Rắn lạ ở Cù Lao Dung

16/06/2010 14:25 GMT+7

(TNTS) Chỉ tiếp xúc với hai thầy chữa rắn cắn ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng), họ cho biết từ đầu năm đến nay đã có trên dưới 40 người bị rắn cắn được họ điều trị. Nạn nhân đến từ các xã Đại n, An Thạnh I, An Thạnh II, An Thạnh III…

Rắn lạ

Ở Cù Lao Dung, rắn xuất hiện nhiều nơi và tấn công người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Người chặt mía, đào khoai, đi câu cá, đi đường bị rắn cắn đã đành; nhưng còn có người vào nhà giữ xe ở trường, đi vệ sinh cũng bị rắn cắn, thậm chí có người… đi ngủ cũng không thoát.

Những điều trùng hợp lặp lại xung quanh chuyện rắn cắn người càng khiến những lời đồn nhuốm màu huyền bí. Trường hợp của anh Trầm Văn Phol (xã An Thạnh Nam) mà chúng tôi đã đề cập trong số báo kỳ trước, người ta nói anh đã bị rắn "trả thù". Chị Thạch Thị Sương, vợ anh Phol kể, trong ngày anh Phol bị rắn cắn chết, buổi sáng đi làm mía anh đã bắt con rắn to chừng nửa ký, làm thịt nhậu. Chiều lại, anh bị rắn độc cắn chết ở sát nhà.

Cho tôi xem ảnh con vật màu nâu có chân, nửa giống rắn, nửa giống cá, chụp bằng điện thoại, ông Phan Văn Thức, Chủ tịch UBND An Thạnh Nam kể, ông chụp được ở chợ Rạch Tráng (xã An Thạnh III). Một người dân ở đây đi làm mía vô tình đập chết nó. Nghe đồn có "rắn 4 chân", ông Thức nói ông cũng tìm đến xem. Lúc này, người dân ở gần xa cũng tìm đến rất đông và chen nhau chụp hình. Nói đến "rắn lạ", Lâm Quel - một cao thủ bắt rắn rùng mình: "Bây giờ có nhiều rắn lai, tôi chưa thấy bao giờ". Anh nông dân Lâm Văn Chọn cho biết gần đây có những loại rắn mà anh ít thấy ở vùng này. Ngoài những loại rắn "xoàng xoàng" như lần cân, hổ lửa, hổ mốc, lại có những loài ít thấy như "hổ long", "hổ bướm", chưa kể những loài rắn lai giữa giống này với giống kia.


Em Trần Hoàng Phương với vết thương do rắn cắn nơi gót chân vừa lành

Rắn cắn… cả dòng họ

Người chặt mía, đào khoai, đi câu cá, đi đường bị rắn cắn đã đành; nhưng còn có người vào nhà giữ xe ở trường, đi vệ sinh cũng bị rắn cắn, thậm chí có người… đi ngủ cũng không thoát.

Những điều trùng hợp lặp lại xung quanh chuyện rắn cắn người càng khiến những lời đồn nhuốm màu huyền bí.
Mặc dù cả nhà ai cũng sợ và không dám ăn rắn, lươn, lịch,  thế nhưng gia đình ông Huỳnh Văn Phúc (ấp Vàm Hồ, An Thạnh Nam) liên tiếp phải đón lấy những đau thương do rắn độc gây nên. Trước đây, bà Huỳnh Thị Đượm, chị ruột ông Phúc lúc xách nước tưới khoai bị rắn cắn chết. Không lâu sau, anh Huỳnh Văn Tèo, con ông Phúc, trong lúc xới đất bằng máy xới vô tình cắt đứt mình con rắn hổ mang to. Nghĩ con rắn chết, anh cầm phần đầu con rắn lên, xui rủi bị răng rắn đâm vào tay. Ông Phúc lập tức đưa con đến tìm các thầy thuốc rắn, nhưng tất cả đều lắc đầu. Anh Tèo chết để lại vợ trẻ và hai đứa con nhỏ.

Ngơi đi một thời gian, cách nay gần 1 tháng, lúc đi xóm về qua bờ rẫy, dù đi giữa những người khác nhưng ông Phúc lại bị rắn "đớp" vào chân. Độc phát nhanh nên khi đưa đến bà Hường ở Rạch Tráng thì người ông đã lạnh cóng. May mà lần đó ông được cứu sống kịp. Rồi sau đó 3 ngày, cũng trong khu vực đó, người cháu ông Phúc lúc tưới khoai cũng bị rắn tấn công. Lúc chở tới thầy thuốc rắn ở Kinh 3, anh này đã kéo đờm, không còn tỉnh táo. Nhưng may là nạn nhân cũng được cứu sống. Tiếp tục sau đó, cô bé người Khmer chặt mía mướn cho một người cháu khác của ông Phúc lại bị rắn cắn... Lần này, nhân công đốn mía phát hoảng đã bãi công. Chủ mía phải "đàm phán" với những "đầu công", tăng tiền công đốn mía, người làm thuê mới "vị tình" tiếp tục công việc.


Cây ngải, được cho là có chức năng trị nọc rắn, trồng tại Bệnh viện huyện Cù Lao Dung

Đến cao thủ cũng chùn tay

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà cao thủ bắt rắn Lâm Quel ở ấp Vàm Hồ. Anh Quel nói anh đã giải nghệ khá lâu rồi. Anh cũng từng vào rừng bắt rắn, bị anh em kiểm lâm nhắc nhở. Nhưng "thật tình mà nói, tôi ớn quá, sợ sanh nghề tử nghiệp nên tôi nghỉ", anh Quel tình thật. Một vùng rộng lớn ở xã An Thạnh Nam trước đây thuộc địa phận của Nông trường 30 Tháng 4. Sau khi nông trường giải thể, bàn giao cho địa phương, nơi này cũng còn rất nhiều rắn. Anh Quel nói, mấy năm trước, thợ bắt rắn ở miệt Cà Mau, Vĩnh Long thường qua đây. Anh Quel cũng thường đi theo ông Thoảng, một đại cao thủ bắt rắn ở Khai Luông để... cầm bao. Anh nhớ lại: "Có lần vào hãng nước đá bỏ hoang của nông trường cũ gặp hang rắn rất to.


Rừng ngập ở Cù Lao Dung

Lần đó bắt được 9 con rắn hổ mang to". Nhưng điều làm anh Quel nhớ tới giờ là khi gặp được con rắn thứ 9 to gần 3 kg. Ông Thoảng rất nhanh tay thộp cổ con rắn, vuốt xuống bụng thì tóm được con rắn nhỏ khác cỡ ngón tay út, trên đầu có mồng đỏ. Lâm Quel kể, anh rởn tóc gáy khi ông Thoảng nói đó là "rắn chúa". Tương truyền "rắn chúa" là loài cực độc, được bảo vệ bởi một bầy hổ mang và được bầy hổ mang này cung phụng thức ăn săn được (!). Sau đó ít lâu, buổi tối đi tiểu, ông Thoảng bị một con rắn nhỏ nằm dưới dép cắn. Ông không cho người nhà chở đi thầy thuốc rắn khác mà tự mình điều trị, nhưng không qua khỏi. Sau cái chết của ông Thoảng, anh Quel giải nghệ. Anh nói các thợ bắt rắn ở xa cũng ít tới đây. Hãng nước đá giờ cây cối mọc um tùm, không ai héo lánh tới. Quel nói, mấy người bạn nhiều lần rủ anh đi "kiếm mồi nhậu", anh cũng không dám đi.

Mong chờ cơ quan chức năng vào cuộc

Việc rắn xuất hiện cắn người hàng loạt diễn ra ở Cù Lao Dung đã gây hoang mang cho người dân và đang đe dọa đến vụ mùa ở đây. Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nam, ông Phan Văn Thức nói, xã đã có 4 đề nghị lên cấp trên là: Cung cấp thuốc đặc trị nọc rắn độc cho địa phương; hỗ trợ cho gia đình nạn nhân bị rắn cắn; hỗ trợ phương tiện bảo hộ cho người dân và tìm cách thu gom rắn. Tới nay, bệnh viện huyện đã được cung ứng huyết thanh trị rắn; gia đình nạn nhân cũng được địa phương có chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, làm cách nào để giảm nạn rắn cắn, giải tỏa nỗi lo của người dân thì chưa có giải pháp cụ thể. Tất cả đang mong chờ sự tham gia một cách có trách nhiệm hơn nữa của cơ quan chức năng.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.