Vụ ngộ độc bánh mì ở Bình Thuận: Nhiều khả năng do pa-tê “bà Tú”

21/01/2010 23:51 GMT+7

* Số người bị ngộ độc lên đến hơn 200 Từ lời kể của các bệnh nhân, hôm qua cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xác định hai điểm bán bánh mì có nhân gây ngộ độc là xe bán bánh mì ven đường của bà Võ Thị Cẩm Tú (trú KP Hiệp Phước, thị trấn Chợ Lầu, ngay trước cổng UBND H.Bắc Bình) và xe bán bánh mì của bà Đặng Thị Châu Giang (ở chợ Thái Hòa, xã Hồng Thái, H.Bắc Bình).

Quy trình sản xuất pa-tê “có vấn đề”

Ông Đinh Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng H.Bắc Bình, cho biết xe bánh mì của bà Cẩm Tú được nhiều người khen ngon nên mua rất đông. Bánh mì bà Tú mua từ xã Chí Công của H.Tuy Phong, nhưng thịt kẹp bánh mì và đặc biệt là pa-tê thì nhà bà Tú tự làm. Còn bà Giang mới mua xe bánh mì và bán được đúng 10 ngày nay. Bà Giang lấy bánh mì của một lò sản xuất ở thị trấn Chợ Lầu, nhưng pa-tê lại lấy từ chính... nhà bà Cẩm Tú đem đến bỏ mối.
Theo chị Bùi Thị Phương Bình (ở ngay sát nơi bán bánh mì Cẩm Tú), sáng 18.1 chị mua một ổ bánh mì có nhân và một ổ bánh mì không. Ổ bánh mì có nhân chị ăn thì bị ngộ độc, riêng ổ bánh mì không chị chiên ốp-la trứng kẹp vào cho con ăn thì không sao.

"Rất may là pa-tê nhà bà Cẩm Tú chỉ mới bỏ mối được cho một xe bánh mì của bà Giang. Nếu không thì lượng người bị ngộ độc sẽ còn tăng hơn rất nhiều" - Ông Đinh Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng H.Bắc Bình

Ông Hùng cho biết, qua điều tra dịch tễ (chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng) thì nguyên nhân gây ngộ độc khả năng do pa-tê gia đình bà Cẩm Tú tự sản xuất để kẹp bánh mì bán và bỏ mối cho bà Giang ở Hồng Thái. "Rất may là pa-tê nhà bà Cẩm Tú chỉ mới bỏ mối được cho một xe bánh mì của bà Giang. Nếu không thì lượng người bị ngộ độc sẽ còn tăng hơn rất nhiều", ông Hùng nói và quả quyết: "Công đoạn sản xuất pa-tê của chị Cẩm Tú là có vấn đề”.

Trung tâm y tế dự phòng H.Bắc Bình đã phối hợp Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Thuận và các cơ quan chức năng đình chỉ việc buôn bán bánh mì của hộ bà Võ Thị Cẩm Tú và bà Đặng Thị Châu Giang. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng lấy mẫu bệnh phẩm, các sản phẩm của hai nơi bán bánh mì này đưa vào TP.HCM phân tích.

Bệnh viện quá tải vì ngộ độc

Chiều qua Bệnh viện (BV) Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận cho xuất viện khoảng 50 bệnh nhân nhẹ trong vụ ngộ độc do ăn bánh mì có nhân, nhưng số tiếp tục phải nằm viện điều trị vẫn lên đến trên 100 người. Theo số liệu của BV, tổng số người nhập viện do ngộ độc là 173 người; trong khi thực tế còn rất nhiều người đến điều trị tại các phòng khám tư. Theo ước tính của PV, số người bị ngộ độc lên đến hơn 200.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thỏa, Phó giám đốc BV, đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đầu tiên ông chứng kiến sau hơn 20 năm làm việc tại H.Bắc Bình. "Tất cả các phòng nội trú của khoa Nhiễm không còn chỗ. BV phải kê giường, thậm chí là trải chiếu cho bệnh nhân nằm ngay hành lang để truyền nước và sơ cứu kịp thời", ông Thỏa nói.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Phó khoa Nhiễm, cho biết khi thấy bệnh nhân có cùng triệu chứng sốt, ói, tiêu chảy cấp và đặc biệt là họ đều khai có ăn bánh mì mua ở ven đường thì mới vỡ lẽ đây là một vụ ngộ độc thực phẩm.

Về trường hợp học sinh Võ Thị Mỹ Quyên tử vong sáng 20.1, theo bác sĩ Thỏa, bệnh nhân có tiền sử về bệnh Anpha Thalasemie (căn bệnh chưa có thuốc chữa). Việc ngộ độc bánh mì đã làm bệnh nhân biến chứng dẫn đến tử vong.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.