì kinh doanh mà các nhà máy thủy điện đã bỏ rơi họ, khiến họ mất ăn, mất ngủ bởi ngập lụt.

Trách nhiệm để xảy ra việc này thuộc về Bộ Công thương, sau đó là các nhà máy. Đến phiên chất vấn, chúng tôi sẽ xem xét để chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề này. Theo tôi, lẽ ra Bộ phải xây dựng quy chế quản lý chung hoạt động của các nhà máy thủy điện, không để các nhà máy cùng xả lũ trên cùng một dòng sông khiến nhân dân bị ngập lụt.

Bà Trịnh Thị Nga, ủy viên Ủy ban Kinh tế: Cần xem lại quy hoạch

Bây giờ phải xem lại quy hoạch, liệu phát triển thủy điện như thế có quá nhiều không, có tác động đến môi trường như thế nào... Với những dự án đã đầu tư rồi thì phải đặc biệt chú ý trong quá trình vận hành để rút kinh nghiệm những vấn đề như đã xảy ra tại Phú Yên, làm sao tích nước rồi xả lũ cho hiệu quả, an toàn.

Tôi cho rằng rất cần có một sự điều hành tổng thể về việc tích nước, xả lũ của các thủy điện trên cùng một dòng sông, nhất là khi các doanh nghiệp khác nhau đang đầu tư vào thủy điện tương đối ồ ạt như thế này. Nếu không làm được điều này mà cứ để nhà nước làm, tư nhân làm thì chắc chắn những việc xảy ra như đối với Phú Yên sẽ lặp lại.

Ông Võ Minh Thức, ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường: Công phá quá sức chịu đựng

Thủy điện là lợi ích quốc gia, nhưng địa phương phải gánh chịu thiệt thòi, từ việc giải phóng mặt bằng, mất cả đất ở lẫn đất canh tác.

Phú Yên có tới ba thủy điện: Sông Hinh, Sông Ba Hạ, tới đây là Krong Ana. Như vậy ba thủy điện này mà không điều tiết lũ tốt, thì rất nguy hiểm. Ví dụ vụ hồ thủy điện Sông Ba Hạ, khi chưa có đập thì nước từ thượng nguồn sẽ chia sẻ và thoát ra biển. Đặc điểm của miền Trung chúng tôi là địa hình dốc, sông ngắn, khi thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ đến 14.540 m3/giây thì sự công phá của nó quá sức chịu đựng đối với địa phương.

Khi tôi còn làm Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, chúng tôi có tham gia vào quá trình đầu tư các công trình thủy điện và đặt ra hai vấn đề, một là cân bằng nước cho sản xuất, hai là điều tiết lũ. Khi đó nhà đầu tư nói rằng nếu như thế thì đầu tư lớn quá. Vốn đầu tư rất cao nên họ không chấp nhận. Vì thế nên đập thủy điện hầu như không có chức năng điều tiết lũ.

Mực nước năm nay về Tuy Hòa là cực lớn, hơn cả năm kỷ lục của 1993. Nặng nhất là ba huyện Đồng Xuân, Tuy An, Sông Cầu, cả tỉnh đã có 70 người chết, mất tích 14 người. Ảnh hưởng của bão thì không lớn lắm, chủ yếu là lũ. Không thể tưởng tượng được sự khủng khiếp của trận lũ năm nay như thế nào dù trời mưa không lớn, đang đêm nó ầm ầm kéo về, chạy không kịp, có làng chìm cả trong nước, có chỗ ngập tới 4,5 mét nước.

Về thủy điện Lai Châu, quan điểm của tôi thì ủng hộ thôi vì nó liên quan đến quyền lợi lâu dài của đất nước, nếu giải quyết tốt các vấn đề ở địa phương. Lai Châu có lợi thế về giải tỏa đền bù, dân cũng được nhờ dự án, nhưng phải xem xét vấn đề phía trên thượng nguồn có đến 7-8 cái thủy điện của Trung Quốc, khi họ xả lũ lưu lượng lớn mà mình đầy hồ rồi thì rất phức tạp. Cái này phải đặc biệt quan tâm chứ không như lý luận đơn thuần của các nhà khoa học.

Nhóm PV Thời sự  (lược ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.